Theo Guardian, nhà chức trách Thái Lan đã phát hiện các bộ phận của một con hổ trong một chiếc taxi, cảnh báo việc các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang đứng đằng sau việc săn trộm và xẻ thịt loài hổ đang bị đe dọa ở nước này.
Cảnh sát được một lái xe taxi thông báo về vụ việc và đã bắt giữ hai người đàn ông mà họ nghi là thuộc về một băng nhóm tội phạm người Việt chuyên buôn lậu sản phẩm từ động vật hoang dã. Các bộ phận của con hổ được tìm thấy trong hành lý của hai người này, cùng một chiếc điện thoại ghi lại hình ảnh lúc con hổ bị giết.
Đến từ Việt Nam
Ông Petcharat Sangchai, giám đốc tổ chức Freeland Thái Lan, là người cung cấp cho cảnh sát những thông tin pháp y trong vụ việc. Chuyên gia này nhận định: "Băng nhóm này đã bị triệt phá, nhưng chúng ta nên nghĩ rằng kẻ đứng sau điều khiển họ có thể gửi tới nhiều thợ săn khác để giết hại loài hổ của chúng ta".
Bức ảnh thu được từ điện thoại của nghi phạm cho thấy hình ảnh kẻ săn trộm tạo dáng giống Võ Tòng bên xác con hổ. Ảnh: Freeland Foundation. |
Hổ là một trong những loài vật bị đe dọa nhất trên thế giới, được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và việc buôn bán loài này cũng như các sản phẩm phái sinh đều bị cấm theo quy ước quốc tế.
Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 10 sau khi một tài xế taxi địa phương thấy hai hành khách Việt Nam đi xe từ tỉnh Tak đến tỉnh Phitsanulok có dấu hiệu khả nghi. Người này đã gọi cảnh sát và sau đó chiếc xe bị chặn lại, dẫn tới việc phát hiện bộ xương con hổ.
Trong vòng 3 tháng tiếp theo, cảnh sát mở rộng điều tra và kết luận hai nghi phạm được gửi đến Thái Lan bởi một tổ chức tội phạm. Hai kẻ này đi từ Việt Nam qua Lào để vào Thái Lan, với quãng đường tổng cộng 1.187 km.
Ông Steve Galster, người sáng lập Freeland International, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bangkok chuyên bảo vệ động vật hoang dã, cho rằng có rất nhiều kẻ trung gian chuyên nghiệp làm việc cho các tổ chức tội phạm ở Việt Nam.
"Nhiệm vụ của họ là mang cốt hổ tươi về cho các ông chủ. Để làm được điều này, họ đến Thái Lan, liên hệ với các tay săn trộm chuyên nghiệp, đưa tiền trước và sau đó hẹn nhận xác hổ để vận chuyển trái phép qua biên giới về Việt Nam", ông Galster nhận định.
Các nhà điều tra phát hiện hai nghi phạm đã liên hệ và tạo việc làm cho các thợ săn, và đang trên đường di chuyển về Việt Nam với những phần còn lại của con hổ. Điều tra mở rộng cho thấy hai người này đã từng nhập cảnh vào Thái Lan và Malaysia trước đây, nhiều khả năng là với mục đích tương tự.
Sau khi kiểm tra điện thoại của hai nghi phạm, nhà chức trách phát hiện một bức ảnh trong đó một kẻ săn trộm đang tạo dáng giống Võ Tòng bên cạnh xác con hổ. Nhà chức trách Thái Lan đang nỗ lực xác định danh tính của người này, cho rằng anh ta và những người khác có liên quan đến việc săn trộm hổ và các loại động vật quý hiếm khác theo yêu cầu của các tổ chức tội phạm.
Chuyên gia Petcharat Sangchai nhận định: "Chúng tôi không nghĩ rằng đây là lần đầu tiên những kẻ săn trộm thực hiện việc này ở Thái Lan, chúng tôi có lý do để tin rằng bọn họ sẽ tiếp tục".
Cảnh sát rất nghi ngờ hai người đàn ông bị bắt là thành viên của một băng nhóm tội phạm người Việt chuyên kinh doanh cốt hổ.
Freeland Thái Lan quyết định trao thưởng cho tài xế xe taxi, người đã thông báo vụ việc cho cơ quan chức năng. Hai nghi phạm người Việt đang bị giam giữ, chờ ngày ra xét xử.
Ngành kinh doanh trái phép trị giá hàng tỷ USD
Theo thống kê của quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới WWF, số lượng hổ trong tự nhiên đã giảm hơn 50% trong vòng gần 50 năm qua. Cốt (xương) hổ, cũng giống như sừng tê giác, được cho là có công dụng đặc biệt chữa trị nhiều tình trạng bệnh lý, thậm chí là các bệnh hiểm nghèo, một niềm tin không được kiểm chứng nhưng rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam.
Cảnh sát Thái Lan phân tích số cốt hổ tìm được trong hành lý của hai nghi phạm người Việt. Ảnh: The Nation. |
Bên cạnh đó, móng và da hổ cũng được ưa chuộng để làm trang sức hoặc các đồ vật trang trí khác. Theo thống kê của Crown Ridge Tiger Sanctuary, một tổ chức chuyên bảo vệ các loài mèo lớn ở bang Missouri, ngành kinh doanh trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã ở Đông Nam Á được ước tính có giá trị 6 tỷ USD mỗi năm và con số này chỉ kém lĩnh vực buôn lậu ma túy.
Cũng theo ước tính của tổ chức này, trên thị trường chợ đen, đôi mắt của hổ có giá 170 USD, một móng vuốt rơi vào khoảng 1.000 USD, trong khi đó bột làm từ xương hổ sẽ được bán với giá từ 64-168 USD cho khoảng 4 lạng rưỡi. Đặc biệt, giá một chai rượu cốt hổ có thể lên đến 30.000 USD.
Những phần còn lại của con hổ được tìm thấy trong hành lý của hai nghi phạm được xác định có giá khoảng 20.000 USD.
Tương lai nào cho loài hổ Đông Nam Á?
WWF đang thực hiện một số chương trình nhằm mục tiêu bảo vệ và gia tăng số lượng hổ trong tự nhiên, họ kỳ vọng số cá thể hổ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2022. Theo ước tính của WWF, giữ được một con hổ và môi trường sống tự nhiên của nó sẽ giúp bảo vệ hơn 100 km vuông rừng, và điều này sẽ giúp bảo vệ các loài động vật hoang dã khác cũng như cộng đồng địa phương.
Giám đốc chương trình châu Á của WWF, bà Rebecca May cho rằng: "Những băng đảng tội phạm tàn nhẫn đã bắt giữ và xẻ thịt hổ cùng các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác để đáp ứng nhu cầu cho các bộ phận cơ thể của chúng. Đây là một phần của một ngành kinh doanh trị giá hơn 15 tỷ USD mỗi năm."
"Đã có nhiều lời kêu gọi thay đổi hiện trạng này, cần có một sự chuyển dịch căn bản trong nhận thức của người tiêu dùng, những người thúc đẩy ngành kinh doanh tàn bạo này, cùng với đó là việc dẹp bỏ nạn buôn lậu các sản phẩm động vật hoang dã"
Bà May cũng cho rằng chúng ta phải nhận ra và đánh giá cao tầm quan trọng của các loài động vật săn mồi top đầu (apex predator) đối với hệ sinh thái toàn cầu, thứ mà cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào.
"Tương lai của loài hổ hoang dã ở Đông Nam Á vẫn hết sức bấp bênh và chúng ta cần có ý chí chính trị mạnh mẽ để chấm dứt các hành vi phạm tội có tổ chức, vì buôn bán bất hợp pháp là một trong những mối đe dọa lớn nhất với loài hổ", bà May nhận định.
Bức ảnh cuối cùng chụp hổ trong tự nhiên ở Việt Nam, được ghi lại từ một bẫy ảnh tại vườn quốc gia Pù Mát vào năm 1997. Ảnh: WWF. |
Trước đây ở Việt Nam có hổ sinh sống nhưng theo các báo cáo mới đây, rất có thể không còn con hổ nào ở quốc gia này và trường hợp phát hiện gần nhất đã là từ năm 1997 (tại vườn quốc gia Pù Mát). Điều tương tự cũng diễn ra ở Campuchia trong khi đó tại Lào không có con số thống kê chính xác về số lượng hổ trong tự nhiên mặc dù chúng được nuôi nhốt với số lượng lớn ở đây.
Thái Lan là quốc gia có số lượng hổ Đông Dương sinh sống trong tự nhiên lớn nhất, với khoảng hơn 200 cá thể. Số lượng hổ ở Myanmar là khoảng 85 con còn ở Malaysia cũng còn khoảng 200 cá thể hổ trong tự nhiên nhưng chúng thuộc một nhánh khác (hổ Malayan).
Ước tính số lượng hổ trong tự nhiên trên toàn cầu vào khoảng 3.900 cá thể, giảm 97% so với dân số loài này vào đầu thế kỷ 20. Sinh cảnh của chúng cũng giảm đi 93% và 4 trong số 9 phân loài hổ đã tuyệt chủng.