Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển

Nhu cầu mua sắm và đi lại của người dân trong mùa lễ hội đầu năm đã thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Người Trung Quốc mang theo đồ đạc và hành lý để về quê đón Tết. Ảnh: AFP

Người tiêu dùng Trung Quốc, trụ cột của sức mạnh trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang tăng cường chi tiêu khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang tới gần.

Theo Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, các loại phương tiện giao thông như tàu, xe hay máy bay sẽ phục vụ cho khoảng 2,91 tỷ lượt khách trong suốt mùa lễ hội, tăng 3,6% so với năm ngoái. Khoảng 6 triệu người sẽ ra nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần. Các nhà hàng và nhà bán lẻ có thể thu về hơn 100 tỷ USD. Tình trạng này giúp tái cân bằng nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và sản xuất tăng trưởng, thổi nguồn sinh khí mới vào các ngành công nghiệp như du lịch, y tế, giáo dục và giải trí.

“Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Trước bối cảnh điều kiện sống và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải được cải thiện, người Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với các loại hình dịch vụ và đi du lịch nhiều hơn”, Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế về khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis SA ở Hong Kong, viết trong một báo cáo.

Theo Bloomberg, hiện tại, dân số Trung Quốc là 1,37 tỷ người. Họ sẽ chi tiêu vào mọi mặt hàng, từ xăng dầu đến những món quà. Trung bình, mỗi người Trung Quốc sẽ có 2,1 chuyến đi trong mùa lễ hội, kéo dài từ ngày 24/1 đến 4/3.

Trang web du lịch Ctrip.com dự kiến, khoảng 6 triệu lượt người Trung Quốc ra nước ngoài trong tuần tới. Những điểm đến hàng đầu là Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chen Xing Dong, chuyên gia kinh tế tại BNP Paribas SA ở thủ đô Bắc Kinh, cho biết, du lịch địa phương không đáp ứng đủ. Nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tăng. Vì vậy, nâng cấp là cần thiết. Những yếu tố đó sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các cuộc hội họp và đoàn tụ gia đình cũng khiến người dân phải tăng chi tiêu vào các loại hình như quà, tiệc chiêu đãi hay xem phim. Phía nhà hàng và doanh nghiệp bán lẻ cho hay, năm ngoái, doanh số bán hàng của họ trong dịp Tết là 678 tỷ nhân dân tệ (103 tỷ USD), tăng 11% so với năm 2014. Trong đó, các phòng vé thu về 900 triệu nhân dân tệ (136,8 triệu USD).

Một công ty nghiên cứu ngành công nghiệp giải trí tại Bắc Kinh tiết lộ, thậm chí triển vọng năm nay còn tốt hơn nhờ những bộ phim bom tấn như Kung Fu Panda 3, thu về 338 triệu nhân dân tệ (51,4 triệu USD) trong 3 ngày đầu tiên ra rạp. EntGroup Inc. Cinemas tăng 47% doanh thu trong tháng 1.

Trong khi đó, Alibaba Group Holding Ltd thu về 2,1 tỷ nhân dân tệ (319,3 triệu USD) vào cuối tháng 1. Siêu thị trực tuyến này bày bán một loạt mặt hàng và quà tặng cho dịp Tết, từ xúc xích hun khói tới tủ lạnh. 

Theo công ty có trụ sở tại Hàng Châu, những người tiêu dùng sinh sau năm 1980 chiếm 81% trong số các khách hàng. Nhu cầu mua quần áo của họ chiếm 36% trong khi nhu cầu về thực phẩm là 15%. Ngoài ra, thanh niên thành thị ưa chuộng các sản phẩm kỹ thuật số trong khi người lao động nhập cư lại thích mua đồ gia dụng cho gia đình ở nông thôn.

Bên cạnh đó, ngày Tết gần kề, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới hoạt động giao thông. Tuyết ở miền bắc Trung Quốc là nguyên nhân của sự chậm trễ trên mạng lưới đường sắt của nước này trong tuần qua, khiến khoảng 100.000 hành khách mắc kẹt tại nhà ga thành phố Quảng Châu vào hôm 1/2. 

Gian nan hành trình về quê ăn Tết ở Trung Quốc

Khó khăn kiếm được tấm vé, thế nhưng, ngay cả khi mua được vé, không ai có thể đảm bảo rằng các hành khách có thể về nhà đúng thời gian.

100.000 người Trung Quốc chen lấn ở ga tàu chờ về quê ăn Tết

Khoảng 100.000 người Trung Quốc bị mắc kẹt ở ga tàu lửa Quảng Châu do tình trạng tuyết rơi dày khiến các chuyến tàu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến lịch trình tàu chạy.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm