Theo DigiTimes, Texas Instruments (TI) đang bị chỉ trích do đóng vai trò lớn gây ra cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu. Tình trạng này đang kéo dài khiến các hãng máy tính, smartphone và ôtô không thể lắp ráp, cung ứng đủ thiết bị cho người dùng.
Các công ty phần cứng tại Đài Loan cho rằng quá trình mở rộng dây chuyền sản xuất chip tương tự (analog) chậm chạp của TI khiến sản lượng chip không thể đáp ứng nhu cầu.
Texas Instruments bị chỉ trích do khiến cuộc khủng hoảng chip kéo dài. Ảnh: Dallas Morning News. |
Có trụ sở tại Mỹ, TI là công ty dẫn đầu thị trường về chip analog, hiện được dùng phổ biến để điều chỉnh điện áp. Đây là bộ phận quan trọng của hầu hết thiết bị điện tử, giúp những con chip trên bo mạch nhận nguồn điện thích hợp.
Những con chip đơn giản như chip analog của TI mới là nguyên nhân làm chậm quá trình lắp ráp sản phẩm, không phải các loại chip phức tạp, nhiều công nghệ do một số công ty như TSMC sản xuất.
Theo WinFuture, một giám đốc của Asus đã tiết lộ thời gian giao hàng kéo dài do các nhà cung ứng chip của Mỹ. Tuy không nhắc cụ thể, TI và Analog Devices là những cái tên dẫn đầu lĩnh vực chip analog, cả 2 có trụ sở tại Mỹ.
Tình trạng khủng hoảng chip kéo dài trong hơn một năm khiến nhiều hãng máy tính, linh kiện, smartphone và ôtô không thể đáp ứng nhu cầu cao của người dùng sau đại dịch. Nguồn tin trong ngành cho biết TI dự kiến tăng lượng cung ứng chip analog vào cuối năm 2022 do lượng đơn hàng nhiều, không thể đáp ứng thời gian giao hàng sớm như cam kết.
Khủng hoảng chip ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều thiết bị công nghệ. Ảnh: SCMP. |
Trong khi đó, CEO Tim Cook của Apple cũng thừa nhận tình trạng thiếu linh kiện tác động lớn hơn dự đoán, khiến lượng hàng iPhone 13, máy tính Mac và iPad bị ảnh hưởng. Do cuộc khủng hoảng chip vẫn khó lường, Apple không đưa ra dự báo doanh thu trong quý IV.
Tình trạng thiếu chip cũng ảnh hưởng đến ngành ôtô. Một số dây chuyền lắp ráp phải dừng hoạt động do không đủ linh kiện. Trong khi đó, nhiều ôtô được xuất xưởng thiếu những tính năng phụ thuộc vào chất bán dẫn.
Trước đó, Nintendo đã cảnh báo khủng hoảng chip ảnh hưởng đến việc sản xuất máy chơi game. Hãng này đặt mục tiêu bán được 25,5 triệu máy chơi game trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, giảm nhẹ so với một năm trước. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết ban lãnh đạo muốn Nintendo sản xuất 28-29 triệu máy chơi game.