Theo Gizmodo, một nghiên cứu công bố ngày 5/8 cho biết mặc dù quạt máy có thể giúp mọi người "hạ hỏa" khi thời tiết nóng ẩm nhưng ở những môi trường nóng khô, nó chỉ càng gây ra khó chịu, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
12 thanh niên khỏe mạnh đã tham gia thí nghiệm của những nhà nghiên cứu tại ĐH Sydney của Australia. Những người tham gia phải mặc quần short và được yêu cầu ngồi trong phòng 2 tiếng đồng hồ với 4 điều kiện thời tiết giả lập khác nhau.
Trong một điều kiện điển hình, căn phòng được tăng nhiệt độ lên tới 104 độ F (khoảng 40 độ C) và độ ẩm khoảng 50%, khiến cho chỉ số nhiệt (nhiệt độ theo cảm nhận thực tế của con người) nằm ở mức 56 độ C.
Cách "hạ hỏa" quen thuộc trong những ngày hè nóng bức. Ảnh: Ricky Martin. |
Một nửa thời gian ở trong phòng, những người tham gia phải ngồi trước một chiếc quạt máy thông thường.
Trước và sau các thí nghiệm, những người tham gia sẽ được đo nhịp tim, mức độ ra mồ hôi cùng nhiệt độ cơ thể và tâm trạng lúc được khảo sát.
Có thể dễ nhận thấy, cuộc thử nghiệm này không phải là một trải nghiệm “vui vẻ” gì với những người tham gia, đặc biệt nếu xét đến các điều kiện thời tiết được giả lập.
Những người tình nguyện cho biết họ cảm thấy thoải mái gấp đôi khi quạt máy được bật trong căn phòng nóng ẩm so với khi tắt đi. Nhiệt độ cơ thể và nhịp tim của những người tham gia cũng thấp hơn một chút khi bật quạt, mặc dù họ đổ mồ hôi nhiều hơn làm tăng nguy cơ mất nước.
Tuy nhiên, khi quạt được bật trong căn phòng có điều kiện nóng khô, tình trạng của các tình nguyện viện lại tệ hơn về mọi mặt so với khi tắt quạt, mặc dù nhiệt độ theo “cảm nhận” không hơn so với điều kiện nóng ẩm.
Hiện tại, những tổ chức như Cục Bảo vệ môi trường Mỹ đã khuyến cáo mọi người không nên sử dụng quạt khi chỉ số nhiệt vượt quá nhiệt độ cơ thể hoặc ở ngưỡng 37 độ C.
Lập luận được đưa ra dựa trên việc quạt thực sự có thể gây ra nhiều căng thẳng cho cơ thể ở ngưỡng 37 độ C đồng thời tạo ra cảm giác nóng hơn thông qua sự đối lưu.
Nhưng một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí y học Annals of Internal Medicine lại cho thấy dường như chỉ dựa vào một yếu tố như chỉ số nhiệt có thể không phải là phương pháp tối ưu nhất để đánh giá sự hữu ích của quạt.
“Những phát hiện nổi bật này có thể được xuất phát khi các giá trị chỉ số nhiệt đã có sự thay đổi để khuyến cáo mọi người sử dụng quạt khi trời nóng”, nhóm tác giả cho biết.
Ngay cả chính những tác giả của thí nghiệm khi đưa ra kết luận cũng phải đối diện một số hoài nghi nhất định. 12 tình nguyện viên không phải con số lớn với một nghiên cứu và khoảng thời gian 2 tiếng cũng không thực sự đủ để đánh giá.
Ngoài ra, chưa thể chắc chắn liệu phản ứng của những người tham gia lần này có trùng hợp nếu so với cùng một nhóm khác hay không. Thậm chí, trong những trường hợp khác nhau như người đang dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ hoặc vừa trở lại sau quá trình hồi phục, quạt máy có thể sẽ tạo ra sự tác động khác nhau trong cả 2 điều kiện nóng ẩm và nóng khô.