Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Tết trên những chuyến tàu cuối cùng của năm Kỷ Hợi

Đâu đó là những ánh mắt tìm người thân, những tiếng gọi, nụ cười, những cái bắt tay, khoảnh khắc trở về ... đang hiển hiện trên những chuyến tàu cuối cùng trong năm.

NHỮNG CHUYẾN TÀU ĐOÀN VIÊN TRƯỚC THỜI KHẮC GIAO THỪA

Đâu đó những ánh mắt tìm người thân, tiếng gọi nhau í ới, nụ cười hay cái bắt tay hay ngày hội ngộ... hiển hiện tại các nhà ga trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi.

Sân Ga đầy ắp mai, đào

Trên sân ga Hà Nội buổi chiều cuối năm Kỷ Hợi xuất hiện một cơn mưa lây phây kèm chút se lạnh của mùa đông miền Bắc. Nơi đây rất đông đúc, nhộn nhịp, khác hẳn với những ngày thường. Trước giờ tàu chạy, hành khách ai cũng hối hả, tay xách nách mang đủ thứ đồ để về quê đón Tết. Công nhân nhà ga bận rộn dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết, từ việc quét dọn đến lau rửa, thay lại rèm cửa, chăn gối... tất cả đều diễn ra một cách nhịp nhàng, cẩn thận.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 1

Không chỉ ở ga Hà Nội mà tất cả các nhà ga khác dọc tuyến bắc - nam đều đông khách vào thời điểm này. Một số ga chính ở Thanh Hoá, Vinh, Đà Nẵng... tàu phải dừng lâu hơn mọi khi bởi lượng hành khách lên xuống rất đông.

Năm 2019, TP. HCM đã bán ra 220.000 vé tàu để phục vụ cho cả trước và sau Tết. Và đến năm 2020, con số này còn tăng cao hơn. Như vậy, xe lửa vẫn là loại phương tiện vận tải được người dân lựa chọn nhiều vào dịp Tết.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 4

Phóng viên Zing.vn có mặt tại nhà ga ngày 28, 29 Tết. Vé tàu các tuyến từ Hà Nội chạy dọc về TP. HCM đã bán hết cách đó cả tuần. Chỉ còn lại các ghế phụ dành cho một vài hành khách mua vé sau. Những người làm ngành đường sắt cho biết cứ từ 20 tháng Chạp trở đi, năm nào cũng vậy, số lượng hành khách đi tàu luôn tăng rất cao. Bởi vậy vé tàu Tết được mở bán trước đó chừng 2 tháng.

Anh Đậu Phi Quyết sinh sống cùng vợ và 2 con nhỏ ở TP. HCM. Mỗi dịp Tết đến là cả gia đình nhỏ lại “dắt díu” nhau về Nghệ An ăn Tết cùng bố mẹ. Năm nay, anh đã kịp mua một cây mai vàng Diêu Trì đem về làm quà biếu. Nụ cười rạng rỡ đang hiện trên gương mặt anh Quyết sau hành trình dài 1.400 km về nhà đón năm mới.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 11

Những ngày này đi tàu, người ta cũng chẳng lạ gì với hình ảnh mai, đào, quất hay những cành hoa ly được bọc gói cẩn thận theo những hành khách lên tàu. Sắc vàng hoa mai, sắc đỏ hoa đào, hồng đậm của ly cùng với vài bản nhạc mừng xuân làm cho các ga tàu tràn ngập không khí tưng bừng, rộn rã. Đâu đó những ánh mắt tìm người thân, tiếng gọi, nụ cười, những cái bắt tay thân mật… mọi thứ tưởng chừng là xưa cũ đang hiển hiện trong những khoảnh khắc trở về nhà.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 12

33 tiếng để trở về ăn Tết đoàn viên

Sáng ngày 28 tháng Chạp, gia đình chị Nguyễn Nhung (30 tuổi) cũng khởi hành từ ga Sài Gòn để trở về quê ngoài bắc. Năm nay, vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ về quê ngoại ăn Tết. Chị kể cả vé đi lẫn về đều phải mua trước, thậm chí, không dễ dàng gì khi hôm đó quá đông người mua. Để được lên tàu nằm từ TP. HCM về Thanh Hóa, chị Nhung đã phải đặt từ tháng 10/2019, khi nhà ga bắt đầu mở bán vé tàu Tết.

Trên khoang giường nằm mềm, chị nhớ về những ký ức đi tàu của mình. Chị bảo thích di chuyển bằng tàu. Hồi còn là sinh viên mỗi lần về quê, chị Nhung lại rủ mấy người bạn đặt vé để cùng đi. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chị đi máy bay cho tiện nhưng đến khi có con nhỏ, sợ con quấy khóc không đi được máy bay, hai vợ chồng lại quay về với tàu hỏa. Phụ nữ 30 tuổi chia sẻ: “Đi máy bay cũng tốn kha khá thời gian làm thủ tục, mỗi chuyến như vậy cả nhà cũng mất 7 tiếng để về tới nơi. Đi tàu chậm hơn, nhưng được cái rộng rãi, 2 đứa nhỏ vì vậy cũng bớt quấy khóc hơn vì chúng có không gian để chơi”.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 17

Trong khoang giường nằm với diện tích chỉ chừng 4 m vuông chất đầy đồ đạc, cây mai vàng được xếp cẩn thận một góc. Cây mai được chị Nhung mua từ Sài Gòn trước khi về một ngày, cũng kịp gói ghém để mang về quê. Theo chị Nhung, sắc vàng của hoa mai và màu đỏ của hoa đào là những thứ không thể thiếu trong gia đình ngày Tết. Vậy nên dù có chút lỉnh kỉnh, chị cũng cố mua một cây mang về để ông ngoại bày ở bàn uống nước.

Năm nay Nem 4 tuổi, là chị cả nên cô bé có vẻ biết lo lắng cho bố mẹ hơn. Thỉnh thoảng Nem lại quay ra hỏi mẹ có mệt không, cũng không quên kèm theo mấy câu ngây ngô: “Đây là đâu hả mẹ?”, “Sắp tới nơi là còn bao xa?”, “Chút nữa con sẽ ôm ngoại được không hả mẹ?”… Cứ mỗi khi tàu dừng, Nem lại thích thú nhìn ra sân ga để tìm ông ngoại. Có lẽ lâu rồi chưa về nhà ông nên cô bé cứ háo hức suốt cả dọc đường. Kết thúc chuyến hành trình cả nhà được ông ngoại đứng chờ sẵn ở ga đón, mọi người cùng nhau về nhà trước thời khắc giao thừa vài chục giờ.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 21

Những ký ức tàu trưởng và 20 năm đón Tết trên những chuyến tàu

Khi nhắc về những chuyến tàu Tết mà mình đã đồng hành hơn 20 năm qua, tàu trưởng Nguyễn Anh Tuấn vẫn nhớ về ký ức chuyến tàu VQ1 lộ tình Vinh - Quy Nhơn năm 2008: Đoàn tàu với 11 toa ghế cứng không điều hoà. Năm đó, anh vẫn còn là một nhiên viên phục vụ toa tàu, lần đầu tiên trong đời anh đối diện với nhiều sự cố trên tàu như vậy. Trên cả quãng đường có tới 7 hành khách bị ngất xỉu. Nguyên nhân do tàu Tết quá đông cùng với cái nóng bức của miền Trung đã không chịu đựng nổi, anh cùng những nhân viên khác phải sơ cứu, chuyển ngay xuống ga Truồi và ga Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 22

Nhân câu chuyện tàu Tết, người đàn ông có hơn 20 năm trong ngành đường sắt bỗng trăn trở. So với tổng thể ngành đường sắt nhiều năm gần đây, số lượng hành khách đã vắng đi rất nhiều mặc cho tàu hoả được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Những chuyến tàu bắc - nam vẫn duy trì lượng hành khách khá đông mỗi dịp Tết, còn lại những chuyến tàu tỉnh nhưng SE35 Hà Nội - Vinh có ngày đông, ngày lại vắng.

Các toa tàu ngày trên chuyến SE35 đã kín chỗ. Dọc các dãy hành lang xuất hiện thêm những hàng ghế phụ được bán với giá rẻ hơn, để dành cho những hành khách lỡ chuyến khi tàu chẳng may cháy vé. Hành lý của khách đi tàu những ngày này lúc nào cũng lỉnh kỉnh hơn. Họ mang theo quần áo, mai, đào, bánh chưng, quà Tết, thậm chí là xe máy, xe đạp. Vì vậy tàu dịp Tết thường được tăng cường thêm khoang hàng hoá để hành khách ký gửi, vận chuyển đồ.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 25
chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 28

Ba bố con anh Hạnh lên chuyến tàu Hà Nội - Vinh về quê ăn Tết, đồ đạc mang theo là một thùng bánh kẹo và một cái bánh chưng với khoanh giò ăn dọc đường mà vợ anh đã chuẩn bị sẵn. Do bận rộn công việc, chị nhà sẽ lên tàu về vào hôm sau. Anh kể ngày bé, bố đi làm xa, mỗi dịp Tết bố về lại mang theo quà bánh. Mấy anh chị em trong nhà lúc nào cũng ngóng bố về để được mở bánh kẹo. Bây giờ thì ở đâu cũng sẵn đồ Tết, chẳng thiếu gì nữa nhưng anh vẫn thích mang quà Tết về quê biếu bố mẹ. "Nó có cảm giác gần gũi, vui vẻ khó tả lắm”, anh Hạnh nói.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 29

Khi được hỏi lý do chọn đi tàu ngày Tết hầu hết câu trả lời đều là vì gia đình có trẻ nhỏ. Vé đi tàu không chênh nhiều so với ôtô hoặc máy bay. Nhưng đi tàu tạo cho mọi người một cảm giác thoải mái, không gian dễ chịu, không bị chật chội, gò bó như đi xe khách. Tàu về Tết thường không có toa ghế cứng. Thay vào đó là những toa ghế mềm - giường nằm điều hòa được tăng cường nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu đường xa của hành khách.

chuyen tau cuoi nam Ky Hoi anh 30

Tàu hoả vẫn chạy đều đặn xuyên Tết. Khi mọi người đã bắt đầu nghỉ ngơi và tận hưởng kỳ nghỉ dài nhất trong năm thì những vòng quay bánh xe lửa vẫn lăn đều trên đường ray. Nó như một mạch mạch máu giao thông nối liền hai đầu nam - bắc, không bao giờ dừng lại bất kể thời gian.

Duy Hiệu - Thạch Thảo

Bạn có thể quan tâm