Reuters dẫn lời Thủ tướng Prayut cho biết yêu cầu này dựa trên hiệp ước dẫn độ ký kết giữa hai nước vào năm 1911.
"Chúng tôi không thể bắt giữ người đang ở quốc gia khác, vì vậy chúng tôi trông chờ nước Anh bắt và đưa (bà Yingluck) về Thái Lan", ông Prayut phát biểu hôm 31/7.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters. |
Tháng 8/2017, cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra rời khỏi Thái Lan để tránh việc ngồi tù sau cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi của bà bị cáo buộc khiến Thái Lan thất thoát hàng tỷ USD ngân sách.
Em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng bị lật đổ trong đảo chính giống bà Yingluck, bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng phiên tòa xét xử bà có động cơ chính trị.
Đến tháng 9/2017, tòa án Thái Lan đã tuyên án vắng mặt đối với bà Yingluck, mức án 5 năm tù. Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ tìm mọi cách để xác minh nơi ở và đưa cựu thủ tướng về nước.
Hồi cuối tháng 5, BBC tiếng Thái tiết lộ bà Yingluck đã được cấp visa Anh có thời hạn 10 năm dù giới chức nước này vẫn chưa xác minh được tung tích của bà.
Một trong những bức ảnh được cho là chụp bà Yingluck ở Anh gây xôn xao mạng xã hội Thái Lan thời gian qua. Ảnh: Twitter/zenjournalist. |
Nhiều hình ảnh ghi lại sự xuất hiện của bà tại Anh. Một video đăng tải trên Instagram hôm 28/7 quay cảnh bà Yingluck khẳng định mình đang sống ở Covent Garden, thủ đô London.
Cuối năm 2017, mạng xã hội Thái Lan cũng lan truyền hình ảnh cựu thủ tướng xuất hiện ở một trung tâm mua sắm tại London.
Bà Yingluck và anh trai của bà, ông Thaksin Shinawatra, là tâm điểm của những vụ bê bối chính trị gây rúng động Thái Lan hơn một thập kỷ qua. Phe ủng hộ hai anh em gia đình Shinawatra thường xuyên mâu thuẫn với chính quyền quân sự nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.
Theo dự kiến, Thái Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2019. Ông Thaksin và bà Yingluck được cho là vẫn có thể dùng ảnh hưởng chính trị của mình để tác động sự kiện này.