Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pep Guardiola: 'Iniesta dạy tôi về hy vọng'

Bàn thắng của Iniesta ở phút 93 giúp Barca vượt Chelsea để vào chung kết Champions League mùa 2008-2009. Guardiola quỳ sụp xuống bên đường piste, gương mặt bừng lên sự phấn khích.

Cuộc họp đội quan trọng nhất dưới những đường hầm của sân Stamford Bridge, thứ bụi ma thuật của Pep, không diễn ra vào đầu trận, mà vào giờ nghỉ.

Sau khi đánh bại Real Madrid một cách thuyết phục và gần như chắc chắn có được danh hiệu đầu tiên của mùa giải (Barcelona đã hơn đại kình địch bảy điểm khi La Liga chỉ còn bốn vòng), toàn đội hành quân tới London với mục tiêu giành một kết quả tốt hơn kết quả hòa 0-0 ở lượt đi.

Ai cũng cảm thấy căng thẳng, kẻ nào bảo không tức là đang nói dối. Không đến mức hoảng loạn, nhưng bầu không khí trong đội trước khi trận đấu diễn ra thực sự ngột ngạt.

Rafa Márquez (chấn thương) và Puyol (treo giò) không thể ra sân, nên Pep phải tìm ra một phương án vá víu tối ưu ở vị trí trung vệ. Các cầu thủ được thông báo về đội hình ra sân ít tiếng trước giờ bóng lăn, ngay trước khi họ lên xe buýt để tới Bridge.

Hai trung vệ được lựa chọn là Piqué, người đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình, và Yaya Touré, tiền vệ, một sự lựa chọn gây ngạc nhiên. Keita chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự còn Iniesta đá bên cạnh Messi và Samuel Eto’o trên hàng công.

Bầu không khí trước trận là một trải nghiệm chưa từng thấy với nhiều cầu thủ - các khán đài trở nên ồn ào khi trận đấu còn mấy tiếng nữa mới diễn ra, từ khắp góc khán đài không ngừng vang lên những tiềng gầm gào thôi thúc. Cả Pep Guardiola cũng bất ngờ. Sau trận đấu, anh thừa nhận bầu không khí ở Stamford Bridge hôm đó thật sự đáng sợ.

Trong các buổi tập cũng như nói chuyện trước trận, Pep nhắc đi nhắc lại những điều mà các cầu thủ phòng ngự phải làm để tránh gặp rắc rối với Didier Drogba. Cơ bản thì họ không được phép để anh ta tựa lưng vào trong các tình huống tranh chấp.

Anh cũng yêu cầu các cầu thủ thực hiện đi thực hiện lại một số pha phối hợp ở một khu vực nhất định để thu hút sự chú ý của các hậu vệ Chelsea. Tới tình huống tiếp theo, khi họ nghĩ rằng Barcelona sẽ tiếp tục phối hợp ở khu vực đó, Barcelona sẽ tấn công vào khu vực đối diện để khiến họ trở tay không kịp.

Nhưng ngay từ đầu trận chúng ta đã có thể nhận ra là lối chơi của Barcelona không có chiều sâu. Họ kiểm soát được nhiều bóng nhưng không tạo ra được tình huống nguy hiểm nào.

Víctor Valdés nhiều lần cứu thua sau những pha phản công hay các tình huống đá phạt nguy hiểm của Chelsea, nhưng kết thúc hiệp một Barcelona vẫn bị dẫn 1-0 sau một cú sút xa của Essien.

Pep cần phải làm gì đó. Anh không nói gì, thậm chí còn tỏ ra trầm ngâm hơn bình thường, khi cùng toàn đội đi dọc đường hầm chật hẹp dẫn tới phòng thay đồ cho đội khách ở Stamford Bridge.

Nhưng ngay khi anh và tất cả cầu thủ đều đã ở trong phòng, Pep vụt biến thành một con người khác. Miệng nói, mắt nhìn thẳng vào các học trò, tay không ngừng ra cử chỉ, anh nói rằng các cầu thủ cần phải tiếp tục tin tưởng vào những gì mà họ đã làm suốt cả năm qua, rằng họ không nên sợ hãi.

“Hãy tin tưởng, tin tưởng bằng tất cả trái tim mình rằng chúng ta sẽ ghi được bàn thắng, bởi vì chắc chắn là chúng ta sẽ ghi được bàn thắng".

Tất nhiên là anh cũng phải đưa ra những chỉ đạo chiến thuật: Các cầu thủ được yêu cầu đưa bóng xuống biên nhanh hơn, bởi vì Chelsea cho phép Barcelona triển khai bóng từ hàng thủ và cả Anelka hay Malouda đều không phòng ngự tốt lắm.

Dưới sự chỉ đạo của Guus Hiddink, Chelsea không phải là con rối như Real Madrid mấy ngày trước đó. Hàng phòng ngự của họ được tổ chức cực tốt, còn các cầu thủ của họ thì chiến đấu như những siêu nhân.

[...]

Có lẽ Pep Guardiola không nên đẩy Piqué lên chơi như một tiền đạo quá sớm như thế (khi trận đấu vẫn còn khoảng 20 phút) và có lẽ Hiddink cũng không nên thay Drogba, người có vẻ như đã bị chấn thương, bằng Juliano Belletti trong cùng khoảng thời gian. Quyết định của ông có thể đã khiến các cầu thủ có đôi chút lung lay tinh thần.

Cả hai huấn luyện viên đều đã phạm sai lầm ở mức độ nào đó, nhưng họ đồng tình với nhau ở điểm trận đấu coi như đã an bài khi trọng tài vẫn chưa thổi còi tan cuộc. Guardiola tiến tới ôm lấy Hiddink, như thể muốn chúc mừng ông vì chiến thắng trước mắt.

Ban thang cua Iniesta anh 1

Iniesta ăn mừng bàn thắng ở phút 93. Ảnh: Skysports.

Nhiều người xem đó là hành động cho thấy Pep đã buông súng. Nhưng sau này nhìn lại, người ta lại cho rằng Pep, với một nụ cười bí hiểm, giống với một võ sĩ cao thượng đang bày tỏ sự thán phục với những nỗ lực của đối thủ hơn.

Vì chỉ ít giây sau, Iniesta ghi bàn.

Đó là cú sút trúng đích duy nhất của Barcelona trong trận. Ở phút 93.

Các cổ động viên Barcelona đã bầu chọn đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của mùa giải. Tuyệt hơn bất kỳ trận chung kết nào trong năm đó, tuyệt hơn Rome và Manchester United, thậm chí tuyệt hơn cả ghi sáu bàn ở Bernabéu. Không gì diễn tả nổi cảm giác ngất ngây lúc đó. Tất cả, trừ các cổ động viên của Chelsea, đều bật dậy để ăn mừng với Iniesta.

“Mọi chuyện đang diễn biến theo hướng xấu đi” - Iniesta nhớ lại - “Chúng tôi đều mệt mỏi. Không phải là mệt mỏi về mặt thể chất, mà theo kiểu về tinh thần. Alves băng lên bên cánh phải rồi tạt vào trung lộ, bóng tìm tới chân của Samuel, và sau đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của đời tôi. Tôi nhận bóng từ Messi. Tôi sút, không phải bằng má trong, bằng mu, hay bằng má ngoài. Tôi sút bằng cả trái tim. Bằng tất cả tâm hồn. Đó cũng là một trong những dịp hiếm hoi tôi ăn mừng bằng cách cởi áo. Tôi không thường ăn mừng kiểu ấy".

20 giây sau khi Frank Lampard để mất bóng, sau 12 đường chuyền qua chân bảy cầu thủ, là bàn thắng đã thay đổi lịch sử hiện đại của câu lạc bộ. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu cho đội bóng của Pep; ngay cả khi đang phải bước trên lưỡi dao, họ vẫn biết cách tạo ra những tuyệt phẩm.

Có thể, nếu Iniesta không phải là tác giả của bàn thắng ấy, chúng ta sẽ không thấy Guardiola quỳ sụp xuống bên đường piste, hai tay siết chặt, gương mặt bừng lên sự phấn khích, như thể anh đã hoàn toàn mất kiểm soát. Trong một giây, anh đã cho phép mình lại được là một cầu thủ.

Cho tới khi Silvinho đến bên nhắc nhở anh thực hiện quyền thay người còn lại để “câu” được vài giây đồng hồ quý báu, Pep mới như bừng tỉnh. Anh ngừng lại, quay người nhìn xung quanh, tự trấn tĩnh và bắt đầu, một lần nữa, hét lên những chỉ đạo.

“Ở Stamford Bridge, Iniesta đã dạy tôi một bài học là không bao giờ được phép từ bỏ hy vọng. Chẳng có gì là bất khả thi, quan trọng là không được đánh mất niềm tin”, Pep nhớ lại.

“Cú đá của anh ấy là không thể ngăn chặn, bởi vì nó mang theo cả ước vọng của toàn thể các cổ động viên Barcelona".

Khi trận đấu kết thúc, Pep lần lượt ôm hết tất cả thành viên trong đội, từ các cầu thủ tới ban huấn luyện. Ở khoảnh khắc ấy, anh vừa là một huấn luyện viên, vừa là cầu thủ. Valdés từ đâu tiến tới ôm chặt lấy anh, lắc anh thật mạnh và hét vào mặt anh cái gì đó mà anh không tài nào nhớ nổi. Tim Pep như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Cả đội ăn mừng dữ dội như một thùng thuốc nổ, theo cách chưa từng thấy trước đây, ngay cả ở Bernabéu. Ai nấy như phát cuồng. Cái ôm chặt nhất là dành cho Iniesta. Trong buổi họp báo sau trận, Pep nhắc lại điều mà anh đã nói với Iniesta ở khoảnh khắc đó: “Điên hết chỗ nói, cái gã không bao giờ ghi bàn lại là người có được bàn thắng".

Không lâu trước khi ghi bàn thắng quý như vàng ấy, Iniesta xin gặp riêng Pep trong vài phút.

“Sếp cho em ý kiến với. Em không ghi được nhiều bàn thắng lắm, em nên làm gì bây giờ?”.

Nghe xong, Pep cười lớn: “Cậu đang hỏi tôi đấy hả? Cậu đùa hả? Cả sự nghiệp tôi còn chả ghi được quá bốn bàn! Làm sao mà tôi biết được phải làm thế nào!”.

Ranh giới giữa thành công và thất bại mong manh thế đấy. Barcelona sẽ chơi trận chung kết Champions League với Manchester United ở Rome. Họ vừa vươn tới một đỉnh cao mới trong một năm đầy vinh quang.

Guillem Balague / THBoooks và NXB Hà Nội

SÁCH HAY