Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ ngày 22/1 và kéo dài trong 60 ngày.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết, quân đội sẽ không giữ vai trò đứng đầu trong sắc lệnh này. “Đó là lý do chúng tôi đang tập trung vào lực lượng cảnh sát, để tránh tình trạng bạo lực diễn ra như năm 2010”, bà Yingluck nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Chalerm Yubamrung khẳng định: “Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực và không có ý định giải tán họ (người biểu tình). Chúng tôi chưa tuyên bố lệnh giới nghiêm nào”.
Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày. Ảnh: BBC. |
Động thái này diễn ra sau hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn khiến một số khu vực ở thủ đô Bangkok rơi vào tình trạng tê liệt. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình cũng khiến tình hình bạo lực leo thang, trong đó có vụ nổ bom gây chết người.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang chịu sức ép lớn từ những người biểu tình yêu cầu bà từ chức và nhường chỗ cho một hội đồng nhân dân. Bà Yingluck kêu gọi bầu cử vào ngày 2/2 nhưng đảng đối lập tuyên bố tẩy chay. Những người biểu tình đã tìm cách phá hủy kế hoạch bỏ phiếu và ngăn chặn các ứng viên đăng ký tranh cử tại một số địa điểm ở miền nam Thái Lan.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra vừa treo thưởng 10 triệu baht (304.640 USD) cho người bắt được nghi phạm ném lựu đạn vào đám đông biểu tình ủng hộ Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) chống chính phủ làm 28 người bị thương hôm 19/1.