Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết Đoan ngọ thời Nguyễn: Nha, sở được nghỉ mấy ngày?

Ngay trong chính tiết Đoan ngọ, ở đại điện Thái Hòa, hoàng thân và trăm quan đứng ở sân điện dâng biểu chúc mừng; các quan địa phương ở ngoài đều theo ban đứng chầu ở hành cung.

Các quan chầu ở sân điện Cần Chánh.

Tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian của một số nước Á Đông, Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là một trong những ngày Tết quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam.

Nhà vua quyết định thời gian nghỉ và những nghi lễ cần thực hiện

Về nguồn gốc, ngoài sự tích Khuất Nguyên của Trung Quốc thì ở mỗi quốc gia đều có cách giải thích khác nhau, nhưng điểm chung là gắn liền với sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tet Doan Ngo anh 1

Đoàn của vua Bảo Đại trong một ngày lễ Tết. Ảnh tư liệu.

Vì Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, ngọ: giữa trưa); còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu khí dương đang thịnh (Theo sách Hội hè lễ tết của người Việt của Nguyễn Văn Huyên: Đoan ngọ cũng có thể hiểu là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm).

Ở Việt Nam, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn được gọi là Tết giết sâu bọ để tưởng nhớ đến việc ông lão Đôi Truân giúp dân chúng trị sâu bọ.

Dưới triều Nguyễn, tiết Đoan dương cùng với Nguyên đán, Vạn thọ là ba tiết lớn nhất trong năm. Vì vậy, các vua sẽ ấn định thời gian nghỉ Tết và những nghi lễ cần thực hiện.

Tùy theo tính chất công việc, thời gian nghỉ Tết Đoan ngọ đối với các nha, sở sẽ được quy định khác nhau. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 67, mặt khắc 5, cho biết vào thời vua Minh Mệnh thì trước Tết Đoan dương một ngày, sắc cho những công tác thổ mộc ở kinh nghỉ việc 2 ngày (mùng 4 và mồng 5); những công sở Nội tạo, Nội vụ, Vũ khố nghỉ việc 1 ngày (mùng 5). Còn dưới thời vua Tự Đức thì các sở thợ ở Kinh chỉ được nghỉ duy nhất một ngày là mùng 5.

Các nghi lễ thực hiện ở trong kinh, ngoài thành, dinh, trấn cũng được quy định cụ thể với các mức kinh phí khác nhau.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 27, mặt khắc 3 cho biết, năm 1805, vua Gia Long ban hành quy định về việc tổ chức các ngày lễ trong năm ở các thành, dinh, trấn như sau:

Ở miếu cũ Gia Định, 2 lễ Nguyên đán và Đoan dương mỗi năm chi tiền hơn 48 quan. Ở Gia Định và Bắc Thành, lễ duyệt binh đầu năm đều được chi tiền 100 quan; ở Hành cung 3 lễ là Nguyên Đán, Vạn Thọ, Đoan Dương, mỗi lễ, mỗi thành đều chi tiền hơn 125 quan, các dinh, trấn thì đều chi tiền hơn 26 quan; duy 6 ngoại trấn ở Bắc Thành thì đều chi tiền 20 quan; lễ Tạ trường thì đều chi tiền hơn 12 quan.

Về các loại vật phẩm dùng để cúng cho ngày Tết Đoan ngọ thường là vật phẩm từ các địa phương dâng tiến, Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 44, mặt khắc 14 cho biết, năm Gia Long thứ 11 (1812) vua định lệ Bắc Thành hàng năm tiến cam ngọt 4.500 quả, vải 4.200 quả, để cúng các lễ Nguyên Đán và tế hưởng Xuân, Hạ, Đông; Quảng Nam hàng năm tiến 2.200 quả loòng boong; Bình Định hàng năm tiến 1.000 quả xoài lớn (xoài tượng) để cúng Tết Đoan dương và các ngày kỵ.

Năm 1835, tỉnh Phú Yên dâng 1.000 quả xoài tượng cho ngày Tết Đoan dương nhưng buổi chiều mới đến không kịp dâng tiến, vua Minh Mạng đã phạt quan tỉnh 3 tháng lương.

Tet Doan Ngo anh 2

Bản dập sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 67, mặt khắc 5

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Về treo cờ ngày Đoan dương, vua Minh Mạng cho định lệ treo cờ ở kỳ đài và cho chế bản nhạc để tế ở các miếu. Theo đó, hàng năm ở kinh thành, vào các tiết Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương cùng ngày mùng 1, ngày Rằm lúc đại giá ra vào, đều treo cờ lớn bằng trừu lông sắc vàng; ngày thường thì treo cờ nhỏ bằng vải vàng.

Nếu gặp ngày mưa gió to cùng ngày kỵ thì miễn treo. Các thành, dinh, trấn, đạo, phủ, huyện, các đài Trấn Hải, Điện Hải, Định Hải, gặp các tiết lớn cùng khi xa giá đi tuần đến, đều treo cờ lớn bằng trừu nam sắc vàng.

Về phần nhạc, khi rước thần thì tấu bài Hàm hòa, tuần rượu đầu (sơ hiến) tấu bài Thọ hòa (sau đổi làm Tường hòa), tuần rượu thứ hai (á hiến) tấu bài Dự hòa, tuần rượu sau cùng (chung hiến) tấu bài Ninh hòa, từ tạ thần thì tấu bài An hòa, lễ xong thì tấu bài Ung hòa.

Ban yến cho quần thần và sứ thần các nước

Ngày Tết Đoan ngọ, các vua ngự mũ cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc cúng ở Thái Miếu hoặc Thế Miếu, rồi sau đó thay thường phục đến chầu cung Từ Thọ làm lễ để tỏ lòng thành của một người con.

Ngay trong ngày chính tiết, ở đại điện Thái Hòa, hoàng thân và trăm quan đứng ở sân điện dâng biểu chúc mừng; các quan địa phương ở ngoài đều theo ban đứng chầu ở hành cung. Tuy nhiên vào ngày Tết Đoan Dương năm 1841, vì quốc tang nên Vua Thiệu trị cho bãi miễn việc dâng biểu mừng, bắn súng và đứng chầu theo ban.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 57, mặt khắc 2 cho biết, Tết Đoan dương năm 1846, vua cùng các quan đến chầu ở cung Từ Thọ. Khi làm lễ xong, vua ngự điện Thái Hòa, nhận lễ mừng, ban cho hoàng tử, hoàng tôn, hoàng thân, văn từ chánh ngũ phẩm, võ từ chánh tứ phẩm trở lên, ăn yến ở điện Cần Chính và hành lang 2 bên tả hữu.

Tet Doan Ngo anh 3

Các quan dự tiệc tại điện Cần Chánh. Ảnh tư liệu.

Con các thân phiên công đã phong đình hầu cùng là văn tòng ngũ phẩm, võ tòng tứ phẩm, cùng các viên được điểm vào chầu và các viên giải nộp vật hạng; hoặc diễn tập ở Kinh đều được dự.

Sứ thần nước ngoài, thổ ty các hạt cũng cho ăn yến ở viện Đãi lậu bên tả. Gia thưởng cho sứ thần 2 nước Thủy xá, Hỏa xá là Sơn Thí, Kiệu Mộc, và thổ ty Trấn Tây là bọn Mộc Tức: Các thứ chè, hoa quả, quạt, khăn tay...

Tóm lại, từ những tư liệu trình bày trên, chúng ta có thể thấy sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Nguyễn dành cho ngày Tết Đoan ngọ. Qua đây, có thể hiểu thêm được phần nào ý nghĩa của ngày Tết này trong tâm thức của người Việt Nam.

Vì sao có phong tục 'Giết sâu bọ' trong Tết Đoan ngọ

Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Diệt sâu bọ là một ngày lễ tết quan trọng trong truyền thống của người Việt Nam, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.

Truyền thống ăn Tết Đoan ngọ ở các vùng khác nhau thế nào

Trong Tết Đoan ngọ, ngoài những món ăn phổ biến như cơm rượu nếp, hoa quả, thịt vịt thì ở một số vùng gần sông nước còn có tục đi tắm sông vào đúng 12 giờ trưa để loại bỏ bệnh tật.

Tết Đoan ngọ trong nỗi nhớ quê

Trước ngày Tết đặc biệt này, lũ trẻ chúng tôi háo hức không yên. Bởi đó là ngày cảm nhận được sự hạnh phúc và đủ đầy hiếm có trong một năm.

Tiem thuc - Chat ket noi giua Suy nghi va Hanh dong hinh anh

Tiềm thức - Chất kết nối giữa Suy nghĩ và Hành động

0

Bạn có thể cấy vào tiềm thức bất cứ kế hoạch, ý tưởng hay mục đích nào mà bản thân khát khao muốn biến thành các giá trị vật chất. Khi khát khao đó kết hợp với cảm xúc và niềm tin sẽ trở thành những khao khát mạnh mẽ nhất. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Việt Tú - Hoàng Phượng

Bạn có thể quan tâm