Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội đồng Bảo an chia rẽ vì tên lửa Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục thể hiện sự chia rẽ qua cuộc tranh luận hôm 5/10 về cách phản ứng sau vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên qua lãnh thổ Nhật Bản.

Phiên họp của Hội đồng Bảo an hôm 5/10 kết thúc mà không có thỏa thuận về các bước tiếp theo, bất chấp cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh. Họ cho rằng việc Hội đồng Bảo an không thể đạt được đồng thuận trước số vụ phóng tên lửa kỷ lục của Triều Tiên trong năm nay đã làm suy yếu quyền lực của cơ quan này, theo AP.

"Hội đồng Bảo an nên lưu ý rằng cơ quan này đang được đặt trong phép thử và uy tín đang bị đe dọa. Hội đồng nên hành động để khôi phục uy tín”, Hiroshi Minami, phó trưởng phái đoàn Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc, cho biết.

Ông đã thuyết phục Hội đồng Bảo an trở lại lập trường thống nhất trước đây trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, song không thành công.

Trong năm nay, Bình Nhưỡng đã thực hiện hơn 40 vụ phóng tên lửa đạn đạo. Liên Hợp Quốc nhận định con số chưa từng có này trong năm nay diễn ra giữa lúc có nhiều đồn đoán về việc Triều Tiên dự định thử hạt nhân lần thứ 7.

Tranh luận kịch liệt

Theo các quan chức Tokyo và Seoul, tên lửa đạn đạo tầm trung được Triều Tiên phóng đi ngày 4/10 có quỹ đạo dài khoảng 4.500 km - tầm bắn xa nhất mà vũ khí của nước này từng đạt được, New York Times đưa tin.

Nó đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản và có thể vươn tới Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương. Vụ việc đã khiến chính phủ Nhật Bản phải ban hành cảnh báo sơ tán và tạm dừng các chuyến tàu.

Bên cạnh đó, Triều Tiên đã thực hiện thêm một vụ phóng tên lửa đạn đạo khác vào sáng 6/10 (theo giờ địa phương) khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra. Mỗi vụ phóng sáng 6/10 cách nhau khoảng 22 phút.

Trieu Tien thu ten lua anh 1

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/10 họp để thảo luận về vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: AP.

Theo một số chuyên gia, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang thúc đẩy phát triển một kho vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ và các đồng minh.

Vụ phóng hôm 4/10 là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản kể từ năm 2017. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận với Nhật Bản và Hàn Quốc trên biển Nhật Bản. Cuộc tập trận còn có sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan - vốn chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Phó trưởng phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva khẳng định với các thành viên Hội đồng Bảo an rằng chính cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu, cùng với liên minh ngày càng gia tăng của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã kích động Triều Tiên.

Trong khi đó, ông Cảnh Sảng - phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc - mô tả vấn đề này như một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Washington có một cách tiếp cận hòa giải hơn.

Ông Cảnh Sảng cho biết Hội đồng Bảo an cần phải đóng vai trò mang tính xây dựng, "thay vì chỉ dựa vào những lời nói hoặc sức ép mạnh mẽ".

"Các cuộc thảo luận góp phần làm giảm bớt căng thẳng, thay vì thúc đẩy leo thang. Họ nên thúc đẩy nối lại đối thoại thay vì nhân rộng khác biệt, tạo ra sự đoàn kết thay vì chia rẽ”, ông nói.

Sự phân cực ngày càng gia tăng

Phiên họp hôm 5/10 chỉ kết thúc với một lời kêu gọi mơ hồ để thảo luận thêm về vấn đề này. Theo AP, đó là ví dụ mới nhất về sự phân cực ngày càng gia tăng khiến Nga và Trung Quốc đối đầu với các thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp.

Sự chia rẽ đã làm tê liệt Hội đồng Bảo an trong nhiều hành động quan trọng, trong đó có xung đột tại Ukraine. Nguyên nhân của việc này là tất cả 5 thành viên thường trực, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, đều có quyền phủ quyết đối với các hành động của Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an đã áp lệnh trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của họ vào năm 2006, đồng thời thắt chặt các biện pháp này trong nhiều năm.

Tuy nhiên, vào tháng 5, Trung Quốc và Nga đã chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với các vụ thử tên lửa. Đây được coi là vết rạn nứt nghiêm trọng đầu tiên của hội đồng này về các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Trieu Tien thu ten lua anh 2

Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters.

Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nhận định nhiều vụ thử tên lửa trước đó của Triều Tiên trong năm nay rõ ràng đã được thực hiện mà không có bất kỳ cuộc tập trận nào của Mỹ hoặc bất kỳ yếu tố nào gây châm ngòi khác.

“Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ quốc gia nào đổ lỗi cho các hành động phòng thủ của mình như là nguyên nhân của mối đe dọa này”, bà khẳng định.

Bên cạnh đó, bà nói thêm rằng “Mỹ sẽ không đứng nhìn Triều Tiên đe dọa trực tiếp" Washington hay các đồng minh.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga “bảo vệ” Triều Tiên trước nỗ lực của Hội đồng Bảo an nhằm tăng cường lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng trước các chương trình vũ khí của nước này.

“Triều Tiên được hưởng sự bảo vệ toàn diện từ 2 thành viên trong hội đồng này”, Reuters dẫn lời bà Thomas-Greenfield nói hôm 5/10. “Nói tóm lại, 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (Liên Hợp Quốc) cho phép ông Kim Jong Un làm điều đó”.

Chiến thuật của Triều Tiên khi phóng tên lửa qua Nhật Bản

Khi phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, Triều Tiên dường như muốn lặp lại sách lược từng sử dụng vào năm 2017. Song phản ứng từ Mỹ và các đồng minh không còn như trước.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan áp sát Triều Tiên

Hàn Quốc hôm 5/10 nói tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tái triển khai gần khu vực Bán đảo Triều Tiên, động thái được cho là để đáp trả vụ phóng tên lửa trước đó của Triều Tiên.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm