Nhân viên Mật vụ Mỹ bảo vệ Tổng thống Obama trong một sự kiện ngoài trời. Ảnh: AP |
Với việc nữ giám đốc Julia Pierson từ chức, Mật vụ là là cơ quan mới nhất của Mỹ cần được đánh giá lại về vai trò của người đứng đầu. Một số cơ quan khác như Bộ Cựu chiến binh, Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh hoặc Sở Thuế vụ cũng có những người đứng đầu phải từ chức sau những sai sót trong công việc cũng như quản lý.
Bà Pierson vốn được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới cho cơ quan Mật vụ Mỹ sau bê bối năm 2012 ở Colombia, khi các nhân viên mật vụ bảo vệ tổng thống thuê gái gọi về khách sạn. Tuy nhiên, các bê bối tiếp tục chất chồng trong nhiệm kỳ của bà, gồm một kẻ lạ mặt vượt hàng rào vào Nhà Trắng, đi vào tầng trệt của tòa nhà, và một kẻ khác mang súng đi cùng với Tổng thống Barack Obama trong tháng máy khi ông tới bang Georgia cuối tháng trước.
Giám đốc mới của cơ quan này đã được chỉ định là Joe Clancy, cựu giám đốc Bộ phận Bảo vệ Tổng thống. Các cựu mật vụ và nghị sĩ nói rằng dù ông hoặc bất kỳ người nào được đặt vào vị trí này sẽ phải đối mặt với trận chiến khó khăn để khôi phục lại hình ảnh của một cơ quan đang xuống dốc trong thời gian qua. Theo Polotical, vị giám đốc mới cần phải chiến thắng những thách thức dưới đây để đưa Mật vụ Mỹ trở lại đúng quỹ đạo.
1) Nhà Obama
Theo truyền thống, các tổng thống không bao giờ chỉ trích những mật vụ bảo vệ họ 24/7, do đó rất khó để đánh giá mức độ hài lòng của tổng thống với sự tụt dốc của lực lượng Mật vụ thời gian gần đây. Tuy nhiên, một số cựu mật vụ nói rằng dù ông Obama khá lạc quan về mức độ rủi ro của bản thân, không có nghĩa là vợ và thậm chí cả các con của ông không gặp nguy hiểm.
"Tổng thống Mỹ cũng là một người cha, một người chồng. Đó là nhà của ông ấy. Súng nổ tại nơi các con ông ấy vui đùa", Dan Bongino, một cựu mật vụ và là ứng viên nghị sĩ của bàn Maryland, nói. "Gạt đời sống chính trị sang một bên, ông ấy là một người cha bình thường và điều này khiến ông ấy khá lo lắng".
Do đó, ưu tiên hàng đầu đối với giám đốc mới Clancy sẽ là khôi phục lại được niềm tin của nhà Obama. Ông ấy có khả năng làm được việc đó vì từng làm việc gần gũi với tổng thống trong những năm đầu nhiệm kỳ. "Ông ấy có mối quan hệ gần gũi với tổng thống và những người xung quanh. Ông ấy sẽ tạo được một vòng tròn bảo vệ với tổng thống và gia đình tổng thống", Bongino dự đoán.
2) Quốc hội
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest thể hiện rằng sự ra đi của bà Pierson là quyết định của tổng thống khi tuyên bố ông Obama "kết luận rằng cần một lãnh đạo mới". Tuy nhiên, bà Pierson biết rằng nhân tố quan trọng khiến bà phải ra đi là các nghị sĩ đánh giá bà không có khả năng điều hành Cơ quan Mật vụ.
"Quốc hội đã mất niềm tin vào khả năng điều hành của tôi. Truyền thông đã cho thấy rõ họ muốn thấy tôi ra đi", Pierson nói với Bloomberg sau khi từ chức.
Cuộc điều trần của bà Pierson trước Ủy ban Cải cách Chính phủ của Hạ viện hôm 30/9 khá đặc biệt khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã có sự nhất trí hiếm có về một vấn đề, đặc biệt là những vụ bê bối. Khi các nghị sĩ của cả hai đảng bắt đầu kêu gọi bà từ chức thì bà không còn cách nào khác.
Một chi tiết mà các nghị sĩ biết mà nhiều người bên ngoài không biết đó là Mật vụ có truyền thống tự bảo vệ, thường tránh được sự giám sát của cơ quan Thanh tra vốn theo dõi các bộ phận khác. Chấm dứt sự xung khắc với Đồi Capital là cách mà vị giám đốc mới nên lựa chọn để cứu vãn tình hình.
3) Tổ chức và hiệu quả công việc
Các nhân viên mật vụ làm việc dưới trời mưa, tuyết để bảo vệ tổng thống. Ảnh: Reuters |
Tinh thần làm việc của cơ quan Mật vụ xuống đến mức khá thấp trước khi xảy ra những sự cố gần đây. Từ năm 2011 đến 2013, chỉ số quan trọng về mức độ hài lòng của nhân viên giảm từ 65,8 xuống còn 52,8, làm tụt thứ hạng của Mật vụ từ vị trí thứ 226 xuống thứ 300 trong các cơ quan của Liên bang.
Pierson và các đồng nghiệp đổ lỗi cho việc cắt giảm ngân sách và đây chỉ là tạm thời, nhưng những người khác nói rằng đó không phải là lý do chính. Họ cho rằng người quản lý cấp cao của Mật vụ tự tách mình ra khỏi các cơ quan khác. "Đó không phải chỉ là sự thiếu kết nối mà đó là sự lựa chọn của kẻ đầu cơ chính trị", Bongino nói.
Sự đứt đoạn này đặc biệt nghiêm trọng bởi các nhân viên an ninh bảo vệ lối vào Nhà Trắng và các đại sứ quán tại Washington và các nhân viên an ninh cho các sự kiện mà tổng thống tham gia, thường cảm thấy thiếu hứng thú trong công việc.
"Các nhân viên Mật vụ thường mệt mỏi vì làm việc nhiều giờ liên tiếp dưới áp lực cao, hơn là sự tự hào như thường được tô vẽ, ca ngợi. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu cuối cùng", Jim Pasco thuộc lực lượng cảnh sát Mỹ nói.
Pasco nói vị giám đốc mới có thể cần tìm cách để cải thiện chất lượng làm việc của nhân viên bằng các lợi ích thiết thực chứ không phải là xảy ra hậu quả rồi sa thải.
4) Công chúng và báo chí
Cơ quan Mật vụ đã bị mất điểm lớn trong mắt công chúng những năm qua và đặc biệt là những ngày gần đây. Trong khi các cơ quan cảnh sát ở Mỹ thường hiếm khi bị công chúng phê bình thì Mật vụ lại thường khơi dậy sự chỉ trích của công chúng, khiến truyền thông chú ý và thậm chí được dựng thành phim.
Ngày nay, Mật vụ trở thành chuyện cười của mọi người. Một nhà báo chia sẻ trên Twitter tuần qua bức tranh biếm họa với hình ảnh các nhân viên Mật vụ không chặn được nhân vật hoạt hình chú chó Clifford nhảy qua hàng rào của Nhà Trắng.
Một điều quan trọng hơn, nhiều người trong giới truyền thông vẫn chờ đợi một lời giải thích của Mật vụ hoặc Nhà Trắng xem tại sao phải mất 10 ngày họ mới công bố thông tin các Mật vụ đã chặn được kẻ đột nhập vào Nhà Trắng. Và thực ra kẻ đột nhập đó đã vào đến tầng trệt của tòa nhà rồi mới bị chặn.
Công chúng và truyền thông thực tế đã dành cho Mật vụ rất nhiều sự tin tưởng trong những năm qua. Mật vụ nhận được sự hợp tác rất lớn từ người dân và các cơ quan báo chí trong các tình huống nhạy cảm, có liên quan đến an nguy của tổng thống hoặc các yếu nhân khác. Các thông cáo báo chí của Mật vụ phát đi trong tương lai sẽ không còn được ưu ái như vậy nữa và người lãnh đạo mới cần xây dựng lại mối quan hệ với truyền thông.
Ngoài ra, một số cựu nhân viên mật vụ cảnh báo rằng ấn tượng của người dân cũng có thể bị thay đổi nếu kẻ đột nhập tiếp theo bị bắn chết. "Người lãnh đạo mới phải hướng dẫn nhân viên vừa phải hoàn thành nhiệm vụ vừa không được bắn vào người đột nhập không có vũ trang trèo qua hàng rào khi gia đình tổng thống không có ở đó", David Carpenter, người bảo vệ cựu tổng thống Bill Clinton, cho biết.
5) Kẻ thù
Các nhân viên mật vụ tập trung cao độ trong quá trình bảo vệ Tổng thống Obama trong một chuyến công tác tại Las Vegas. Ảnh: Reuters |
Có lẽ khía cạnh nguy hiểm nhất mà cơ quan Mật vụ phải đối mặt thời gian gần đây là bị giảm bớt uy tín và bị đánh giá thấp hơn trong việc bảo vệ an toàn cho gia đình tổng thống và ứng viên tổng thống.
Những người đã làm việc tại Nhà Trắng hoặc tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử đều biết rằng mặc dù với các thiết bị giám sát công nghệ cao, các đội chống tấn công và đội bắn tỉa thiện xạ, xe limousine chống đạn, thì vẫn còn những lỗ hổng an ninh. Ngoài ra, hình ảnh của những cận vệ nổi tiếng nhất thế giới cũng không còn khiến những kẻ thù chùn bước và trong thế giới hiện đại này điều đó càng khó khăn.
Đoạn video với những nhân viên Mật vụ đi lại trong Nhà Trắng và ngắm bắn càng khiến cho kẻ thù thêm thấu hiểu và thông thuộc các con đường trong đó. Người giám đốc mới cần tránh điều đó và đảm bảo rằng nó không vẽ đường cho những kẻ xấu hoặc các bệnh nhân tâm thần.
Tuy nhiên, nghị sĩ Elijah Cummings của bang Maryland, nói rằng nên ủng hộ công việc của Mật vụ để họ làm tốt công việc bảo vệ các yếu nhân. "Làm giảm uy tín của Mật vụ sẽ khiến họ suy yếu đi. Trong khi uy tín là rất quan trọng và làm giảm uy tín sẽ gây thêm gánh nặng cho mật vụ, những người bảo vệ các nhân vật cấp cao từ tổng thống, phó tổng thống và những người khác".