Mồng năm Tết, ngày đậm mùi xuân! Ngày thắm vẻ xuân. Ngày sáng sủa tươi tắn, xinh đẹp của tuổi xuân! Cũng là ngày đáng kỷ niệm đời đời của mùa xuân Nam Việt.
Bữa nay, trời xuân ấm, gió xuân êm, bông xuân cười! Tại Đống Đa ở ấp Thái Hà, tỉnh Hà Đông, chen chúc xe đạp, xe kéo, xe hơi, sặc sỡ trộn màu áo hàng áo tân thời, bộ đồ ta, bộ đồ tây thiệt mốt, ngạt ngào hơi phấn, hơi nước bông... Cái xuân của các bạn nam nữ thanh niên dường như đánh bạt con ma “Khủng hoảng” không cho đeo đuổi.
Lũ năm, lũ bảy khúc khích nô đùa... Cái nụ cười xuân trên những cặp môi xuân kia có lẽ làm cho mấy bông thủy tiên hoặc những đóa hoa đào đến phải tủi hờn vì kém tươi, thua thắm.
- Những ai đó?
- Gái lịch, trai thanh.
- Đi đâu?
- Xem giỗ trận!
- Trận nào?
- Chúng tôi không biết!
- Thế còn mấy anh, mấy chị khác?
- Chúng tôi nhớ mờ mờ!
- Thì được, để tôi kể lại cho nghe...
Mạnh thay lòng tự tin! Hăng hái thay sức phấn đấu! Con nhà võ ta có phải “xoàng” đâu! Có giặc Mông Cổ? Trần Quốc Tuấn can đảm nói: “Chặt đầu tôi trước, rồi hãy bàn chuyện xuống hàng”.
Có giặc Minh? Lê Lợi khẳng khái nói tài trai ở đời, phải gỡ nạn lớn, lập công to, chớ sao chịu để người Minh sai khiến! Nay (ngày 21/11/1788), như hổ đói, như sói tham, hai mươi vạn giặc Mãn ầm ầm kéo đến chực chà nát cỏ hoa nước Việt!
Chiến công mùa xuân năm 1789 được tái hiện tại lễ hội gò Đống Đa. Ảnh: Khánh Huyền. |
Đứng trước cảnh nghiêm trọng, hiểm nghèo đó, làm thế nào đây? Ai sẽ thốt được những lời mạnh mẽ, hào hùng như cụ Trần, cụ Lê hả? Xuống hàng chăng? Cắt đất để lót chăng? Không! Quyết không! đã có Quang Trung. Nguyễn Huệ! Lòng can đảm, chỉ quả quyết làm cho ông mỉm cười, bảo Nguyễn Văn Tuyết:
- Vẻ chi các anh sợ hoảng vậy! Giặc Thanh chúng nó chỉ đến mua lấy cái chết thôi.
Ngay bữa 25/11/1788, sau khi lên ngai hoàng đế, Quang Trung dẫn đầu đại binh, từ Phú Xuân (Huế) lập tức kéo ra Bắc Hà (Bắc Kỳ), quyết ăn thua với Tôn Sĩ Nghị, tướng giặc Mãn.
Ngày 29, đi tới Nghệ An, Quang Trung sai Hố Hỗ Hầu (?) lựa những dân khỏe mạnh ở Nghệ, lấy thêm vào ngạch lính, đặt làm trung quân. Còn binh cũ ở Thuận Quảng thì chia làm bốn doanh: Tiền, hậu, tả, hữu. Kể cả lính cũ lẫn mới, cộng được mười vạn.
Dưới bóng cờ chủ soái, Quang Trung bận binh phục, cưỡi voi trắng, dự lễ điểm duyệt quân lính. Rồi, trước những gươm trần sáng quắc, áo giáp tươi mới, Quang Trung cất giọng oai nghiêm, dõng dạc sang sảng diễn thuyết cho tướng sĩ nghe:
Hiện nay giặc Thanh đương chiếm Thăng Long (Hà Nội), các người đã hay tin chăng há?
Từ khi có trời có đất, Nam, Bắc mỗi đàng vẫn riêng một non sông. Từ nhà Hán sập đi, người Tàu thường hay xâm chiếm nước ta, vơ vét tiền tài coi nhân dân như cá thịt! Gặp nông nỗi ấy, ai cũng muốn vùng dậy mà đánh đuổi đi! Quật lại Hán, có Trưng Nữ Vương! Chọi với Tống, có Lê Đại Hành! Đánh Nguyên, có Trần Hưng Đạo! Đuổi Minh có Lê Thái Tổ!
Các cụ không chịu bó tay ngồi nhìn những quân tàn bạo, nên phải thuận lòng người, kéo cờ nghĩa, vất vả mới mở mặt được non sông. Trong những khi ấy, Nam, Bắc đâu lại ở đó, bờ cõi được yên ổn, vận nước càng lâu dài. Từ Đinh đến nay, chúng ta không phải chịu cái khổ nội thuộc nước Tàu nữa. Đấy, anh em coi lợi, hại, được, thua, chuyện cũ sờ sờ là thế.
Không soi gương Tống, Nguyên, Minh, nay người Thanh lại sang chực lấy nước ta đặt làm quận huyện! Vậy, ta phải ra tay quét sạch chông gai để cứu dân cứu nước. Các ngươi, hạng người có huyết khí, có tài năng, cần phải theo ta chung lưng, đấu cật, hiệp sức để làm cho trọn việc lớn.
Đừng nên giở thói điêu ngoa, tráo trở như gươm hai đầu, giáo hai lưỡi! Hễ mưu gian vỡ lở ra, tức thì ta phải thẳng tay trị tội, không tha.
Khi kéo quân đến núi Tam Điệp (Thanh Hóa), Quang Trung có nói với bọn Ngô Văn Sở.
- Nay ta thân đi cầm quân, đánh giữ ra sao, đã có phương lược định sẵn.
Chỉ trong mười ngày, ta sẽ đuổi được sạch giặc Thanh thôi!
Trong mười ngày! Chương trình đánh giặc của Quang Trung sao mà nhanh chóng đến thế? Lời đó đúng chăng? Ta phải đợi đến tháng giêng năm sau (1789) thời gian mới trả lời cho ta rõ.
Tết đến nơi rồi. Theo thói quen xưa nay, từ 20 tháng chạp trở đi, dân ta thường bận rộn về sự lo Tết, chạy Tết, sắm Tết. Bỗng đâu, tiếng pháo sớm đến chào mừng con nhà binh trước Tết mười ngày.
Kìa, muôn mắt đổ dồn chăm ngó vào một Quang Trung, ai nấy lòng nghe lời ông hiểu dụ:
- Bữa nay, ta cùng anh em hãy ăn Tết Nguyên đán trước. Đến hôm trừ tịch (30 Tết) này, ta sẽ cất quân. Anh em nhớ đây, qua đầu xuân sang năm, ta sẽ vào thành Thăng Long, ăn tiệc Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng).
Chén rượu trước Tết càng làm hăng máu ba quân. Cái khí tươi mới của hạng người như răng nanh, móng vuốt bấy giờ chỉ chực nuốt sống kẻ nghịch.
Tan tiệc, Quang Trung lập tức cắt đặt công việc: Trung quân cho thuộc ngự doanh để nghe mang lệnh sai khiến. Làm tiền phương, Đại Tư Mã Sở và Nội Hầu Lân coi quản đội tiền quân. Hố Hỗ Hầu (?) chỉ huy hậu quân, đóng vai đốc chiến.
Đại đô đốc Lộc, đô đốc Tuyết cầm đầu tả quân, kiêm coi quân thủy, vượt biển vào sông Lục Đầu; Tuyết thì ở lại Hải Dương, giữ việc kinh lược, làm quân chặn đón mặt Đông.
Lộc thì đi gấp lên vùng Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Thế để chặn lối quân Thanh chạy về. Đại đô đốc Bảo và đô đốc Long làm tướng hữu quân, coi giữ đội voi, ngựa, Long thì vụt ra huyện Chương Đức (thuộc Hà Đông), rồi kéo thẳng ra làng Nhân Mục (thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông) để đánh đồn quân Điền Châu của người Thanh.
Bảo thì thúc đội quân có voi, từ huyện Sơn Minh (thuộc Hà Đông) đổ ra làng Đại Áng (thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông) làm ứng binh cho cánh quân hữu.
Sắp đặt đâu đấy, tướng sĩ năm doanh (trung, tiền, hậu, tả, hữu) đều vâng theo mạng lệnh của chủ soái Quang Trung, người có tướng tài và khéo ăn ở với quân lính như “chú cai con” Bonaparte!
Bông đào đỏ, vôi bột trắng phau, cây nêu, nghễu nghện đứng giữa sân, dường tự hào được mừng đón xuân mới. Song, giữa cảnh tất niên vui vẻ đó, vội xen vào những tiếng chinh phụ tiễn đưa làm bủn rủn tâm hồn chiến sĩ.
Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,
Bước đi một bước giây lại ngừng!
Thôi, nàng về nuôi cái, nuôi con, để anh đi trẩy... 11.000 tân binh ở Nghệ, vì nghĩa vụ kêu gọi và chí tang bồng thúc giục, vội gác tình nhi nữ, từ giã vợ con yêu quý, hiệp cùng thân binh Thuận, Quảng, nghe theo lệnh cờ, hiệu trống của Quang Trung, thẳng ra Bắc Hà, giữa ngày ba mươi Tết!