Các nhà chức trách ở Thái Lan đã tìm thấy một con hổ bị chặt đầu khi họ đột kích vào một vườn thú giả gần biên giới Thái Lan - Lào trong tuần này. Địa điểm này bị nghi ngờ có liên quan đến một đường dây buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Cảnh sát đưa xác con hổ bị chặt đầu ở Mukda ra ngoài. Ảnh: AFP. |
Các quan chức đã bắt được 5 con hổ còn sống tại Công viên và Trang trại Hổ Mukda và gửi chúng đến một khu bảo tồn động vật hoang dã. Điều tồi tệ hơn là họ cũng đồng thời phát hiện nhiều mảnh thi thể của các con hổ đã bị giết.
Cơ sở này - nằm ở tỉnh Mukdahan, miền Đông Bắc Thái Lan - tuyên bố trên website rằng cách đây 5 năm có 6 hổ con đã được sinh ra tại đây, nhưng các xét nghiệm ADN cho biết 5 con hổ được giải cứu và con bị chặt đầu không có quan hệ huyết thống với bất kỳ con hổ nào khác tại công viên.
Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ vườn thú này đang được sử dụng như một cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã bị buôn lậu vào Lào và Việt Nam.
"Họ đã có giấy phép kinh doanh từ năm 2012, nhưng lại tuyên bố cơ sở chưa sẵn sàng mở cửa đón khách", một quan chức của Cục Quản lý Công viên Quốc gia và Bảo tồn Động thực vật hoang dã Thái Lan nói. "Chúng tôi đã nhận được thông tin từ nhiều cơ quan quốc tế khác nhau về những hoạt động kỳ lạ đáng ngờ của vườn thú này".
Một con hổ được tìm thấy ở Mukda. Ảnh: AFP. |
Chủ sở hữu của vườn thú đã vắng mặt khi nơi này bị cảnh sát đột kích ngày 30/11 và hiện đang bị truy nã để thẩm vấn.
Tổ chức bảo tồn Wildlife Friends Foundation Thái Lan cho biết vườn thú này có 28 con hổ vào năm 2013, và 5 năm sau, số lượng hổ đã tăng lên 50 con. Nhưng đến năm 2020, số lượng hổ giảm xuống chỉ còn 25 con.
Edwin Wiek, người sáng lập nhóm, nói: "Đây có thể coi là một hoạt động ‘rửa động vật’. Một khi bạn thay đổi danh tính của những con vật, chúng sẽ không thể truy tìm lại được nữa".
“Lợi nhuận từ những con hổ này nếu bán được có thể từ 5.000 đến 6.600 USD cho mỗi con”, ông nói. "Mukda (Công viên và Trang trại Hổ) về cơ bản là một ‘nhà tạm trú’, nơi những con hổ được tạm giữ cho đến khi chúng được bán cho khách hàng Trung Quốc của họ ở Lào".
Đông Nam Á là chiến trường quan trọng trong cuộc chiến bảo tồn loài hổ. Số lượng cá thể loài này trên toàn cầu đã giảm mạnh từ khoảng 100.000 con một thế kỷ trước xuống còn dưới 4.000 con hiện nay.
Nhu cầu cao về da lông và các bộ phận của hổ là nguyên nhân chính dẫn đến nạn săn bắt trộm loài này. Các bộ phận của hổ được sử dụng nhiều trong các bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc.