Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết ấm no trên Đồng Chó Ngáp

Cỏ năn mọc ngang ngực, đất nhiễm phèn mặn nên Đồng Chó Ngáp ở Bạc Liêu từng là “cánh đồng chết”. Quê hương nghèo giờ thay da đổi thịt, Tết ấm no đến với mọi nhà.

Người dân huyện Phước Long và một phần của huyện Hồng Dân, Giá Rai (Bạc Liêu) đón giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi rất sớm vì 22h30 đêm 18/2 pháo hoa đã rực sáng trên bầu trời ven kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. 

Hàng chục nghìn người ở Đồng Chó Ngáp đổ xô về trung tâm thị trấn Phước Long đêm qua để ngắm pháo hoa. Nhiều bạn trẻ trao nhau những nụ hôn hạnh phúc trên chiếc cầu vừa xây xong, nối liền con kênh xuyên miền Tây từ Cà Mau đến Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang.

1
Ông Sử kể lại lại ký ức Đồng Chó Ngáp và vết tích chiến tranh để lại trong vườn dừa.

Bên tách trà đầu năm, "nhân chứng sống" Nguyễn Văn Sử (60 tuổi, ngụ xã Phước Long) kể về bao biến đổi của cánh đồng mọc đầy cỏ năn thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Minh Hải cũ), nay được tách ra hai huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu). Theo ông Sử, trước năm 1975, từ phía sau nhà ông băng qua Cỏ Thum, Nhà Lầu của huyện Hồng Dân năn mọc bạt ngàn hơn 10 km.

"Đồng khô chó chạy suốt ngày không hết, mệt đứt hơi phải "ngáp" ngắn dài nên cái tên đồng Chó Ngáp ra đời. Ruộng mọc đầy năn, nông dân không làm lúa được mà chỉ nuôi trâu. Đến mùa khô năn ngã rạp tạo thành một lớp 'thảm' dày nửa thước. Bộ đội ra ruộng chui vào năn ngủ để tránh địch rất hiệu quả", ông Sử nhớ lại.

Đầu năm 1963, quân cách mạng vào vườn dừa nhà ông Sử để bàn thảo kế hoạch đánh địch. Bên kia sông, giặc nã đạn xối xả về hướng Đồng Chó Ngáp làm nhà của nông dân này tan hoang. Hàng chục cây dừa trên 70 tuổi hiện vẫn còn in rõ dấu tích của chiến tranh vì trúng đạn loang lổ.

Chiến tranh qua đi, Nhà nước đưa cơ giới vào ruộng để xẻ kênh từ Đồng Chó Ngáp xuyên đến vùng miệt thứ của tỉnh Kiên Giang. Những con kênh này cách nhau một cây số có nhiệm vụ "xổ phèn" cho cả vùng. Lúc đó nông dân bắt đầu đào liếp trồng khóm, trúc bán lấy tiền cất nhà, nuôi con ăn học, góp phần xây dựng nông thôn mới.

2
Bàn thờ Tổ quốc trước nhà dân vùng Đồng Chó Ngáp mỗi khi Tết đến.

Cách nay 30 năm, nước mặn về Đồng Chó Ngáp khiến năn không mọc nổi. Vài nông dân đánh cược với cuộc sống bằng cách phá bờ đưa nước mặn vào đồng nuôi tôm sú mang lại hiệu quả cao.

Tám năm trước, nhiều người đưa xe cuốc, xe ủi san bằng những liếp khóm, trúc ngày nào để trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua. Nhiều căn nhà tường trị giá hàng trăm triệu đồng mọc lên giữa Đồng Chó Ngáp cho thấy quê nghèo thật sự thay da đổi thịt.

Anh Lê Văn Nhỏ (39 tuổi, ngụ ấp Thọ Hậu, xã Phước Long) làm 32 công ruộng, trước Tết vài ngày thu hoạch được hơn 1.900 giạ lúa, tương đương 38 tấn. Giá lúa năm nay tuy thấp hơn năm trước (4.400 đồng/kg), trừ chi phí anh Nhỏ lãi khoảng 80 triệu đồng.

"Dưới ruộng lúa tôi nuôi tôm sú, lãi hơn 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 5 gia đình trúng tôm, lúa liên tiếp", anh Nhỏ nói và cho biết Tết này gia đình sum vầy bên căn nhà tường trị giá hơn 700 triệu đồng mới xây.

Trúng mùa tôm, lúa, đa số nông dân Đồng Chó Ngáp nhộn nhịp đón Tết. Nhiều gia đình được chính quyền địa phương khuyến khích lập bàn thờ Tổ quốc trước nhà với ảnh Hồ Chủ tịch trang trọng. 

Trưởng ấp Phước Thạnh, xã Phước Long - ông Dương Văn Núi cho biết địa phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Có gần 70% hộ dân nhà khang trang, lập bàn thờ Tổ quốc trước hiên để mọi người du xuân thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ.

3
Anh Út Nhỏ trúng tôm, lúa liên tiếp 5 năm, xây nhà tường khang trang ở Đồng Chó Ngáp.

Trò chuyện cùng phóng viên, ông Dương Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Long cho biết ngoài tôm - lúa, cá - cua kết hợp cũng được chọn làm mô hình thoát nghèo, làm giàu bền vững. 5 năm trước, Phước Long có đến hơn 14% hộ nghèo, nay chỉ còn 4,7%.

"Toàn xã có đến 4.700 ha lúa kết hợp nuôi tôm. Năng suất bình quân của lúa đạt 5,5-6 tấn/ha, tôm khoảng 120 kg/ha, giúp nông dân có điều kiện ăn Tết vui vẻ, ấm no, hạnh phúc", ông Trung nói.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm