Miền Bắc nước Anh năm nay trải qua đợt lạnh bất thường. Đã nhiều ngày, Hồng Quyên đi học, đi làm dưới mưa và tuyết, tuyệt nhiên không có một ánh nắng ấm áp của mặt trời. Nhưng, đối với cô sinh viên 22 tuổi hiện sống ở Newcastle, Đông Bắc nước Anh, thời tiết âm u tại xứ sương mù sở có lẽ là nỗi lo âu nhỏ nhất trong năm đầu tiên đón Tết xa nhà.
Cái Tết đầu xa nhà của những người "chưa lớn"
Chân ướt chân ráo sang Anh chưa đầy 4 tháng, Hồng Quyên vẫn đang chật vật làm quen với cuộc sống tự lập. Xa gia đình, vắng bè bạn thân thiết, cuộc sống tại xứ người không hề dễ dàng với cô cựu sinh viên Đại học Hà Nội.
"Mấy ngày vừa rồi mọi người bắt đầu đăng hình ảnh đào, quất, rồi câu chuyện cúng ông Công ông Táo, thả cá chép. Em đọc mà nhiều lúc thấy hơi chạnh lòng, nếu ở nhà thì giờ này em cũng đang cùng mẹ làm cơm cúng các Táo rồi", Quyên chia sẻ với Zing.vn.
Việc học hàng ngày tiêu tốn nhiều thời gian của Hồng Quyên. Mỗi ngày, cô bạn dành 4-6 giờ cho các buổi học ở trường. Thời gian tự học cũng không hề ít, khoảng 5-6 giờ. Nhưng mỗi khi rời khỏi sách vở, tâm trí cô bạn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội lại tự động nghĩ tới phố phường thủ đô tấp nập nhộn nhịp những ngày cận Tết.
"Thực sự là nhớ vô cùng cảm giác đi cùng mẹ chọn bánh mứt. Mọi năm mẹ hay giục em lau nhà, xong lại rửa măng, cuốn nem, mà mình cứ mải chơi, lười làm. Năm nay em mới thấm thía. Em chỉ ước giá như được ở nhà, mẹ sai gì em cũng làm", Quyên nói.
Đối với Minh Thư, du học sinh Việt Nam hiện sống ở Brescia, Ý, năm nay đã là cái Tết xa nhà thứ 3. Minh Thư thừa nhận cái Tết đầu tiên là cái Tết khó khăn nhất.
"Hôm đó là ngày 30 Tết, em cố gọi Skype về cho bố mẹ. Lúc đầu thì vẫn liên lạc được, cho đến tầm 23h30 ở Việt Nam. Mạng bắt đầu chập chờn. Đến sát giao thừa thì ngắt hẳn. Lúc đó em khóc như mưa, cảm giác như vừa bị bỏ rơi vậy", Minh Thư chia sẻ với Zing.
Cái Tết đầu xa nhà là một thử thách không chỉ với các bạn nữ. Hoàng Phúc, cậu sinh viên Việt Nam hiện sống ở Tokyo, Nhật Bản cho biết cuộc sống những ngày cận Tết của cậu bị thu hẹp lại chỉ còn đi học, nấu ăn, và theo dõi tình hình chuẩn bị đón Tết của gia đình, bè bạn ở Việt Nam.
Hoàng Phúc cho biết nhà cậu ở trong ngõ gần chùa Linh Ứng (phố Khâm Thiên, Hà Nội). Mỗi khi giao thừa, chùa lại đổ chuông, khói hương từ các nhà tỏa ra nghi ngút, cậu đứng trên sân thượng, cùng bố khấn trước mâm cúng giao thừa. Đó là khoảnh khắc giao thừa của Phúc, là khoảnh khắc mà cậu nhớ nhất.
"Đi xa mới càng thêm trân trọng những thời khắc thiêng liêng được ở bên người thân gia đình. Cũng có năm em đi chơi qua giao thừa để xem pháo hoa với các bạn. Nhưng giờ em mới hiểu, những thời khắc như năm mới, giao thừa, nên được dành ở bên cha mẹ, anh chị em, những người ruột thịt của mình", Hoàng Phúc chia sẻ với Zing.vn.
Người Việt bên nhau, Tết ấm áp hơn
Dẫu cách xa quê nhà hàng nghìn km, Tết âm lịch không phải lúc nào cũng lặng lẽ đối với những người con đất Việt. Tại những thành phố nơi có đông người Việt sinh sống, nhiều hoạt động cộng đồng dành cho bà con người Việt diễn ra trong những ngày cận Tết.
Tại Newcastle, Anh, năm nay đã là năm thứ 6 "Tet it up", đêm giao lưu chào năm mới âm lịch dành cho bà con người Việt, được tổ chức. Tham gia đóng góp cho "Tet it up" là các sinh viên Việt Nam đang sống và học tập tại Newcastle và Sunderland, các thành phố ở Đông Bắc nước Anh.
"Khi mà tiếng nhạc bài 'Quê hương Việt Nam' vang lên, rồi thấy các bạn mặc áo dài thướt tha, những điệu múa quạt, múa nón được biểu diễn trên sân khấu, em xúc động đến cay mắt. Bao nhiêu tủi thân vì xa gia đình tự dưng tiêu tan hết", Hồng Quyên nói.
Những chương trình như "Tet it up" không phải là hiếm ở Anh. Tại Bristol, Manchester hay Huddersfield, hàng loạt chương trình với ý nghĩa tương tự cũng được các hội sinh viên Việt Nam tổ chức.
Tết Nguyên đán năm nay đến vào tháng 2, khi kỳ học mới tại Anh đã bắt đầu. Để có thể tham gia chuẩn bị cho những chương trình chào năm mới âm lịch, các bạn sinh viên phải chật vật sắp xếp giờ học, giờ làm. Nhưng, nhìn vào nét tươi tắn, hồ hởi của những "vũ công nghiệp dư" trên sân khấu, không khó để nhận ra chương trình đón Tết cổ truyền có ý nghĩa và truyền nhiều cảm hứng tới nhường nào cho các bạn trẻ người Việt.
"Sau bao nhiêu ngày sống giữa người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, giờ có thể đứng giữa những người Việt Nam, nói những câu chuyện rất Việt, cảm giác như mình lại đang ở nhà", Sơn Tùng, sinh viên đã 4 năm ăn Tết xa nhà, tâm sự.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nhóm người Việt đã lên kế hoạch cùng nhau gói giò, nấu bánh chưng, ngõ hầu có cái Tết cổ truyền đầm ấm đầy đủ hương vị Việt Nam.
"Lá dong thì bọn em phải đặt từ Việt Nam, những nguyên liệu khác như gạo nếp, đậu xanh thì có thể mua được từ chợ châu Á", Minh Tú, sinh viên Việt Nam hiện sống ở Mainz, Đức chia sẻ.
Nhóm bạn 9 người của Minh Tú hẹn nhau nấu bánh chưng từ đầu tháng 2. Người liên hệ đặt lá dong, người chuẩn bị gạo, thịt lợn, đậu xanh, người lo than, nồi luộc. Tuy nhiên, nan giải nhất là tìm được địa điểm thích hợp thoáng đãng để bắc bếp luộc bánh chưng.
"Không thể nấu bánh chưng ở trong nhà được anh ạ. Năm ngoái khi nồi luộc bánh chưng bốc khói nghi ngút, báo cháy của tòa nhà kêu lên ỉnh ỏi, bọn em đã gặp một phen khốn đốn với chủ nhà", Minh Tú kể lại về lần nấu bánh chưng năm 2017.
Năm nay, nhóm bạn trẻ đã liên hệ được với một gia đình Việt Nam nhà có sân vườn. Cả nhóm sẽ mang tất cả bánh chưng, nồi luộc tới để bắc bếp và được vợ chồng chủ nhà mời ở lại dùng bữa cơm tất niên.
Nhiều nhóm người Việt tại các thành phố khác nhau trên thế giới sẽ cùng nhau ăn bữa cơm tất niên.
"Do 30 Tết năm nay rơi vào thứ 5, mùng 1 Tết là thứ 6, nên mọi người bên này vẫn phải đi học, đi làm bình thường. Nhưng anh chị em đều cố sắp xếp thời gian, ở bên nhau thêm lúc nào thì tốt lúc ấy", Minh Khoa, sinh viên từ Đại học Sorbonne, Pháp chia sẻ.
May mắn cho nhóm bạn của Minh Khoa khi 30 Tết năm nay mọi người đều có các tiết học vào buổi sáng. Cậu bạn cho biết mọi người đã chuẩn bị sẵn tivi màn hình lớn để cùng xem Táo quân, sau đó sẽ cùng ăn bữa cơm cuối năm và gọi Skype về cho gia đình.
Không để con cháu quên nguồn cội
Sang Đức học tập từ năm 19 tuổi, chị Thu Huyền nay đã có 2 người con và ổn định cuộc sống tại thủ đô Berlin. Mười tám mùa xuân sống xa quê nhà, chị Huyền luôn cố gắng tổ chức cái Tết âm lịch với đầy đủ những hương vị của người Việt.
"Dù sống ở đâu thì mình vẫn là người Việt máu đỏ da vàng. Với các con chị cũng vậy, các cháu sinh ra ở Đức, lớn lên ở Đức, nhưng các cháu sẽ mãi là người Việt", chị Thu Huyền nói.
Hai vợ chồng chị Huyền đều là người Việt, mọi giao tiếp trong gia đình cũng đều sử dụng tiếng Việt. Chính vì vậy, hai đứa trẻ nhà chị có thể nói thạo tiếng Việt, bên cạnh tiếng Đức các cháu sử dụng ở trường học.
Khi các cháu còn nhỏ, chị Huyền vẫn thường kể chuyện cổ tích, truyền thuyết của Việt Nam trước giờ đi ngủ. Những sự tích về Lang Liêu, bánh chưng bánh dày, không hề xa lạ với hai đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Berlin.
"Trước chị cũng có chút vô tâm, chưa từng giải thích ý nghĩa của Tết. Cho đến khi bé lớn được 4 tuổi, có một ngày cháu hỏi chị: 'Mẹ ơi lì xì là gì hả mẹ'. Lúc đấy chị mới thực sự suy nghĩ. Từ đó, mỗi dịp Tết, chị đều cố gắng giải thích ý nghĩa các hoạt động trong ngày Tết cho hai cháu", chị Huyền nói.
Cũng như chị Huyền, gia đình chị Hoài Thu ở Sydney, Australia có 2 cháu nhỏ chưa từng trở về Việt Nam. Nhưng, khoảng cách địa lý không làm các cháu mất đi chất Việt, nhất là trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ở Sydney, hàng năm, cộng đồng người Việt tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán sau ngày cúng ông Công ông Táo. Chị Thu cho biết chị luôn khuyến khích các cháu tham gia vào các hoạt động trong lễ hội để hiểu hơn về văn hóa cổ truyền và ghi nhớ dòng dõi người Việt chảy trong huyết quản.
"Năm nay các cháu, cùng với con em các gia đình người Việt khác, tham gia đóng một vở kịch về sự tích bánh chưng bánh dày. Sau đó các cháu sẽ cùng hát các bài hát mừng Tết đến", chị Thu nói.