Theo AP, Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan thông qua dự luật với tỷ lệ 281-0 cho phép thành lập ủy ban chiến lược quốc gia giám sát các kế hoạch dài hạn của chính phủ trong 2 thập kỷ tới.
Nhiệm vụ chính của ủy ban là hoạch định các mục tiêu mới mỗi 5 năm, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị mà quân đội cho rằng bị các chính trị gia của chính phủ dân cử cản trở.
Hồi tháng 3, phát ngôn viên chính phủ Weerachon Sukhondhapatipak nói việc cải cách Thái Lan đòi hỏi một chiến lược dài hạn trong 20 năm để giải quyết các vấn đề như tham nhũng và kinh tế bởi các chính phủ trước đây đã không thành công trong việc giải quyết chúng.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: Reuters. |
Quân đội Thái Lan nắm quyền kể từ khi lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 5/2014. Quân đội cho biết các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào năm tới. Tuy nhiên, thời điểm bầu cử vẫn chưa chắc chắn vì một số ngày bầu cử được hứa hẹn trước đây đã không xảy ra.
Báo Krungthep Turakij trích lời cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nói chính phủ quân sự nên trưng cầu dân ý về dự luật trước khi làm luật. Ông cho rằng dự luật mới sẽ làm phức tạp thêm công việc của chính phủ sau này.
Thái Lan bị xáo trộn bởi xung đột chính trị kể từ năm 2006, khi quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong một cuộc đảo chính trước đó. Những người ủng hộ và phản đối của ông Thaksin đã tham gia vào các cuộc tranh giành quyền lực đôi khi bạo lực.
Năm 2014, quân đội đã lật đổ chính phủ do em gái của ông Thaksin đứng đầu sau các cuộc biểu tình bạo lực chống lại bà.
Sau cuộc đảo chính năm 2014, quân đội đã ban hành hiến pháp mới nhằm hạn chế quyền lực của các chính trị gia.