Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thạch Kim Tuấn: Thất bại để thành công hơn

24 tuổi, Thạch Kim Tuấn đã và đang là niềm hi vọng hàng đầu của thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội, dù thành tích của anh không phải lúc nào cũng được như mong đợi.

Thạch Kim Tuấn bỏ lỡ HCV ASIAD vì không vững tâm lý Có nhiều cơ hội đoạt tấm huy chương vàng đầu tiên cho Việt Nam tại ASIAD 18 tuy nhiên Thạch Kim Tuấn để vuột mất cơ hội tại những lần đẩy tạ cuối cùng.

Không phải ngẫu nhiên mà ở tuổi 20, người ta lại nói tới đô cử Thạch Kim Tuấn như một tượng đài, như niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam. Tại giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2014, khi mới 20 tuổi, Kim Tuấn đã giành HCV.

Thành tích tổng cử 293 kg của Tuấn đã phá kỷ lục trẻ thế giới của huyền thoại Trung Quốc Long Quingquan lập ở Olympic 2008.

Những người đứng đầu bộ môn cử tạ tin rằng họ đang có một hòn ngọc thô phi thường. Thể thao Việt Nam tưởng rằng họ một ngôi sao mới sắp sửa ra đời.

Khởi đầu gian khó

Thạch Kim Tuấn mồ côi mẹ từ lúc mới lên 3 sau một tai nạn giao thông thảm khốc. Ba năm sau, 4 chị em trong gia đình nghèo ở Bình Thuận dắt díu nhau rời quê hương lên Sài Gòn mưu sinh mà không có một đồng dắt lưng, cũng không có nơi nương tựa những lúc khó khăn.

Sáu năm đằng đẵng sau đó, Kim Tuấn sống trong cảnh lay lắt, cùng 3 anh chị em ở trong phòng trọ hơn 10 m2, kiếm đủ thứ nghề để mưu sinh qua ngày. Ban ngày lang thang khắp nơi bán vé số dạo, đến tối Tuấn lại theo chân anh trai làm tẩm quất, hoặc phụ chị việc bán sữa đậu nành để kiếm thêm thu nhập.

Sẽ là một câu chuyện đi theo hướng bi kịch như bao hoàn cảnh khác mãi luẩn quẩn với vòng tròn cơm áo gạo tiền không lối thoát nếu như năm 2006, Kim Tuấn và người anh Trai không được HLV Huỳnh Hữu Trí để mắt và trao cơ hội được tập thử tại đội cử tạ TP.HCM.

ASIAD,  Thach Kim Tuan,  cu ta,  HCV anh 1
Thạch Kim Tuấn là đô cử số 1 Việt Nam hiện tại ở nội dung 56 kg.

Chỉ sau 2 tháng, khi người anh bỏ cuộc vì sự vất vả của việc tập luyện, Kim Tuấn lại bộc lộ một phần tố chất và quan trọng hơn là quyết tâm vươn qua gian khổ. Cậu bé 12 tuổi khi đó hiểu rằng đây là cơ hội duy nhất có thể giúp mình đổi đời và Tuấn quyết tâm nắm chắc lấy tấm vé giúp mình và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Tám năm sau ngày đầu tiên bước chân vào sàn tập cử tạ, Thạch Kim Tuấn trở thành nhà vô địch trẻ thế giới. Anh phá kỷ lục của huyền thoại Trung Quốc Long Quingquan - người từng đánh bại lực sỹ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic 2008.

Người ta nói Thạch Kim Tuấn có bóng dáng một tượng đài. Những người có cái nhìn khắt khe hơn đôi chút thì cho rằng Tuấn là viên ngọc hiếm có nhưng còn thô, cần mài dũa. Nền thể thao Việt Nam đang trông chờ vào ngôi sao mới với những kỷ lục mới ở tầm thế giới.

Một ngôi sao mới đã xuất hiện

Mới 20 tuổi, Thạch Kim Tuấn xô đổ kỷ lục thế giới ở một giải đấu trẻ. Vì thế, những đấu trường thấp hơn như ASIAD không phải là mục tiêu quá khó khăn đối với lực sỹ này ở thời điểm đó.

Nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn của võ sỹ họ Thạch, ngành TDTT ngay lập tức quyết định đưa anh vào diện đầu tư trọng điểm, với những kỳ vọng về tương lai đầy màu hồng.

Những kỳ vọng đó không phải là giấc mơ hão huyền. Cho tới khi Ánh Viên xuất hiện trên đường đua xanh, Kim Tuấn là cái tên sáng giá nhất, là ngôi sao thu hút mọi sự chú ý.

ASIAD,  Thach Kim Tuan,  cu ta,  HCV anh 2
Thạch Kim Tuấn từng được ví như tượng đài mới của thể thao Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Nhiều người nói Kim Tuấn có phẩm chất của một thiên tài, lại thêm phần đầu tư không tiếc tiền của từ lãnh đạo ngành, nên không sớm thì muộn lực sỹ quê Bình Thuận sẽ độc chiếm trên đỉnh thế giới.

Thực tế, những lời có cánh mà nhiều người dành cho anh khi đang ở đỉnh cao không hoàn toàn đúng. HLV Hữu Trí, người theo sát Tuấn từ những ngày đầu tiên bước vào tập tạ, khẳng định lực sỹ sinh năm 1994 không phải là người có tố chất tốt, thậm chí thua xa người đàn anh Hoàng Anh Tuấn.

Có điều Kim Tuấn liên tục gặt hái được thành tích. Chỉ cần 8 năm để Tuấn “em” xô đổ kỷ lục mà vì nó, người đàn anh đành ngậm ngùi nhận HCB ở Olympic 2008. Chỉ cần 3 năm, thành tích của Kim Tuấn đã gần đuổi kịp những VĐV hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, cuộc đời không phải là những ngày yên ả, không con đường trải hoa hồng nào dẫn tới thành công. Với Kim Tuấn, sau một vài thành công đáng kể, anh đã chững lại và phong độ dần đi xuống.

Đỉnh điểm nhất là tại Olympic Rio 2016, được kỳ vọng rất nhiều nhưng kết quả thi đấu của Kim Tuấn không được như kỳ vọng. Thậm chí, trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng đã thốt lên đây là "thất bại kinh hoàng” của cử tạ Việt Nam, đồng thời nhận mọi trách nhiệm. 

ASIAD,  Thach Kim Tuan,  cu ta,  HCV anh 3
Có người từng ví Thạch Kim Tuấn như ngôi sao sớm nở tối tàn sau những thất bại của anh.

Ngay cả khi giành HCV AIMAG 2017 thì mức tổng cử 282 kg vẫn chưa chạm tới cột mốc 293 kg hồi 2014. Tháng 11 vừa qua, Kim Tuấn vô địch thế giới với mức tổng cử 279 kg đó cũng không phải là thành tích tốt nhất của anh.

Trước thềm ASIAD 2018, trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng thừa nhận rằng rất khó để Thạch Kim Tuấn có thể tìm lại đỉnh cao của chính mình. “Chúng ta phải thừa nhận rằng quy luật tuổi tác nhiều khi có tác động ghê gớm lên các VĐV", ông nói.

Thêm nữa, trưởng bộ môn cử tạ cũng chỉ ra nguyên nhân tiếp theo ảnh hưởng tới thành tích của Kim Tuấn là việc anh đã lập gia đình. "Kim Tuấn đã có gia đình, vì vậy cậu ấy còn phải chia sẻ trách nhiệm nữa, dù có được vợ, con ủng hộ tới mấy", ông phân tích.

Ông Kháng cũng cho biết đặc tính giai đoạn của thể thao là một trong những yếu tố khiến Kim Tuấn khó tìm lại được đỉnh cao phong độ. “VĐV nào cũng chỉ có một giai đoạn đỉnh cao thôi. Sau đó, là giai đoạn duy trì. Để đòi hỏi Tuấn phải có thành tích cao hơn nữa thì phải có rất nhiều yếu tố hỗ trợ tối đa, từ máy móc, phục hồi, khoa học kỹ thuật, giáo án hiện đại”, ông nhấn mạnh.

Vơí những lý do như vậy, ông Kháng cho rằng Thạch Kim Tuấn duy trì thành tích như hiện tại đã là thành công lớn.

Thất bại để thành công hơn

Tự tin bước vào ASIAD 2018 sau quãng thời gian phong độ không tốt so với chính anh, Thạch Kim Tuấn được tin rằng sẽ đem về cho đoàn thể thao Việt Nam một tấm HCV.

Anh đăng ký mức cử giật khởi điểm 128 kg, cao nhất trong số các VĐV tham dự. Đối thủ lớn nhất của anh, Om Yun-cho chỉ đăng ký mức khởi điểm 123 kg.

Kim Tuấn làm khá tốt ở phần thi cử giật. Tuy nhiên, sang tới cử đẩy, anh chỉ thành công với mức 152 kg để đạt tổng cử 280kg. Trong khi đó, Om Yun-cho đạt tổng cử 187 kg sau lần cử giật thứ 2.

ASIAD,  Thach Kim Tuan,  cu ta,  HCV anh 4
Thạch Kim Tuấn thất vọng sau lần nâng tạ không thành. Ảnh: Minh Chiến.

Kết quả này đồng nghĩa với việc Kim Tuấn chỉ có tấm HCB. Dẫu sao, đây cũng được coi là thành công đối với lực sỹ người Bình Thuận. Tổng cử tại ASIAD lần này đã cao hơn 1 kg so với giải thế giới hồi tháng 11/2017.

Ông Đỗ Đình Kháng có nói về vấn đề tuổi tác. Nhưng năm nay mới 24 tuổi, nếu giữ vững phong độ như hiện tại, Kim Tuấn vẫn sẽ là một trong những niềm hy vọng của thể thao nước nhà trong những năm tới đây.

Nhà vô địch ASIAD 2018 Om năm nay đã 27 tuổi. Vì vậy, nếu nỗ lực, Kim Tuấn hoàn toàn có quyền hy vọng vào thành tích sau 4 năm tại Hàng Châu. Trước mắt, Tuấn sẽ còn mục tiêu Olympic 2020 tại Tokyo.

Quan trọng hơn, cử tạ là môn Olympic và Thạch Kim Tuấn đang cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được với những VĐV hàng đầu Olympic cũng như ASIAD.

Bởi vậy, những VĐV như Kim Tuấn hay Quốc Toản và các đàn em xứng đáng được đầu tư hơn nữa cho những thành công sau này.

Khoảnh khắc đô cử Thạch Kim Tuấn thúc thủ trước ngôi sao Triều Tiên

Đô cử Thạch Kim Tuấn đã không thể tạo nên bất ngờ trước một Om Yun-chol quá đẳng cấp. Kém đối thủ tới 7 kg tổng cử, Kim Tuấn đành hài lòng với tấm HCB ASIAD 18 hạng cân 56 kg.

Đỗ Hải

Bạn có thể quan tâm