Đối với nhiều sinh viên Việt Nam, lịch học và làm thêm bận rộn ở đại học Mỹ đã khiến không khí Tết giảm đi phần nào.
“Em bận tới mức không biết ngày nào là Tết, đến lúc bị ba mẹ la mới biết là chưa gọi điện về”, Gia Hân, du học sinh ở Philadelphia, nói với Zing.vn. Hân đang chuẩn bị cho đợt thi giữa kì. Cô sinh viên đến từ Biên Hòa sẽ không thể gọi về đón giao thừa với gia đình vì thời điểm đó trùng với lớp học buổi trưa bên Mỹ.
Tương tự Hân, Minh Nguyễn, sinh viên ở bang Wisconsin đang trải qua cái lạnh trên dưới 0 độ C, nói với Zing.vn: “Đi xa nhà rồi thì còn đâu là Tết nữa. Đi học có bài kiểm tra đều đều nên thay vì chuẩn bị Tết, bọn em chuẩn bị bài vở nhiều hơn”.
Trong khi đó, nhiều người khác vẫn cố gắng tạo không khí Tết cho mình và bạn bè.
Người mua hoa vào một dịp Tết âm lịch tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP. |
“Sắp năm mới ở nước tớ rồi nè”
Tết của Thảo Hương, du học sinh ở bang New Jersey, đáng ra sẽ không khác gì ngày thường vì trường của cô bạn không có nhiều sinh viên Việt Nam. Nhưng Tết này, Hương được mẹ gửi sang bánh chưng, mứt dừa, mứt gừng và 3 hộp ô mai.
Hương đổi lớp học để rảnh buổi trưa thứ Năm (ngày 16/2, Mùng 1 Tết) để có thể gọi về đón giao thừa cùng mẹ đang ở Hà Nội.
“Em có bánh chưng thì mời mấy bạn Việt Nam đến ăn thôi. Em sẽ tự làm bao lì xì và cho những câu nói ý nghĩa vào trong để tặng thầy cô và bạn bè”, cô gái sinh ra ở Hà Nội viết cho Zing.vn.
“Càng gần Tết càng háo hức khoe với bạn bè ở trường là sắp năm mới ở nước tớ rồi nè. Em nhớ mẹ, nhớ đồ ăn, nhớ không khí lạnh Hà Nội, nhớ mùi nhang hay mùi nước lá mà mọi người hay đun vào 30 Tết”, Hương chia sẻ.
Hà Dương, sinh viên ở Boston, sẽ mời các bạn Việt Nam và sinh viên các nước cùng đón Tết và xem phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Dương muốn bạn bè các nước thấy những hình ảnh đặc sắc về đồng quê, văn hóa, trẻ thơ Việt Nam.
“Mình quan niệm Tết là dịp để mọi người gần nhau hơn. Đặc biệt thời điểm này ai cũng nhớ nhà, vì thế mình muốn tổ chức cho mọi người vừa là để gắn kết hơn, cũng là bớt cái cảm giác nhớ nhà”, Dương chia sẻ.
Người Việt múa lân ở Mỹ. Ảnh: Voice of America |
Các chương trình "đến hẹn lại lên"
Ở ngoại ô của thủ đô Washington D.C., tối Mùng 1 Tết, chương trình đón năm mới của hội sinh viên sẽ quy tụ hàng trăm người Việt tham dự. Tết ở đây bào gồm các tiết mục văn nghệ như kịch, ca nhạc, múa, các trò chơi như nhảy sạp, bò cua. Người Việt tại Washington D.C. sẽ tụ tập về đây trong những bộ trang phục đẹp nhất, các cô gái xúng xính trong những chiếc áo dài.
“Chương trình được tổ chức để mọi người gần nhau như một gia đình nhỏ, chia sẻ niềm vui, được thấy rằng hóa ra mình cũng có phong trào này, trò chơi này, bài hát này gợi nhớ những hương vị quê hương”, chị Thảo Ly, phụ trách hội sinh viên Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn.
Các năm trước, chính chị Thảo Ly là người múa lân bằng con lân mà chính vợ chồng chị tự mua và tự tập luyện bằng cách xem Youtube.
Chị cũng cho biết do người Việt ở đây đông, những ngày trước Tết nhiều nhà tổ chức cho bạn bè, người quen gói bánh chưng. Ai muốn gói bánh có thể đăng ký trước để chủ nhà chuẩn bị hoặc tự góp lá chuối, gạo nếp. Một số chùa cũng tổ chức cho các sinh viên nhớ Tết gói bánh chưng.
Hội sinh viên ở New York cũng đang gấp rút chuẩn bị chương trình Tết cho hàng trăm người Việt ở đây, mang chủ đề “Tết Yêu Thương”. Các bạn mặc dù bận học, bận đi làm nhưng vẫn cố gắng tham gia tổ chức chương trình.
“Có một em trong nhóm mới tốt nghiệp, còn đang lo phỏng vấn, xin việc nhưng vẫn cố làm marketing, thiết kế poster cho bọn em. Rồi khi có việc rồi, em ấy vẫn cố gắng làm”, Minh Trang, phụ trách hội sinh viên ở đây, nói với Zing.vn.
Múa quạt trong chương trình văn nghệ mừng Tết. Ảnh: Hội sinh viên Việt Nam tại Washington D.C. |
Phong tục Tết: hội chợ, cành đào
Năm nào cũng vậy, chị Thảo Nguyên, người New York, dù sang Mỹ từ khi còn rất nhỏ, vẫn giữ nhiều phong tục đẹp của ngày Tết. Đa số người Việt ở đây không có cây đào trong dịp này, nhưng Nguyên luôn mua cây đào, bánh tét, làm canh khổ qua, bày mâm cầu - dừa - đủ - xoài.
Đào là biểu tượng của những năm tuổi thơ của chị Nguyên ở Đà Lạt.
“Ba chị năm nào cũng phải mua bằng được cây đào. Những năm khó khăn quá, ông đợi đến tận đêm giao thừa vì lúc ấy người ta bán rẻ gần như cho không vậy”, chị Nguyên chia sẻ với Zing.vn.
Trong khi đó, anh Phan Nam, mới chuyển đến làm việc ở Dallas, Texas, dự định sẽ đi chùa vào đêm giao thừa để xem múa lân, rồi đi hội chợ ở nhà thờ, nơi có các trò chơi như bầu cua, cá ngựa.
Anh cũng dự định tự nấu ăn và mời bạn bè tới ăn như anh luôn làm khi còn ở New York. Nhưng lần này, anh chưa biết bạn bè mới của anh tới được hay không, vì so với New York, người Việt ở Texas sống cách xa nhau hơn, và bạn bè anh “dưới này mấy người làm nail cũng nhiều, buổi tối, cuối tuần cũng làm hết, thành ra có tới được thì cũng khuya”.
Anh nhớ lại cái Tết ở Việt Nam 3 năm trước, “Vui quá trời! Gói bánh chưng bánh tét ở dưới quê. Nhà nào cũng tự làm mứt dừa, mứt tắc, mứt gừng hết trơn. Dịp Tết nhiệt độ xuống liền à, đường ở Sài Gòn sạch sẽ, xe cộ ít, mà mọi người nghỉ 2 tuần nên đi chơi tha hồ”.
Ở bang Louisiana, cái Tết của nhiều cộng đồng Việt gắn liền với các hội chợ Tết được tổ chức bởi chùa hoặc nhà thờ, theo chị Bình Minh, từng học 5 năm ở Baton Rouge, Lousiana.
Các hội chợ có bán đồ ăn, hàng hóa Việt Nam, và trò chơi cho trẻ con, tuy rằng do sự hòa nhập văn hóa, trẻ em Việt nam sẽ bắt gặp một số trò chơi thuộc về các lễ hội của người Mỹ, như nhà phao hay ném thú nhồi bông.
Các bạn Việt Nam đều chia sẻ với Zing.vn chung một mong ước trong dịp xuân về là sức khỏe cho cha mẹ ở nhà, vì “có sức khỏe là có tất cả”.
Tuy nhiên, anh Nam ở Dallas còn có thêm một mong ước khá thực tế.
“Anh cũng hy vọng là sắp tới trụ sở Amazon chuyện về Dallas, nếu mà thật như thế thì cái khu vực Dallas - Houston có thể trở thành metropolitan lớn nhất thế giới, không ai bằng đâu!”