"Hiện tại, mô hình kinh doanh mới thuộc hệ thống TGDĐ vẫn đang ở những ngày đầu, chưa rõ 'người anh lớn' trong ngành bán lẻ di động sẽ mở rộng quy mô hoạt động như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và bám sát thị trường", ông Nguyễn Huy Tân, đại diện truyền thông hệ thống bán lẻ CellphoneS chia sẻ quan điểm khi biết TGDĐ muốn mở cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ.
Sau khi thông tin về việc hệ thống TGDĐ mở chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ lan rộng, nhiều ý kiến cho rằng các cửa hàng bán lẻ có quy mô vừa và nhỏ sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn.
“Mục đích chính của chuỗi cửa hàng này là phục vụ những người dùng cần mua điện thoại với mức giá rẻ. Để có mức giá rẻ, công ty sẽ cắt giảm tối đa các dịch vụ đi kèm hoặc thu lại quà khi khách hàng mua máy”, người đại diện hệ thống TGDĐ chia sẻ với Zing.vn.
Hệ thống bán lẻ tầm trung bị ảnh hưởng?
Chiếc Samsung Galaxy S10 đang được bán với mức giá 21 triệu đồng tại hệ thống TGDĐ. Tuy nhiên, tại một số cửa hàng khác, người dùng có thể mua sản phẩm này với mức giá 17,6 triệu đồng, sau khi đã trừ hết tất cả quà tặng.
Đây là cách mà nhiều hệ thống bán lẻ có quy mô tầm trung và nhỏ tại Việt Nam đang thực hiện để cắt giảm tối đa chi phí, giúp người dùng có thể tiếp cận với sản phẩm ở mức giá thấp nhất.
Bảng hiệu cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ. Ảnh: Techrum. |
Hiện tại, thị trường bán lẻ hàng công nghệ đã trở nên bão hòa. Các đơn vị tập trung cạnh tranh bằng các chính sách hậu mãi, bảo hành cũng như mức giá dễ chịu để giữ chân khách hàng.
Nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ smartphone nhận định hệ thống Điện Thoại Siêu Rẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị như CellphoneS, Hnam Mobile, Bạch Long Mobile, XT Mobile, Hoàng Hà Mobile, Click Buy, Di Động Việt...
"Nếu hệ thống Điện Thoại Siêu Rẻ được đẩy mạnh, những chuỗi bán lẻ tầm trung như chúng tôi có thể sẽ chịu thiệt hại nặng", ông Hoàng Hữu Huỳnh, Giám đốc chuỗi cửa hàng Hoàng Hà Mobile chia sẻ.
Ông Huỳnh cho biết thêm những cửa hàng nhỏ lẻ, chuyên bán máy cũ hoặc hàng xách tay sẽ không bị ảnh hưởng bởi mặt hàng kinh doanh khác nhau và đối tượng khách hàng hướng tới cũng khác nhau.
Chỉ là thử nghiệm?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chuỗi cửa hàng mới của hệ thống TGDĐ hiện chỉ là bước đi thử nghiệm. Chưa có gì chắc chắn rằng nó sẽ phát triển thành một kênh bán hàng chính thức.
"Tôi cho rằng cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ hiện tại chỉ là mô hình thử nghiệm của hệ thống TGDĐ. Nếu nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường, lúc đó họ sẽ mở rộng quy mô", ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống bán lẻ Mai Nguyên nhận định.
"Trong giai đoạn thị trường bán lẻ di động ngày càng trở nên bão hòa và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc phát triển theo những hướng đi mới là điều hoàn toàn bình thường", ông Nguyên nói.
Thế Giới Di Động từng mở cửa hàng kinh doanh điện thoại cũ vào năm 2016. Ảnh: Trương Hữu Dũng. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Thanh Phong, đại diện truyền thông của hệ thống TGDĐ cho biết chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ được xem là mô hình thử nghiệm của hệ thống. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ còn thử nghiệm nhiều điều khác", ông Phong cho biết.
Trên thực tế, hệ thống TGDĐ cũng từng thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Năm 2016, hệ thống bán lẻ này đã mở một số cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại cũ, phụ kiện và thẻ cào. Những cửa hàng này sau đó chỉ hoạt động một thời gian rồi đóng cửa.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng lo ngại rằng việc TGDĐ lấn sân sang mảng kinh doanh các thiết bị giá rẻ có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của hệ thống. Đây vốn là điều đã làm nên tên tuổi của đơn vị bán lẻ này tại Việt Nam.
Trước 2018, cửa hàng điện thoại là chuỗi đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho TGDĐ. Đây cũng là chuỗi được công ty đầu tư rất nhiều và tăng rất nhanh số lượng mỗi năm. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2018 đến nay, TGDĐ đã đóng cửa tổng cộng 48 cửa hàng trong chuỗi kinh doanh này.