Tàu sân bay Mỹ trở lại khu vực bán đảo Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa hôm 4/10 của Bình Nhưỡng. Ảnh: Yonhap. |
Hôm 6/10, Triều Tiên phóng thêm hai tên lửa tầm ngắn ra biển, nâng tổng số tên lửa nước này đã bắn từ cuối tháng 9 tới nay lên 10 quả.
Một ngày trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở cuộc họp khẩn cấp để bàn về vấn đề chuỗi thử tên lửa của Triều Tiên. Nhưng do Trung Quốc và Nga bất đồng với các nước phương Tây, Hội đồng Bảo an không thể ra tuyên bố hay nghị quyết chung.
Thông qua việc bắn nhiều tên lửa như vậy trong thời gian ngắn, Bình Nhưỡng muốn “thể hiện năng lực của những loại vũ khí nước này đang sản xuất và triển khai hàng loạt”, Hong Min, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Triều Tiên, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nói.
Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đang muốn phô diễn những loại tên lửa đã đạt quy mô sản xuất hàng loạt, thay vì muốn thể hiện mức độ phát triển kỹ thuật của các vũ khí mới trong tay.
Lịch bắn khớp lịch tàu
Triều Tiên đã bắn ít nhất 3 loại tên lửa, theo dữ liệu từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Một tên lửa tầm ngắn được bắn bằng bệ phóng loạt KN-25, vốn được Bình Nhưỡng mô tả là hệ thống “cỡ siêu lớn”. Loại tên lửa này có tầm bắn tối đa 400 km.
Một loại khác là tên lửa đạn đạo KN-23 với tầm bắn tối đa 800 km. Loại thứ ba là tên lửa tầm trung Hwasong-12.
Hôm 23/9, siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ đã tiến vào cảng Busan của Hàn Quốc trước thềm một chuỗi hoạt động tập trận. Sau khi con tàu này xuất hiện, chuỗi ngày thử tên lửa của Triều Tiên cũng bắt đầu.
USS Ronald Reagan của Mỹ neo đậu tại cảng Busan của Hàn Quốc hôm 23/9. Ảnh: Reuters. |
Ngày 25/9, Triều Tiên bắn một quả tên lửa nghi là KN-23 về phía biển Nhật Bản. Quả tên lửa này đã đi hết hành trình 650 km, trong khi khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Busan là khoảng 530 km.
Sau đó, tàu Ronald Reagan đã tiến vào vùng biển quốc tế của biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông Hải), gần bán đảo Triều Tiên. Con tàu này lần lượt tham gia tập trận Mỹ - Hàn trong 4 ngày cho tới hết ngày 29/9 và cuộc diễn tập ba bên Mỹ - Hàn - Nhật vào ngày 30/9.
Trong khoảng thời gian ấy, Triều Tiên bắn 6 quả tên lửa về phía biển Nhật Bản với quãng đường di chuyển từ 300 tới 400 km.
Sau khi kết thúc đợt tập trận, tàu Ronald Reagan rời khỏi vùng biển quốc tế. Triều Tiên đã chọn thời điểm ấy để bắn một tên lửa tầm trung. Quả tên lửa di chuyển 4.600 km trước khi rơi xuống biển Thái Bình Dương.
Lần phóng này thể hiện tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ sẽ được dùng làm nơi tập kết để huy động lực lượng - có thể là lực lượng hạt nhân hoặc lực lượng khác - nếu xảy ra khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên.
Quả tên lửa tầm trung nói trên đã bay qua không phận Nhật Bản, sau khi Tokyo tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ và Hàn Quốc.
Thời điểm Bình Nhưỡng bắn hai quả tên lửa hôm 6/10 trùng với việc tàu Ronald Reagan tái cơ động tới vùng biển tiếp giáp bán đảo Triều Tiên.
Trong 2 quả tên lửa trên, một quả di chuyển 350 km. Điều này được một số người cho là để thể hiện Triều Tiên có năng lực bao trùm vùng bờ biển phía đông Hàn Quốc. Đây cũng là nơi Mỹ - Hàn bắn tên lửa không đối không ra biển hôm 5/10 để phản ứng trước những lần phóng của Triều Tiên.
Quả còn lại bay 800 km, cho thấy Triều tiên có thể bao phủ khoảng cách rộng ở biển Nhật Bản, nơi tàu Ronald Reagan được tái cơ động.
Một bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản hôm 4/10. Ảnh: Reuters. |
Chiến lược lâu dài
Tokyo, Washington và Seoul đang tăng cường hợp tác an ninh. Hôm 6/10, ba nước này tiếp tục tập trận chung ở biển Nhật Bản, tập trung vào phòng ngự tên lửa.
Hôm 6/10 cũng là lần đầu tiên Mỹ - Nhật - Hàn tập trận ba bên ngay cùng ngày Triều Tiên bắn tên lửa. Những lần hợp tác ba bên như vậy đã trở nên trì trệ do rạn nứt trong quan hệ Nhật - Hàn, nhưng các bên đang cố gắng khôi phục mối quan hệ ấy.
Theo cây bút Justin McCurry trên Guardian, những lần phóng tên lửa gần đây không chỉ thể hiện năng lực ngày càng tăng của Triều Tiên mà còn cho thấy Bình Nhưỡng rất có khả năng sẽ thử hạt nhân.
Quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo nhiều tháng qua rằng lần thử hạt nhân thứ 7 đã cận kề. Ảnh vệ tinh cho thấy công tác chuẩn bị tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã hoàn tất và câu hỏi duy nhất lúc này là thời điểm thuận lợi.
Qua những động thái gần đây, Triều Tiên được đánh giá là muốn khiến Tổng thống Biden phải chú ý, bất chấp việc chính quyền của ông đang phải đối mặt nhiều vấn đề khác.
Theo AP, về lâu dài, Bình Nhưỡng rất có thể muốn Washington công nhận Triều Tiên có đủ tư cách một cường quốc hạt nhân. Tại bàn đàm phán sau đó, Triều Tiên có thể hạn chế một phần chương trình vũ khí để đổi lại việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế và ký hiệp định hòa bình chính thức với Hàn Quốc.