Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau cú 'quay xe' của chính phủ Thái Lan với cần sa

Từng nổi tiếng với chiến dịch chống ma túy quyết liệt, giờ đây Thái Lan là đất nước cởi mở với cần sa nhất trên thế giới.

Ngày 9/6, Thái Lan hợp pháp hóa việc trồng và tiêu thụ cần sa, đảo ngược đường lối cứng rắn trước đây đối với tội phạm ma túy.

Trước đó gần 20 năm, vào năm 2003, chiến dịch chống ma túy do Thủ tướng Thaksin Shinawatra phát động đã khiến hàng trăm nghi phạm ma túy bỏ mạng. Chiến dịch của ông Thaksin từng rất được người dân Thái hưởng ứng.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đi theo đường lối trừng trị tương tự, đáng chú ý là Philippines sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức năm 2016. Singapore và Malaysia cũng đã áp dụng án tử hình đối với tội buôn bán ma túy trong nhiều thập niên. Khách du lịch đến Đông Nam Á từ lâu đã được cảnh báo về những hình phạt hà khắc mà họ phải đối mặt nếu bị bắt dù chỉ với một lượng nhỏ cần sa.

Vì tất cả lý do trên, thật khó để tưởng tượng rằng những gì đang xảy ra ở Thái Lan là sự thật.

Các quán cà phê và quầy hàng bày bán công khai tất cả các loại sản phẩm chứa cần sa. Những cụ già Thái Lan cười khúc khích khi thử đồ uống cần sa có màu xanh lơ và xếp hàng để nhận một trong số hàng triệu cây cần sa miễn phí mà chính phủ đang phân phát.

Thai Lan hop phap hoa can sa anh 1

Chính phủ Thái Lan phân phát một triệu cây cần sa miễn phí cho người dân để khuyến khích việc trồng loại cây này. Ảnh: BBC News.

Thay đổi quan điểm về cần sa

Bộ trưởng Tư pháp quân đội Thái Lan, tướng Paiboon Kumchaya, tuyên bố vào năm 2016 rằng cuộc chiến chống ma túy đã thất bại. Ông cho rằng Thái Lan cần có một biện pháp khác, ít hà khắc hơn để đối phó với việc sử dụng và lạm dụng chất ma túy.

Giờ đây, luật mới đã biến Thái Lan trở thành đất nước có cái nhìn cởi mở với cần sa nhất trên thế giới. Hiện tại, người dân có thể trồng và tiêu thụ bao nhiêu cần sa tùy thích.

Ông Tom Kruesopon, một doanh nhân giúp thuyết phục chính phủ thay đổi quan điểm về cần sa tự hào nói với BBC: "Thái Lan là quốc gia đầu tiên thế giới nơi bạn không phải ngồi tù vì trồng hoặc sử dụng cần sa”.

Anh Rattapon Sanrak, người bắt đầu vận động hợp pháp hóa cần sa sau khi trở về từ Mỹ cho biết: "Đây giống như một giấc mơ đối với chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi xa đến thế này ở Thái Lan".

Lý do đằng sau

Làm thế nào mà một đất nước được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự bảo thủ như Thái Lan lại theo đuổi cách tiếp cận tự do với ma túy như vậy?

Một phần là lý do chính trị. Ông Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Bộ Y tế Công cộng, thông qua việc hợp pháp hóa cần sa vì đây là chính sách nổi bật của đảng ông trong cuộc bầu cử năm 2019. Thành trì của đảng ông nằm ở vùng nông thôn nghèo nàn tại đông bắc Thái Lan. Chính sách này đã thu hút sự chú ý của những người nông dân đang phải vật lộn để kiếm sống từ việc trồng lúa và đường.

Ông Anutin cũng tin tưởng vào những lợi ích y tế của việc hợp pháp hóa cần sa, với hy vọng người nghèo ở Thái Lan có thể tự phát triển các phương pháp điều trị thay vì phải trả tiền cho các loại thuốc hóa học đắt tiền.

Lợi ích kinh tế cũng được tính đến. Ông Anutin ước tính việc kinh doanh cần sa sẽ tạo ra 10 tỷ USD trong 3 năm đầu tiên. Số tiền kiếm được có thể lớn hơn nữa nhờ vào “du lịch cần sa”, khi người nước ngoài đến Thái Lan để điều trị và chữa bệnh bằng loại cây này.

Ông Anutin đã mở phòng khám đầu tiên ở Bangkok chỉ tập trung vào phương pháp điều trị sử dụng chiết xuất từ cần sa. Một số tập đoàn lớn của Thái Lan cũng đang xem xét việc đầu tư vào loại cây “hái ra tiền” này.

Thai Lan hop phap hoa can sa anh 2

Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul là một trong những người ủng hộ hợp pháp hóa cần sa mạnh mẽ nhất. Ảnh: BBC News.

Một số nhà tù ở Thái Lan lọt top những nhà tù đông đúc nhất trên thế giới. Ba phần tư trong số tù nhân ở các nhà tù này là tội phạm ma túy, nhiều người còn là trẻ vị thành niên. Điều này khiến Thái Lan không chỉ chịu sự chỉ trích quốc tế về điều kiện sinh hoạt của tù nhân, mà còn phải chịu tốn kém ngân sách để nuôi họ.

Sự thay đổi luật đã dẫn đến việc hơn 4.000 người bị buộc tội liên quan đến cần sa được tự do khỏi nhà tù.

Cần sa ở khắp mọi nơi

Chính phủ Thái Lan có lẽ đã bất ngờ trước sự đón nhận nhiệt tình của người dân trên khắp cả nước đối với luật cần sa mới.

Cây cần sa giờ đây xuất hiện ở khắp mọi nơi - trên những que kem, trong những món ăn Thái truyền thống và trong những công thức sinh tố mới. Theo BBC, một người Thái còn đang bán thịt những con gà được nuôi lớn từ cần sa.

Luật mới làm cho hầu hết mọi thứ liên quan đến cần sa đều hợp pháp.

Chính phủ Thái đang soạn thảo các quy định bổ sung về việc sử dụng cần sa. Quan điểm chính thức của chính phủ là luật pháp chỉ cho phép sử dụng cần sa vì mục đích y tế chứ không phải để giải trí. Nhưng ranh giới giữa mục đích y tế và giải trí đến giờ rất khó để phân định.

Thai Lan hop phap hoa can sa anh 3

Du khách thưởng thức kem vị cần sa tại Thái Lan. Ảnh: BBC News.

Bố của Chidchanok Chitchob là một nhân vật chính trị quyền lực ở thị trấn Buriram và là một trong những người tiên phong ủng hộ hợp pháp hóa cần sa. Chitchob nói với BBC: "Tất cả chúng ta đều biết rằng sử dụng cần sa để giải trí sẽ đem lại nguồn thu lớn. Vì vậy, tôi nghĩ luật mới là một nước đi tốt của chính phủ để đạt được lợi ích kinh tế”.

Cô đang đang thử nghiệm các chủng khác nhau của cây cần sa để giúp nông dân địa phương trồng loại phù hợp.

Thai Lan hop phap hoa can sa anh 4

Cô Chidchanok Chitchob chăm sóc vườn cần sa của mình tại thị trấn Buriram. Ảnh: BBC News.

Ông Kruesopon nói rằng ông không có vấn đề gì với các quy định khác. Ông ủng hộ việc mua cần sa từ những nhà cung cấp được cấp phép, có đơn thuốc và không dành cho người dưới 18 tuổi.

"Không cần suy nghĩ quá nhiều. Bạn làm gì với thuốc lá thì có thể làm tương tự với cần sa. Đã có luật hiện hành để giúp kiểm soát việc sử dụng thuốc lá và sử dụng rượu. Đối với cần sa cũng chỉ cần dùng các luật tương tự", ông nói.

Bí ẩn ở 'ngôi làng tử thần'

Sau hàng loạt vụ án mạng rùng rợn, giấc ngủ đã trở thành thứ xa xỉ đối với cư dân làng Zingqolweni ở Nam Phi từ nhiều tháng qua.

Thế hệ 'rạch mặt' cuối cùng

Tục lệ rạch mặt từng phổ biến ở Nigeria trước lệnh cấm liên bang vào năm 2003. Những người mang vết sẹo đặc trưng trên mặt đang là thế hệ cuối cùng của tục lệ lâu đời này.

Lê Ngọc

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm