Ông Chalakorn Choomwan làm việc tại trang trại cần sa trong nhà ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Hàng nghìn cửa hàng và cơ sở kinh doanh cần sa đã mọc lên, đặc biệt là ở Bangkok và các điểm du lịch, kể từ khi Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa loại cây này.
Nhưng khung pháp lý không được thiết lập rõ ràng và dự luật không được Quốc hội Thái Lan thông qua vào tháng 2, khiến nước này không có luật bao trùm để điều chỉnh việc sử dụng cần sa.
Ngoài tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý, lợi ích của loại cây trồng mới mang lại lợi nhuận cho nông dân - từng được Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, người đi đầu trong nỗ lực hợp pháp hóa, tuyên bố - đã không thành hiện thực, 6 người trong ngành, bao gồm cả nông dân và nhà bán lẻ, nói với Reuters.
Vấn đề nhập lậu
Kajkanit Sakdisubha, giám đốc điều hành và người sáng lập Taratera, công ty điều hành các trang trại và cửa hàng cần sa, đổ lỗi sự thất vọng của nông dân đến từ việc nhập khẩu bất hợp pháp. Hoạt động này diễn ra khi đợt bùng nổ cần sa ban đầu dẫn đến cạn kiệt nguồn cung trong nước.
"Sau đó, những bông hoa nhập khẩu bắt đầu tràn vào", ông Kajkanit nói, đề cập đến những chồi cần sa được những người hút ưa chuộng.
Những chồi cần sa được nhìn thấy bên trong một trang trại trong nhà ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Một lượng lớn cần sa nhập lậu từ nước ngoài đã tràn ngập Thái Lan, khiến giá bán buôn giảm và gây thiệt hại cho người trồng trọt, những người trong ngành cho biết.
Bộ trưởng Y tế Charnvirakul, người có trang web vận động tranh cử năm 2019 với hình ảnh cây cần sa mọc ra tiền vàng, nói với Reuters rằng việc nhập khẩu bất cứ bộ phận nào của cây mà không được phép đều bị cấm và nên dừng lại.
"Đó là hoạt động bất hợp pháp", ông nói. "Nếu họ đang nhập khẩu bất hợp pháp, chúng tôi sẽ phải thực thi pháp luật".
Ông không bình luận về quy mô của cần sa nhập lậu trên thị trường hoặc tác động của nó đối với nông dân.
Phòng Thương mại Thái Lan đã ước tính lĩnh vực này, bao gồm các sản phẩm dược phẩm, có thể trị giá 1,2 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, Srapathum Natthapong (37 tuổi), người đã đầu tư một phần tiền tiết kiệm cả đời để nhảy vào ngành trồng cần sa, cho biết anh thấy lợi nhuận của mình giảm dần.
"Trong những ngày đầu, tôi có thể bán một kg với giá từ 10.200-11.600 USD", Srapathum, người điều hành 3 trang trại trong nhà, cho biết.
Vào tháng 4, khi đến vụ thu hoạch tiếp theo, Srapathum dự đoán giá sẽ giảm xuống còn 5.800 USD/kg.
"Những cây nhập lậu đang gây hại cho chúng tôi", anh nói.
Cho đến nay, khoảng 1,1 triệu người ở Thái Lan đã đăng ký với chính phủ để trồng cần sa.
Tại con đường Khaosan của Bangkok, các quầy hàng bán cần sa chạy dài trên phố và dường như không ai quan tâm rằng cần sa nhập khẩu là bất hợp pháp.
Một số cửa hàng thậm chí còn làm nổi bật hàng của họ được nhập khẩu từ nước ngoài.
“Cần sa sản xuất ở Mỹ", một cửa hàng tuyên bố trên bảng hiệu.
3 người trong ngành cho biết ít nhất một nửa số cần sa được bán ở Thái Lan đang được nhập lậu vào, mặc dù họ không đưa ra ước tính cụ thể về số lượng hoặc giá trị của hàng nhập khẩu.
Nhà hoạt động ủng hộ cần sa và nhà bán lẻ Chokwan "Kitty" Chopaka cho biết Mỹ là nguồn cung cấp cần sa chính và những sản phẩm này đã tràn ngập Thái Lan, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch của nước này.
“Rất nhiều cần sa từ Mỹ sẽ đến các quầy pha chế ở Bangkok, Phuket hoặc Pattaya”, bà nói.
Ông Pornchai Paadmindra thuộc Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Cây gai dầu Thái Lan có khoảng 300 thành viên, cho biết đối mặt với tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp, nhiều người trồng trọt đang cân nhắc từ bỏ ngành này.
"Mọi người đang vật lộn", ông nói. "Mọi thứ đang trở nên khó khăn".
Tấm biển "sản xuất ở Mỹ" trước một cửa hàng bán cần sa tại đường Khaosan. Ảnh: Reuters. |
"Trò chơi chính trị"
Chuwit Kamolvisit, người từng là ông trùm kinh doanh massage và là nhà hoạt động trên chính trường Thái Lan, đã để mắt đến ông Charnvirakul và đảng Bhumjaithai của ông khi chiến dịch tranh cử nóng lên.
Ông Chuwit, mặc dù không tham gia cuộc bầu cử này, nhưng gần đây đã nhân cơ hội đi thăm một khu chợ ở Bangkok với các phóng viên để thể hiện thái độ thách thức.
"Đây có phải là cây trồng mang lại lợi nhuận cho nông dân không? Không", ông Chuwit nói, đứng giữa người ủng hộ với những tấm biểu ngữ lên án cần sa.
"Ông Charnvirakul phải chịu trách nhiệm với tư cách là bộ trưởng Y tế Công cộng", ông nói.
Thái Lan nổi tiếng là đất nước có thái độ cứng rắn với ma túy và lãnh đạo phe đối lập, ông Thaksin, từng giám sát một cuộc đàn áp khi ông còn là thủ tướng vào đầu những năm 2000.
Con gái của ông, Paetongtarn Shinawatra, với hy vọng lãnh đạo đảng Pheu Thai giành chiến thắng vào tháng 5, đã lên án cần sa là mối đe dọa đối với xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Đảng của bà tuyên bố sẽ hạn chế nó ngoại trừ mục đích y tế.
Trong khi đó, ông Charnvirakul đổ lỗi các đối thủ cố tình làm “trật bánh” trong quốc hội.
“Nếu nó (luật cần sa) được thông qua, chúng tôi sẽ được nhiều người biết đến hơn và nhận được nhiều phiếu bầu hơn”, ông nói.
"Đó 100% là trò chơi chính trị", ông nhấn mạnh.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.