Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thái Nguyên hưởng lợi từ làn sóng chuyển nhà máy Trung Quốc về VN

Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang giúp các tỉnh công nghiệp như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… hưởng lợi với nguồn vốn FDI tăng mạnh.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế thuộc Nomura Holdings dẫn bởi Bloomberg, Việt Nam là nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại kéo dài gần một năm qua.

Tác động tích cực này đến từ việc thay đổi chuỗi cung ứng khi các nhà nhập khẩu trên thế giới tìm cách tránh thuế quan đã bị gia tăng trước đó. Trong đó, không ít nhà sản xuất chấp nhận chi phí dịch chuyển nhà máy để tránh thuế quan.

CNBC dẫn báo cáo cho biết một số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn trước nhờ chiến tranh thương mại bao gồm linh kiện điện thoại, đồ nội thất, máy xử lý dữ liệu tự động. Ngoài ra, việc hàng hóa Trung Quốc bị gia tăng thuế quan sang Mỹ tạo ra làn sóng nhập khẩu thay thế đối với các sản phẩm điện tử, nội thất và hàng hóa sử dụng trong du lịch.

Danko anh 1
Nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại.

Số liệu nghiên cứu của Công ty nhân sự Navigos cũng cho thấy các nhà máy, dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đang có xu hướng đổ dồn sang Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực chứng kiến làn sóng “di cư” của nhà máy Trung Quốc mạnh mẽ nhất là công nghiệp phụ trợ và gỗ nội thất.

Navigos nhận định những dự án, nhà máy mới đặt chân đến Việt Nam có thể tăng quy mô nhân sự lên gấp đôi hay gấp ba lần trong năm, đặc biệt trong một số lĩnh vực như thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất này thể hiện rõ nhất qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường từ đầu năm đến nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót tiền vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Nhiều nhất số này là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 18,09 tỷ USD, chiếm 69,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xếp thứ 2 về số vốn đầu tư tăng thêm là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 2,77 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 trong danh sách là bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,4 tỷ USD, chiếm 5,4%...

Trong đó, các tỉnh sở hữu khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương… là những địa phương hưởng lợi từ làn sóng đầu tư vốn nước ngoài này.

Danko anh 2
Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh được rót vốn đầu tư cao.

Cụ thể, số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết 9 tháng đầu năm nay, đến 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, đứng đầu là Hà Nội với tổng số vốn đăng ký mới đạt 6,15 tỷ USD (chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư); TP.HCM đứng thứ 2 với 4,52 tỷ USD (chiếm 17,3%); và Bình Dương xếp thứ 3 với 2,52 tỷ USD (chiếm 9,6%)...

Cũng theo báo cáo này, Thái Nguyên xếp thứ 16 trong danh sách nhưng là tỉnh thành có mức tăng số vốn đăng ký mới lớn nhất khi đạt gần 314 triệu USD, gấp gần 4 lần cùng kỳ.

9 tháng qua, toàn địa bàn tỉnh này có 11 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới trên 203 triệu USD. Cùng với đó, tỉnh còn có 15 dự án điều chỉnh với số vốn đăng ký tăng gần 97 triệu USD. So với cùng kỳ, số dự án FDI cấp phép mới chỉ ở mức tương đương, nhưng vốn đăng ký tăng đã gấp 6 lần.

Cùng kỳ năm 2018, Thái Nguyên đứng thứ 32 trong danh sách này với tổng vốn đăng ký đạt hơn 81,6 triệu USD. Số liệu những năm trước đó cũng thấp hơn nhiều so với số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm nay như 9 tháng 2017 là 77,34 triệu USD, xếp thứ 31; 9 tháng 2016 là 140,65 triệu USD, xếp thứ 24; 9 tháng 2015 là 288,6 triệu USD, xếp thứ 14…

Lũy kế đến ngày 20/9, toàn tỉnh này hiện có 137 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 7,9 tỷ USD, tương đương 184.000 tỷ đồng.

Thực tế, trước khi hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ đầu năm, Thái Nguyên đã là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tỉnh này đạt 10,44%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước là 7,08%. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 77,7 triệu đồng, cao hơn 19,2 triệu đồng so với mức trung bình cả nước.

Ba năm gần đây, kinh tế Thái Nguyên ghi nhận tăng trưởng GDP bình quân đạt hơn 10% mỗi năm. Theo kế hoạch, kinh tế tỉnh này năm nay sẽ duy trì mức tăng 9%, với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng.

Riêng các khu công nghiệp của Thái Nguyên đã giải quyết việc làm cho gần 120.000 người, thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng một tháng.


Hứa Nhật - Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm