Nhà chức trách Thái Lan ngày 8/12 triệu tập 14 người đứng đầu phong trào biểu tình ở Bangkok và tỉnh Nonthaburi. Họ bị cáo buộc vi phạm luật cấm khi quân, được quy định tại Điều 112 trong bộ luật hình sự nước này, AFP đưa tin.
Trong số những người bị triệu tập, 11 người lần đầu đối mặt tội danh khi quân, trong khi 3 người bị buộc tội lần thứ hai.
Sau khi rời khỏi trụ sở cảnh sát, nhóm người trên tiếp tục bày tỏ sự chống đối Điều 112, cũng như phản đối chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chanocha.
Một số thủ lĩnh phong trào biểu tình trả lời phỏng vấn trước khi tới sở cảnh sát ở thành phố Nonthaburi. Ảnh: AFP. |
Panupong "Mike" Jadnok, người lần thứ hai bị cáo buộc tội danh khi quân, tuyên bố: "Sử dụng Điều 112 với người biểu tình sẽ chỉ thắp lên ngọn lửa chống đối trong những người bất bình vì sự tồn tại của luật này". Anh khẳng định phong trào biểu tình sẽ tiếp tục.
Những người bị kết án là khi quân theo Điều 112 có thể đối mặt mức án từ 3-15 năm tù giam, AFP cho biết.
Việc thi hành luật khi quân giảm bớt kể từ năm 2018. Điều này xuất phát từ "lòng khoan dung" của Vua Maha Vajiralongkorn, theo lời Thủ tướng Prayuth.
Tuy nhiên, từ tháng 11, Thủ tướng Prayuth bật đèn xanh cho phép sử dụng Điều 112 nhắm vào người biểu tình. Từ đó tới nay, 16 người đã bị buộc tội khi quân.
Động thái này gửi đi thông điệp bộ máy quyền lực hiện nay sẽ "vượt qua cơn bão" dù phải trả bất cứ giá nào, chuyên gia khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn nhận định.
"Nhưng việc siết chặt đàn áp sẽ càng khiến phong trào biểu tình cực đoan hơn bởi sự bất bình của người dân sẽ không được giải tỏa", ông Pongsudhirak nói.
Bên cạnh kêu gọi cải tổ hoàng gia, người biểu tình yêu cầu sửa đổi hiến pháp do phe quân đội soạn thảo trước đó, đồng thời đòi hỏi Thủ tướng Prayuth từ chức. Ông Prayuth là chỉ huy quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân sự vào năm 2014.