Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thách thức của Pep khi trở thành huấn luyện viên

Pep Guardiola luôn phải đối mặt thách thức thường trực. Anh phải học cách kìm hãm bản năng để không cư xử như một cầu thủ.

Là người đứng đầu một nhóm cầu thủ chuyên nghiệp, Pep Guardiola luôn phải đối mặt hai thách thức thường trực. Một mặt, anh phải học cách kìm hãm bản năng để không cư xử như một cầu thủ. Mặt khác, anh học cách đưa ra nhiều quyết định đúng nhất có thể.

Với một người vừa từ giã sự nghiệp cầu thủ, đó là những thách thức không hề dễ dàng. Rất nhiều lần, anh bày tỏ sự ghen tị với các cầu thủ khi họ được náu mình trong thế giới nhỏ xoay quanh những nhu cầu của riêng họ.

Và anh cũng nhanh chóng nhận ra rằng nhiệm vụ của anh là phải chăm sóc cho những tổ kén biệt lập đó, phải vuốt ve cái tôi của từng học trò, và hướng những ý định cũng như nỗ lực của họ tới chỗ làm lợi cho tập thể.

Thông báo giải nghệ trên radio không có nghĩa Pep đã hoàn toàn dứt bỏ được phần cầu thủ bên trong con người mình. Guardiola chỉ mới treo giày được bảy tháng thì Barcelona liên hệ để mời anh về dẫn dắt đội B, nhưng ở thời điểm bước vào sân Mini Estadi để đối mặt các cầu thủ trẻ của Barcelona, anh biết rằng mình phải kiên quyết đoạn tuyệt với phần cầu thủ trong anh.

Anh sẽ không làm việc như một cựu cầu thủ mà như một tân huấn luyện viên. Anh cần phải tạo ra barie để chia tách hai thế giới đó.

Nhưng so với đội B, đội một Barcelona là thế giới hoàn toàn khác. Có một người có cơ hội chứng kiến tận mắt quá trình chuyển biến từ một cầu thủ thành huấn luyện viên của Pep, hay nói cách khác là quá trình chuyển từ thế giới riêng nhỏ bé và đơn giản tới một mạng lưới phức tạp của nhiều thế giới.

Từng là đồng đội của Pep trong những năm cuối thập niên 1990, Xavi Hernández có thể nhìn thấy trước tương lai làm huấn luyện viên của Pep, nhưng anh cũng biết rõ rằng khả năng đọc trận đấu chỉ là một trong những phẩm chất mà một huấn luyện viên cần có.

Thach thuc cua Pep anh 1

Pep khi mới trở thành huấn luyện viên vào năm 2008. Ảnh: Getty.

Thời Rijkaard còn làm huấn luyện viên, Xavi và Pep thường có những cuộc nói chuyện rất sâu về vấn đề của đội bóng cũng như khó khăn trong việc xử lý những cầu thủ đã quên mất cách hành xử chuyên nghiệp.

Xavi cũng nói với Pep rằng anh có thể trở thành một huấn luyện viên giỏi; thực tế, tiền vệ này muốn Pep và những giá trị cũng như những ý tưởng của anh trở lại Barcelona.

Sau những cuộc nói chuyện đó, Xavi tin chắc rằng “liệu pháp Guardiola” chính là những gì mà đội bóng của anh cần. Và chính Pep cũng biết rằng từ khoảnh khắc anh bước vào phòng thay đồ, người mà anh cần thuyết phục không phải là Xavi (hay Iniesta, hay Valdés, hay Puyol), mà là những cầu thủ không biết nhiều về anh. Nhưng anh tin là mình có thể làm được điều đó.

Để có thể chiếm trọn lòng tin của các cầu thủ, Pep cần phải hành động sao cho không ai có cảm giác anh vẫn là một người học việc.

Anh có ý tưởng rõ ràng về những gì mình cần làm, anh tin tưởng vào bản năng của mình, và kinh nghiệm khi là cầu thủ cũng rất hữu ích. Nhưng anh biết rằng trên con đường sắp đi, sẽ có rất nhiều khúc cua bất ngờ và những bài học mới mà anh cần phải học.

Tuy nhiên, trong phòng thay đồ, nơi các cầu thủ liên tục “kiểm tra” trình độ của vị huấn luyện viên mới, anh cần phải thể hiện mọi lúc mọi nơi như thể anh biết chính xác mình đang làm cái gì ngay từ đầu.

Quyết định loại bỏ Ronaldinho và Deco giúp Pep nhanh chóng tạo được uy thế, nhưng chính những việc xảy ra hàng ngày mới là nơi anh có thể thực sự đặt dấu ấn.

Và bởi thế, cuộc gặp đầu tiên, cuộc nói chuyện đầu tiên, có ý nghĩa then chốt. Pep kêu Xavi Hernández tới gặp mình ở văn phòng, và dù anh vẫn sử dụng giọng điệu như trong các cuộc nói chuyện giữa hai người trước đây, Xavi nhanh chóng nhận ra sự khác biệt. Bây giờ Pep đã là ông chủ.

Guillem Balague / THBoooks và NXB Hà Nội

SÁCH HAY