Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày vẻ vang trong sử Việt

Cỏ hoa thành Thăng Long được đón mừng khách thắng trận. Hát bài khải ca, binh sĩ vào thành hưởng xuân oanh liệt.

Khi quân Tây Sơn vừa qua sông Gián Thủy (thuộc tỉnh Ninh Bình), Hoàng Phùng Nghĩa, cựu tướng nhà Lê, do Sĩ Nghị sai đóng giữ ở Sơn Nam (nay là Nam Định), chưa kịp giao phương, đã vội bể tan, chạy mãi về miền Thanh Quyết Giang, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thế rồi sợ oai, bọn quân do thám của Thanh cũng cúp đuôi chạy.

Muốn cắt đứt tin thông về Thăng Long, Quang Trung thúc quân rượt đến Phú Xuyên (thuộc Hà Đông) thì bắt sống được hết quân do thám đó. Tin tức bị chặn cả, thành thử giặc Thanh đóng ở Hà Nội và Ngọc Hồi vẫn cứ rượu xuân say khướt, bánh chưng ních no nê, mơ màng trong nghìn lớp mây mù, chẳng hay chi về tin quân hết!

Quang Trung hành binh rất nhanh chóng. Cái cớ đánh thắng phe địch, cũng là do đó một phần. Vụt đến như bay, làm cho quân giặc không kịp trở mình, cho nên bên Thanh dầu đặt đồn, lập lũy đằng giăng từ cửa ô Hà Nội đến Hà Hồi, dẫu chia khoảng từ đồn nọ tới đồn kia mà đặt súng đại bác, dẫu chôn địa lôi ở ngoài trại quân, phòng giữ cẩn mật, chắc chắn mấy đi nữa, cũng không thể chọi nổi với một nhà thiên tài quân sự.

Đêm mùng ba Tết, cái đêm ấm áp, êm đềm, vui thú của tiết xuân mới, song là cái đêm đau đớn, sợ hãi của giặc Thanh đóng ở Hà Hồi!

Ủa! Trong đám binh mã mập mờ giữa nửa đêm hôm đó, vang dậy tiếng loa kêu, nhiều giọng thay đổi ứng đáp, nghe ra dường như hàng vài vạn tiếng người... Cái mưu “làm ít hóa nhiều” đó của Quang Trung đã khiến cho quân đồn Hà Hồi càng thêm kinh khiếp, lục đục trong vòng bị vây kín mít.

- Kìa, giặc Thanh trong đồn đó đã kéo cờ hàng, sau một cơn cuống cuồng sợ hãi, tan hoang!

Thế là, không đợi phải đánh, Quang Trung đã chiếm được đồn Hà Hồi, lấy được hết sạch quân nhu và khí giới của giặc Mãn. Trận đầu được thắng lợi!

“Năm mới khỏi xui” Quang Trung làm việc sao mà mau mắn, dễ dàng đến thế!

Go Dong Da anh 1

Tái hiện cảnh Quang Trung gửi cành đào báo tin chiến thắng tới công chúa Ngọc Hân tại lễ hội gò Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Trang.

Qua bữa sau, tức ngày mùng năm, tháng giêng, năm 1789, trời còn mờ mờ, Quang Trung đã vùng dậy, xắn tay áo, chính mình ra trận, thúc quân tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Ông truyền lựa lấy hơn một trăm voi khỏe, cho bầy “sù sụ” đó tiến lên trước. Thấy voi, ngựa bên quân Thanh sợ quýnh, rống ầm lên, lồng chạy tán loạn!

Lâm cơn gấp rút, quân Thanh giày đạp lẫn nhau, không ai còn kịp cứu giúp được ai nữa! Rồi đó, chúng lui vào trong, ráng sức giữ lấy lũy. Bốn mặt ngoài lũy đều cắm chông sắt? Mặc! Súng ở trong đồn bắn ra như mưa? Mặc! Quang Trung cứ thúc quân đánh...

Thình lình quân Thanh, nhân dịp gió bắc, nhen lửa đốt những ống có thuốc súng, để cho khói tỏa mù mịt làm loạn mắt quân ta. Song, may quá! sau đó một chập trời xoay gió nồm luồn khói lại tạt cả về bên phe địch. Gặp được dịp tốt, Quang Trung liền sai quân lính làm theo đều cả một lượt, tay mặt mang ván gỗ, tay trái cắp một bó rơm, ván để đỡ đạn, còn rơm thì để che phủ mũi chông...

Rồi, một tiếng hô lớn, toán lính có ván và rơm đó lăn vào trước, theo sau có đội quân cứng mạnh công vào... cứ xông vào [...].

Đánh giáp lá cà, quân ta quăng ngay ván gỗ đi, lanh lẹ tuốt gươm sáng quắc [...] Quân Thanh không sao địch nổi. Võ tan, té nhào giày đạp nhau. Chết, bị thương không biết bao nhiều mà kể!

Kết cuộc trận đó bên Thanh thiệt hại rất nhiều đại tướng: Hứa Thế Hanh, đề đốc, Trương Sĩ Long, tiền phương và Thượng Duy Thăng, tả dực, đều bỏ xác nơi chiến trường.

Nhân thế thắng, một viên tướng Tây Sơn thúc quân rượt theo để bắt Sầm Nghi Đống, tướng Thanh. Khi đến Đống Đa, quân ta bổ vây kín mít và đánh rất dữ. Hơi sức đã kiệt, lại không có viện binh tiếp cứu, Nghi Đống đành phải cùng vài trăm tên thân binh đều tự sát ở đó cả, làm cho hả dạ quân ta!

Có lẽ, về sau, những khách trú ở Hà Nội thương xót Nghi Đống nên có lập một đền gọi là Miếu Sầm Công, đều do điển tích cái chết của Sầm Nghi Đống này chăng?

[...]

Nay đã là mùng 5 rồi! Cỏ hoa thành Thăng Long được đón mừng khách thắng trận. Nói sao, làm vậy, Quang Trung giá có đánh cuộc với ai, chắc hẳn được rồi. Ông thiệt không phụ những lời đã hẹn trước với quân sĩ từ bữa 20 tháng chạp năm ngoái (1788). [...]

Tại sao Quang Trung vào Thăng Long được nhanh chóng và dễ dàng như vậy? Ấy bởi, khi ông đang đánh quân Thanh ở Ngọc Hồi, đô đốc Long kéo quân đi từ lúc tinh sương, do đường làng Nhân Mục ập lên Khương Thượng, đánh trại quân Sầm Nghi Đống đương đóng giữ ở đó. Nghi Đống thua chạy, rồi chết ở Đống Đa. Long đem quân vào ngay Thăng Long, kéo cờ Tây Sơn dưới bóng xuân tươi mới.

Rượu Tết cạn rồi! Máu tham lam, tính ngông cuồng liền ép [Tôn Sĩ] Nghị phải dốc chén cay đắng. Bữa mùng bốn, Nghị mới thấy lính đồn Ngọc Hồi chạy đến cáo cấp. Tin đầu sét đánh, làm Nghị bủn rủn cả người. Kế đó, Nghị lại tiếp luôn được tin đồn Hà Hồi đã bị Tây Sơn đánh úp. Luống cuống sợ hãi, Nghị vội sai Dương Hùng Nghiệp đem quân đi tiếp cứu.

Đêm mùng bốn đó, về phía Tây Bắc ngoài thành Thăng Long, súng nổ đùng đùng không dứt tiếng... Nghị vội sai lính tẩu mã chạy đi dò xét, té ra đồn Điền Châu Khương Thượng đã bể. Quân ta đà kéo vào cửa ô.

Ủa kìa! Sát khí phừng phừng! Khói lửa ngùn ngụt bốc, sáng rực cả một góc trời. Sợ sệt rụng rời, không kịp đóng yên ngựa, Nghị vội đem vài tên kị binh, vượt qua cầu phao sông Nhị, chạy trước về mạn bắc.

Chạy! Chạy! Tướng sĩ các doanh bên giặc Thanh xô đẩy nhau chạy! Không chịu nổi trọng lượng, cầu sông Nhị gãy... Hàng vạn quân Thanh bỗng chốc phải làm “ma trôi” trong Hồng Hà.

Sĩ Nghị chạy đến địa phận huyện Phượng Nhân (thuộc Hà Đông), nghe nói Đắc Lộc Hầu (?) bên Tây Sơn sắp sửa đỗ lại từ mặt Đông để đón đánh, Nghị càng khiếp sợ, quăng hết những đồ mang theo ra dọc đường để chạy lấy thoát thân. Vì vậy, hết thảy sắc thư, cờ hiệu và con dấu cầm quân đều bị Tây Sơn lượm được ráo.

Thấy Nghị thua chạy, đạo binh Vân, Quý vừa đến Sơn Tây phải vội tìm đường tháo về.

Đã mục kích chiếc thân "hèn nhát của chủ" Sĩ Nghị bại trận, lại phong văn Tây Sơn sắp kéo sang giết cho tuyệt giống “Mãn Châu” sau khi đã rước đến Lạng Sơn rồi, người Thanh lại càng bàng hoàng, bối rối. Trong khoảng vài trăm dặm, hơi khói vắng tanh, vẽ thành bức tranh tiêu điều hiu quạnh.

Hát bài khải ca Quang Trung vào thành Thăng Long hưởng cái xuân "oanh liệt". Có thể tự hào, ông nói: “Núi Nùng ơi! Sông Nhị ơi! Cỏ xuân, hoa xuân trong chốn cố đô này ơi! Chính ta đã lấy giọt máu đào mà rảy khắp các ngươi đó. Một trận huyết chiến của ta thiệt đã nâng các người lên cái địa vị cao quý”.

Hoa Bằng / Tri thức Trẻ Book và NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.