Tại Philippines 2019, cử tạ Việt Nam xuất sắc giành ngôi nhất toàn đoàn với 4 HCV, 5 HCB và 1 HCĐ, trong khi Indonesia xếp thứ hai với 4 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ. Năm đó, Thái Lan và Malaysia không cử đội cử tạ tham dự, vì bê bối doping.
4 tấm HCV của Việt Nam khi đó thuộc về Lại Gia Thành (55 kg nam), Vương Thị Huyền (49 kg nữ), Hoàng Thị Duyên (59 kg nữ) và Phạm Thị Hồng Thanh (64 kg nữ).
Việc thiếu vắng các đô cử Thái Lan, khiến cuộc đua tranh HCV SEA Games chỉ quẩn quanh 3 đoàn Việt Nam, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, tại kỳ Đại hội lần thứ 31 tại Hà Nội, cuộc đua sẽ diễn ra gay cấn hơn.
Cả 10 đô cử Việt Nam dự SEA Games 30 đều có huy chương. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trong kỳ Đại hội được tổ chức trên sân nhà, cử tạ Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 2-3 HCV. 3 người được kỳ vọng nhất là Lại Gia Thành, Hoàng Thị Duyên và Phạm Thị Hồng Thanh, sau khi Vương Thị Huyền và Thạch Kim Tuấn không có tên trong danh sách đội tuyển.
Thái Lan tỏ ra vượt trội ở cử tạ nữ, khi họ đã đào tạo ra những đô cử giành HCV Olympic. Trong lần trở lại này, Thái Lan sẽ mang đến những vận động viên xuất sắc, để lấy lại vị thế trong khu vực.
Điều lo ngại nhất lúc này là các đoàn hầu như không có thông tin về đối thủ Thái Lan, khi họ đã bị cấm thi đấu quốc tế từ năm 2019. Bên cạnh đó, lần gần nhất các nữ đô cử Thái Lan tranh tài ở SEA Games đã cách đây 9 năm.
Tại SEA Games 2013, các nữ đô cử Thái Lan thâu tóm 3 tấm HCV trong tổng số 5 nội dung, còn các đồng nghiệp nam cũng giành 3 HCV trong số 6 hạng cân. Thành tích 6 HCV giúp cử tạ Thái Lan nhất toàn đoàn năm đó. Tới SEA Games 2015, cử tạ không nằm trong chương trình thi đấu, rồi SEA Games 2017 chỉ tổ chức các hạng cân của nam.