Chủ tịch Raul Castro hội đàm với Tổng thống Barack Obama trong hơn một giờ hôm 11/4. Ảnh: AP |
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ và Cuba trong gần 60 năm, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro hội đàm trong hơn một giờ vào ngày 11/4 nhân dịp hai ông dự Hội nghị thượng đỉnh Các nước châu Mỹ Latinh tại Panama. Đây là một bước tiến trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Cuộc hội đàm lịch sử là kết quả của những cuộc đàm phán bí mật và ngoại giao thầm lặng. Tâm trạng tích cực là thứ mà giới quan sát có thể thấy từ hai nhà lãnh đạo. Họ cùng bước vào và ra phòng hội nghị, nơi các nguyên thủ châu Mỹ Latinh hoan nghênh Obama vì ông chấm dứt chính sách thù địch của Mỹ đối với đảo quốc Cuba.
Rõ ràng Obama coi Cuba là đất nước mà ông có thể tạo nên một "câu chuyện thành công" trong chính sách xử lý mối quan hệ với các nước vốn không ưa Mỹ.
Thành tích đối ngoại của Obama đang đối mặt với nhiều nguy cơ - từ chương trình hạt nhân của Iran, cuộc nội chiến tại Syria, khủng hoảng tại Ukraine và sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo. Trong bố cảnh đó, cải thiện quan hệ với Cuba là một mục tiêu tương đối dễ dàng.
"Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Tôi nghĩ phần lớn người dân Mỹ và Cuba muốn hai nước đối thoại, mở rộng giao thương, du lịch. Sự trao đổi giữa người dân hai nước sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân Cuba", Obama phát biểu.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai nước vẫn tồn tại. Thực tế đó thể hiện qua việc quốc kỳ Mỹ và Cuba không xuất hiện trong cuộc hội đàm, một sự kiện mà hai bên chuẩn bị khá kỹ.
Lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, yếu tố khiến hai nước hầu như không giao thương trong suốt 5 thập kỷ qua, vẫn tồn tại. Washington vẫn coi nhân quyền là cớ để chỉ trích Cuba, còn Havana phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ.
"Chúng ta không nên che giấu thực tế: Mỹ và Cuba vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề lớn. Nói cách khác, chúng tôi sẵn sàng thảo luận về mọi vấn đề một cách kiên nhẫn", Chủ tịch Raul Castro tuyên bố. Tuy nhiên, ông ca ngợi Obama là "người đàn ông chân thành".
Hồi tháng 12 năm ngoái, Obama và Castro tuyên bố họ sẽ tái thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện mà hai nước từng cắt vào năm 1961. Mỹ sẽ mở đại sứ quán tại Havana và Cuba sẽ mở đại sứ quán tại Washington. Hai nước sẽ cho phép người dân tự do giao thương và đi lại.
Khôi phục quan hệ ngoại giao là việc khá dễ, bởi nó chỉ cần sự đồng ý của hai nguyên thủ. Nhưng quá trình bình thường hóa quan hệ có thể diễn ra trong nhiều năm.
Hiện tại Havana muốn Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách những nước tài trợ khủng bố. Cuba luôn khẳng định việc Mỹ đưa họ vào danh sách là hành động vô lý.
Giới quan sát dự đoán Obama sẽ tuyên bố trước Quốc hội rằng ông đưa Cuba ra khỏi danh sách. Nếu sự kiện đó diễn ra, một số biện pháp cấm vận kinh tế mà Mỹ áp dụng với Cuba sẽ không còn hiệu lực.
Trong khi đó, Washington muốn Cuba cho phép các nhà ngoại giao Mỹ tới mọi nơi trên lãnh thổ.
"Họ đang làm một con đường. Khi bạn làm một con đường, đương nhiên bạn không thể hoàn thành công việc ngay lập tức", Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil nói về quan hệ Mỹ - Cuba khi bà tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Panama.
Obama muốn Quốc hội Mỹ - đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa - bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Một số đồng minh của ông tin rằng nguyện vọng của ông có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đối với Obama, đây có thể là một cuộc chiến lâu dài. Ông đã dùng quyền hạn của tổng thống để tạo điều kiện cho công dân Mỹ sang Cuba dễ dàng hơn, cho phép doanh nghiệp Mỹ mua hàng từ những công ty Cuba và vận chuyển vật liệu xây dựng tới quốc đảo.
Mặc dù vậy, Obama chỉ sử dụng quyền hạn một cách thận trọng và Cuba muốn ông hành động mạnh hơn nữa.
"Tổng thống Obama vẫn chưa sử dụng hết quyền lực hành pháp để xóa lệnh cấm vận", Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez của Cuba bình luận.
Một số quan chức Mỹ thừa nhận Obama có thể nới lỏng hơn nữa những hạn chế đối với Cuba, song nói thêm rằng Nhà Trắng đang chờ những thay đổi ở Cuba trước khi quyết định những hành động tiếp theo.