Khi một phụ nữ Thái Lan yêu cầu cơ quan chức năng chứng thực hôn nhân của bà với người đàn ông Ấn Độ, đây chưa chắc là cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu. Đặc biệt là sau khi kiểm tra thông tin, cảnh sát phát hiện bà đã kết hôn và có con với người chồng Thái.
Cảnh sát ngày càng nghi ngờ khi phát hiện thêm hàng trăm trường hợp tương tự: phụ nữ Thái Lan cố gắng tìm cách đăng ký kết hôn chính thức với đàn ông Ấn Độ trong khi hai người không thực sự có tình cảm. "Nhiều cặp đôi cư xử rất đáng ngờ", người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Bangkok Post, đề cập đến việc một số khách du lịch từ Nam Á sử dụng hôn nhân giả để che giấu hành vi phạm tội.
Một số nghi phạm đã bị bắt giữ và nhiều người nằm trong danh sách điều tra của cảnh sát. Đây được coi là hành vi lừa đảo đe dọa tới an ninh quốc gia, theo ông Surachate.
Qua cuộc điều tra của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Thái Lan, 8 nghi phạm người Ấn Độ bị bắt giữ vì tình nghi liên quan đến các vụ kết hôn giả. Ảnh: Cục cảnh sát du lịch Thái Lan. |
Vấn nạn kết hôn giả
Người phụ nữ Thái Lan và người đàn ông Ấn Độ không phải là trường hợp đầu tiên cố gắng đánh lừa các nhà chức trách về mối quan hệ của họ. Trở lại năm 2002, báo cáo tiết lộ bảy cuộc hôn nhân giả ở Bangkok đã thu hút sự chú ý của truyền thông và gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cảnh sát về chiêu trò nhập cư mới.
Công dân Ấn Độ thường được cho là muốn ở lại Thái Lan sau khi hết hạn thị thực du lịch, và kết hôn với công dân Thái có thể được sử dụng như công cụ để hiện thực hóa điều này. Cảnh sát tin rằng một số khách du lịch từ Ấn Độ tìm cách lợi dụng thị thực kết hôn và "họ có thể phạm tội nếu chúng ta để họ được tự do", ông Surachate nói.
Hiện tại có khoảng 8.000 công dân Ấn Độ cư trú tại Thái Lan theo diện thị thực kết hôn. Hơn 200 người trong số đó bị phát hiện vi phạm pháp luật, bao gồm âm mưu kết hôn giả với phụ nữ Thái. Hầu hết nghi phạm đã bị bắt, 127 người bị thu hồi visa và sẽ bị trục xuất, ông Surachate nói thêm.
Cảnh sát cũng ban hành lệnh bắt giữ 31 người "vợ" bị tình nghi và 29 người đã bị giam giữ. Công dân Ấn Độ có tên Vikrom Layehi, 35 tuổi, và 27 phụ nữ Thái Lan cũng bị bắt vì cáo buộc làm môi giới hôn nhân.
Việc dư luận dồn sự chú ý vào các vụ kết hôn giả xuất hiện ở nhiều nơi cũng khiến chính phủ Thái Lan phải tăng cường theo dõi chặt chẽ các cơ quan chức năng bị nghi ngờ là đồng phạm. Theo Văn phòng Ủy ban Chống Tham nhũng Khu vực Công (PACC), cảnh sát báo cáo có khoảng 271 cặp vợ chồng giả đăng ký kết hôn vào năm 2014 ở tỉnh Pathum Thani và 445 cặp khác ở tỉnh Sarabuni, miền Trung Thái Lan.
Nhiều phụ nữ tình nghi có liên quan đến hành vi môi giới kết hôn giả cũng bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Ảnh: Cục cảnh sát du lịch Thái Lan. |
Trong năm tiếp theo, gần 1.000 trường hợp tương tự ở tỉnh Nakhon Pathom cũng được thống kê. Con số lớn bất thường khiến PACC thiết lập sơ đồ theo dõi tình trạng này theo từng khu vực. Chi tiết quá trình điều tra không được tiết lộ, nhưng "những vụ việc này vẫn chưa kết thúc; chúng tôi đang chờ kết quả", Nathaphorn Sitthichai, điều tra viên cấp cao thuộc PACC, nói với Bangkok Post.
Hành vi phạm pháp
Nghiên cứu của PACC thực hiện vào cuối năm 2018 cho thấy nhiều quan chức nhà nước có thể bị mua chuộc để bỏ qua một số thủ tục đăng ký kết hôn cần thiết. Họ nhận giấy đăng ký từ người đại diện hoặc môi giới trung gian và đóng giấu chứng thực kết hôn mà không phỏng vấn cặp vợ chồng hay xác thực xem cặp đôi có đang sống thử hay không.
Để che giấu điều này, các quan chức thường không lưu lại thông tin của cặp đôi vào cơ sở dữ liệu. Họ chỉ cần in ra các tài liệu đăng ký kết hôn để hoàn thành công việc. "Các quan chức này đang khai thác lỗ hổng trong thủ tục pháp lý", bà Nathaphorn nói và trích dẫn nghiên cứu của PACC.
Ông Surachate cho biết dù phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì bất cứ lý do không chính đáng nào, như muốn giúp đỡ bạn bè hoặc do nợ tiền người đàn ông, "họ cũng sẽ không thoát khỏi các quy định pháp lý". Theo luật, cả nghi phạm Ấn Độ và Thái Lan sẽ bị buộc tội âm mưu lừa đảo chính quyền.
Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn cho biết nghi phạm kết hôn giả có thể phải ngồi tù tối đa 10 năm và chịu mức phạt lên tới 200.000 baht. Ảnh: Cục cảnh sát du lịch Thái Lan. |
Họ có thể phải ngồi tù tối đa 10 năm và chịu mức phạt lên tới 200.000 baht (hơn 6.300 USD). Theo PACC, một số phụ nữ Thái Lan bị dụ dỗ kết hôn để được nhận khoản tiền từ 8.000 đến 10.000 baht. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phụ nữ không hề biết bị đánh cắp danh tính và sử dụng trái phép bởi những người đàn ông Ấn Độ.
"Có trường hợp một phụ nữ nhận ra mình đã kết hôn rồi vào đúng ngày đi đăng ký kết hôn với người chồng thật của mình", bà Nathaphorn cho biết. "Cảnh sát sẽ không khoan nhượng với bất kỳ âm mưu tạo ra những cuộc hôn nhân giả mà không có sự đồng thuận của phụ nữ", ông Surachate nhấn mạnh.
Trong số đàn ông Ấn Độ được phép ở lại Thái Lan, có một số trường hợp liên quan đến mafia hoặc trở thành những kẻ buôn bán ma túy với số lượng lớn, theo PACC. Ông Surachate cho biết nhiều người nước ngoài kết hôn giả đã bị lôi kéo vào các hoạt động như thành lập công ty cho vay nặng lãi để lợi dụng người Thái. Ông cũng nghi ngờ những người này "có thể đến Thái Lan để chạy trốn khỏi việc bị truy tố pháp lý ở quốc gia của họ".