Ban tổ chức SEA Games 31 cho biết từ giữa tháng 4, một số cá nhân, tổ chức đã sử dụng thương hiệu Đại hội khi không được ban tổ chức cấp phép như sản xuất thú nhồi bông Sao la nhái, giả thú nhồi bông Sao la chính thức của Đại hội, sử dụng logo SEA Games 31 gắn trên các sản phẩm hàng hóa như quần áo thể thao, gắn tên và logo của SEA Games 31 trên các sự kiện.
Ban tổ chức SEA Games 31 khẳng định quyền sở hữu với thương hiệu của SEA Games 31 và phối hợp với các bên để xử lý những vi phạm này, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo hình ảnh của Đại hội.
Thú nhồi bông Sao la bản chính thức của Đại hội. Ảnh: SEA Games 31. |
Tác phẩm Sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi trở thành linh vật SEA Games 31, sau khi vượt qua hàng nghìn các bài dự thi cùng các vòng chấm điểm. Ban tổ chức cho biết phối hợp với đơn vị sản xuất khoảng 60.000 thú nhồi bông Sao la.
Để tạo nên thú nhồi bông Sao la, ê-kip đã thực hiện nhiều công đoạn. Việc tạo hình linh vật của kỳ Đại hội này độc đáo, nhưng cũng khó khăn. Ngay từ khi nhận bản vẽ, ê-kip đã suy tính làm cách nào để tạo hình Sao la có dáng vẻ vừa mạnh mẽ, nhưng không dữ dằn, ánh mắt cương quyết nhưng không hung dữ, dáng tay chiến thắng nhưng không khoe khoang. Và từ bản vẽ 2D của họa sĩ Ngô Xuân Khôi, những người thợ đã tạo hình 3D.
Sau nhiều công đoạn lần lượt tới 8 phiên bản hình mẫu, 3 phiên bản sau thổi hồn để tạo nên những chú Sao la nhồi bông dũng mãnh, dễ thương được chính thức xuất xưởng như hiện nay.
Ban tổ chức SEA Games 31 cho biết sẽ nỗ lực bảo vệ thương hiệu của Đại hội theo hành lang pháp lý, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan truyền thông ủng hộ, chung tay bảo vệ thương quyền của Đại hội.