Nhiều năm về trước, bạn tôi từng hỏi người khác: “Điều gì trong cuộc sống là quan trọng nhất?”.
Những câu trả lời nhận được thường dễ đoán - sức khỏe, yêu thương mọi người, tài chính ổn định - và thường chúng đi kèm lời giải thích, như thể người được hỏi cảm thấy không chắc chắn lắm nên muốn làm rõ thêm câu trả lời cho chính bản thân mình vậy.
Tha thứ
Một ngày nọ, người bạn hỏi cha của cô ấy với cùng câu hỏi đó khi cả hai đang ở trong bếp. Câu trả lời cô ấy nhận được thực sự đơn giản, nhẹ nhàng và đầy ngẫu hứng. Nó không cần thêm bất cứ lời giải thích nào: “Tha thứ”.
Cha cô là người Do Thái và toàn bộ gia đình ông đều bị giết hại trong vụ thảm sát Holocaust (sau này ông tái hôn và di cư tới Australia, nơi bạn tôi sinh ra).
Sách Giá trị của sự tử tế. Ảnh: Saigon Books. |
Tôi từng được xem những bức hình chụp gia đình ông. Chúng được cất giữ trong một chiếc hộp thiếc cũ - tất cả gia tài còn sót lại của gia đình họ sau thảm kịch ấy. Trong các bức hình là những con người giống như bạn và tôi, hoàn toàn không ngờ được tai họa đang chuẩn bị ập tới.
Tôi đã cố gắng để hiểu được cảm xúc của ông khi ông biết mình mất đi con gái, cùng đó là vợ, mẹ, cha, anh chị em, công việc, và mái ấm của mình.
Tôi đã thử nhưng cũng chỉ có thể tượng tượng ra, một cách mơ hồ, sự kinh hoàng bao phủ thời gian ấy, sự hoài nghi, và tiếp đó là nỗi đau đớn khôn nguôi.
Vậy mà, ông có thể tha thứ được sau những chuyện đó. Không những thế, ông còn cho rằng sự tha thứ chính là giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi cảm thấy thái độ này của ông là một chiến thắng vĩ đại.
Nhờ chiến thắng này, nhờ vào ông, và những người như ông, chúng ta còn chưa bị ném ngược về thời ăn lông ở lỗ, thời nhân loại chưa phát triển.
Để hiểu được tường tận những góc tối này báo hiệu điều gì cho chúng ta, tôi muốn bạn tưởng tượng tới một khả năng, một chuyện ngược đời:
Sáng mai khi thức dậy, ta thấy mọi người đã tha thứ hết mọi lỗi lầm cho nhau, và ai cũng có đủ dũng khí để nói lời xin lỗi về những việc mình đã gây ra. Khi ấy, chúng ta sẽ cùng thở phào nhẹ nhõm.
Bầu không khí sẽ trở nên nhẹ nhàng và hạnh phúc. Quan hệ giữa người với người sẽ cởi mở hơn. Những nguồn lực từng được dồn vào việc đổ lỗi, ganh ghét, vào những đố kỵ, trả thù sẽ được tuôn chảy tự do và dùng để phát triển hàng nghìn dự án mới.
Lợi ích của tha thứ
Ta sẽ hiểu rõ hơn về sự tha thứ nếu luôn nhớ một quy tắc cơ bản: Mọi yếu tố liên quan con người đều ảnh hưởng các yếu tố khác.
Những mối tương quan này đặc biệt dễ nhận thấy bằng sự tha thứ. Ví dụ, tôi có mối quan hệ nồng nhiệt với người phụ nữ nhưng rốt cuộc lại bị tổn thương nặng nề khi kết thúc mối quan hệ đó. Khi không bao giờ tha thứ, mối quan hệ của tôi với tất cả phụ nữ khác chắc sẽ luôn bất an.
Không chỉ thế, việc suy nghĩ ảnh hưởng tới từng tế bào trong cơ thể đã được chứng minh. Suy nghĩ tác động tới huyết áp và bởi vậy nó tác động tới việc lưu thông máu đến từng bộ phận trên cơ thể.
Chất lượng của những suy nghĩ ấy được cảm nhận xuyên suốt qua các cơ quan trong người. Vậy bạn sẽ khiến chúng trở thành những suy nghĩ của thù hận, hay của tình yêu và hạnh phúc?
Trong một thí nghiệm nổi tiếng, đối tượng thí nghiệm được yêu cầu nhớ lại hai ký ức khi bị phản bội, một ký ức khi bị cha hoặc mẹ phản bội, ký ức còn lại do bị người yêu phản bội.
Cùng lúc ấy, họ được kết nối với một vài thiết bị phát hiện stress, chúng sẽ đo huyết áp, nhịp tim, độ căng cơ ở trán, và thay đổi trong điện trở trên da. Kết quả đạt được rất rõ ràng.
Các đối tượng ngay lập tức được chia thành hai nhóm hoàn toàn khác biệt: Có hướng tha thứ và không tha thứ. Mức độ stress đo được cao hơn ở những người không tha thứ, và những người có sự tha thứ gặp ít vấn đề về sức khỏe và ít phải tới bác sĩ hơn.
Trong một nghiên cứu khác, kết quả cho thấy những người biết tha thứ, ngoài hưởng những lợi ích về sức khỏe, còn ít rơi vào trầm cảm hay lo lắng. Sự tha thứ sẽ cải thiện cả sức khỏe thân thể lẫn trí óc.
Tha thứ một cách tỉnh táo
Tôi nhận ra một yếu tố rất hữu dụng trong việc giúp đỡ bệnh nhân tha thứ. Đó là họ phải thừa nhận những điều sai trái đã xảy đến với mình, những đau khổ đôi khi vô cùng tồi tệ mà có thể họ chưa đối mặt với nó. Bạn không thể vờ như chưa hề có gì xảy ra được.
Trước khi quên điều sai trái đó đi, bạn phải thừa nhận và cảm nhận nó một cách đầy đủ nhất. Chẳng có ích gì khi tha thứ một cách vội vã. Chỉ khi bạn đã cảm nhận hết sức nặng của nó, bạn mới có thể tha thứ được.
Đơn giản là nếu ta dành thời gian suy nghĩ thấu đáo hơn, ta sẽ cảm thấy khác và có lẽ ta sẽ chủ động quyết định xem phải giải quyết sự giận dữ này như thế nào.
Thay vì nổi giận đùng đùng hay suy sụp, có lẽ, ta nên có thái độ xây dựng tích cực hơn, khẳng định các quyền của mình mà không làm tổn thương người khác, hay dùng thứ năng lượng ấy vào việc phát triển những dự án riêng.
Nhưng nếu ta không đối mặt với sự giận dữ, nó sẽ vẫn còn đó. Ta không thể chỉ đơn giản che lấp nó lại được. Khi ấy trong ta sẽ không còn chỗ cho lòng tốt nữa.