Những tiến bộ trong khoa học có được nhờ sự lao động vất vả của các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nhiều bộ óc vĩ đại cần nguồn cảm hứng để làm việc và làm nên những khoảnh khắc quan trọng.
Hầu hết, đó là khao khát kiến thức, nhưng với một số người, cảm hứng lại bắt nguồn từ những sự đối đầu - cuộc đua để được công nhận và thay đổi lịch sử. Dù lý do có thể là gì, những đối thủ này đã thúc đẩy nhau cải thiện bản thân và cuối cùng đã có những đóng góp vô giá cho nhân loại.
Điều thú vị nhất về một số mối thù nổi tiếng có lẽ nằm ở lí do những con người này đối đầu nhau và làm thế nào chúng lại tạo nên sự đột phá khoa học.
Nikola Tesla và Thomas Edison: Kỷ nguyên của điện
Hai thiên tài này đã mở ra kỷ nguyên của các hệ thống điện hiện đại và sở hữu hơn 2.000 bằng sáng chế. Tesla từng làm việc cho Edison khi còn trẻ, nhưng ông ra đi bởi không đồng thuận với phương pháp khoa học của Edison.
Cuộc đối đầu của Edison và Tesla đã tạo ra loại điện chúng ta dùng ngày nay. |
Edison được biết tới là một giám đốc điều hành nhiều hơn là kỹ sư. Ông sẽ nhanh chóng tới văn phòng đăng ký bằng sáng chế bất cứ khi nào ông hoặc một nhân viên của mình phát minh ra một cái gì đó.
Trái lại, Tesla thực hiện các phát minh trong tưởng tượng nhờ trí nhớ thấu niệm (khả năng một người có thể nhớ lại hình ảnh với độ chính xác cực cao chỉ trong một thời gian ngắn quan sát).
Lý do chính cho sự bất đồng của họ xuất phát từ việc họ cố gắng thể hiện cái riêng của mình. Edison đã phát triển dòng điện một chiều (DC), trong khi Tesla muốn thúc đẩy dòng điện xoay chiều (AC). Edison công kích AC bằng cách tập trung vào các vấn đề an toàn trong quá trình sử dụng, nhưng bây giờ chúng ta hiểu rằng AC tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều. Tesla đã trở thành tác giả của loại năng lượng điện đang cung cấp cho ngôi nhà của chúng ta.
Các phát minh của Tesla là xương sống của hệ thống điện và truyền thông hiện đại, nhưng tên tuổi của ông lại mờ dần trong thế kỷ 20. Trong khi đó, các di sản của Edison lại được nhắc mãi. Vẫn còn đó các nhà máy và bằng sáng chế của Edison, bao gồm máy chiếu phim và bóng đèn.
Jonas Salk và Albert Sabin: Vắc-xin bại liệt
Hai nhà khoa học lĩnh vực hóa sinh đã tạo ra các phiên bản riêng của thứ họ cho là vắc-xin tốt nhất phòng bệnh bại liệt. Vào năm 1955, bệnh bại liệt là mối lo ngại rất lớn đối với các gia đình trên toàn thế giới. Nó khiến nhiều trẻ em bị liệt và thậm chí trong một số trường hợp còn gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thời điểm đó, sự cạnh tranh giữa 2 nhà khoa học chính là nguyên nhân giúp loại trừ bệnh bại liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Jonas Salk là người đầu tiên phát triển vắc-xin sử dụng một loại virus bại liệt bất hoạt. Hai năm sau Albert Sabin sử dụng một dạng virus sống nhưng đã bị làm yếu.
Cá nhân các nhà khoa học không ngừng tăng cường sức mạnh cho thuốc của mình, vô tình làm cho cuộc chiến chống lại bệnh bại liệt thành công hơn. Ban đầu, vắc-xin của Sabin được sử dụng cho tiêm chủng hàng loạt. Sau đó, nó được thay thế bằng vắc-xin uống của Salk do khả năng lây nhiễm khi tiêm vắc-xin Sabin tương đối lớn.
Isaac Newton và Robert Hooke: Luật hấp dẫn
Robert Hooke là một nhà khoa học đáng kính, người xứng đáng được lịch sử nhắc tới. Nhưng kể từ khi ông có sự cạnh tranh với nhà khoa học nổi tiếng nhất trong lịch sử, Isaac Newton, gần như ông đã bị lãng quên.
Cuộc đối đầu của Newton và Hooke đã góp phần giúp mọi người hiểu về trọng lực. |
Một số người nói rằng Newton đã sử dụng vị trí Chủ tịch Hội Hoàng gia để làm mờ đi những nỗ lực của Hooke, sau khi Hooke chỉ trích các bài báo của Newton về quang học.
Một số người cho rằng Hooke luôn cảm thấy không an toàn và ghen tị với người thông minh hoặc có năng khiếu hơn mình. Theo Hooke, Newton đã đánh cắp ý tưởng về Luật hấp dẫn từ mình và luôn cảm thấy không hài lòng.
Dù thế nào cũng phải thừa nhận rằng đóng góp của Hooke trong việc xác định giá trị của hằng số hấp dẫn và những phát hiện của Newton về Định luật hấp dẫn khi được kết hợp với nhau sẽ tạo thành cơ sở cho sự hiểu biết về trọng lực.
Isaac Newton và Gottfried Leibniz: Vi tích phân
Trong suốt cuộc đời mình, Newton vướng vào rất nhiều cuộc tranh cãi. Ví dụ, ông đã tranh luận về việc ai mới là cha đẻ của vi tích phân trong một cuộc tranh chấp đặc biệt gay gắt với nhà toán học Gottfried Leibniz.
Leibniz chắc chắn là người đầu tiên công bố về vi phân và tích phân, phép tính mà sau đó được sử dụng thường xuyên bởi mọi nhà khoa học. Newton tuyên bố rằng ông đã làm việc tương tự từ trước đó, nhưng đã không xuất bản mà chỉ chú thích nhỏ nó ở mặt sau của một trong những ấn phẩm của ông.
Newton, với tư cách là Chủ tịch Hội Hoàng gia, đã ngăn chặn mọi tuyên bố chống lại thuyết vi tích phân của mình thông qua một ủy ban gồm toàn bạn bè, và thậm chí đã buộc tội Leibniz ‘đạo văn'.
Bởi người ở 2 phe đều có những lập luận có lý về việc phát minh ra phép tính, cuộc tranh cãi này không bao giờ có kết quả. Về sau, Newton và Leibniz đều được ghi nhận với phát minh này. Mọi người đồng ý rằng hai người đã độc lập phát minh ra công cụ toán học không thể thiếu ở châu Âu thế kỷ 17.
Humphry Davy và Michael Faraday: Đóng góp cho điện hóa học
Davy là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ, được trao nhiều danh hiệu. Ông từng được nữ hoàng phong tước. Khi Davy phát minh ra một chiếc đèn cực kỳ hữu ích cho các thợ mỏ, ông đã biến nó thành tài sản công và không hề đăng ký bản quyền cho sáng chế này.
Ông nhận một người học việc vốn là một thợ đóng sách có tên Michael Faraday. Davy là người không bận tâm đến tiền và người học trò Faraday sau đó cũng có chung tư tưởng này.
Dành cả cuộc đời để đối đầu nhưng Davy thừa nhận phát hiện lớn nhất cuộc đời ông là Faraday. |
Trong thời gian làm trợ lý cho Davy, Faraday đã đạt được khám phá lớn nhất về điện từ. Trong thực tế, nghiên cứu của ông tạo thành cơ sở của máy phát điện hiện đại.
Dần dần, sự tỏa sáng của Faraday bắt đầu làm lu mờ công việc của Davy và xung đột bắt đầu ở hai người đàn ông này.
Davy đã sử dụng tầm vóc và tầm ảnh hưởng của mình để tẩy chay những phát minh của học sinh của mình, điều này khiến Faraday càng có thêm động lực tiếp tục với nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực điện hóa học.
Sau này, Davy đã vượt qua được chính mình. Khi Davy được hỏi khám phá vĩ đại nhất của ông là gì? Ông chỉ đơn giản trả lời đó là Michael Faraday.
Trong suốt lịch sử khoa học, một số đột phá lớn đã được đưa ra trong cùng lúc, nhưng bởi các cá nhân khác nhau. Những khối óc lớn thường hội tụ cùng một ý tưởng.