Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tên gọi ít người biết của Hồ Gươm

Trải qua nhiều biến thiên của thời đại, các địa danh nổi tiếng của thủ đô đã nhiều lần đổi tên. Những cái tên xưa cũ ấy phần nhiều đã trôi vào dĩ vãng.

Ho Luc Thuy anh 1

Hồ Hoàn Kiếm xưa có trên là hồ Lục Thủy vì bốn mùa nước đều có màu trong xanh. Ảnh: Saco.

Hồ Hoàn Kiếm là một đoạn dòng cũ của sông Hồng còn sót lại.

Hồ này ngày xưa gọi là hồ Lục Thủy, vì sắc nước bốn mùa đều xanh, còn tên gọi Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm, theo tục truyền thì có từ đời Lê Thái Tổ. Người ta nói vua Lê Thái Tổ trước khi khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, được thần cho một thanh kiếm. Năm 1428 khi đã lấy lại hoàn toàn được đất nước, lên làm vua, đóng đô ở Thăng Long, một hôm nhà vua ngự thuyền chơi trong hồ, bỗng thấy một con rùa vàng nổi lên.

Nhà vua đang dùng thanh kiếm ở tay, với theo, con rùa ngẩng cao cổ đớp lấy thanh kiếm rồi lặn xuống đáy hồ. Nhà vua sai tát cạn hồ để tìm, rùa không thấy đâu mà kiếm cũng mất tích, nên cho rằng đó là thần đã cho kiếm để giết giặc, nay giặc yên rồi thần lại lấy kiếm đi. Bèn đổi tên hồ là Hoàn Kiếm, nghĩa là trả lại kiếm thần.

Theo hình thế thiên nhiên có vẻ kỳ quan, các cụ ngày xưa đã hình dung hồi này là “giáp điệp xuyên hoa cách”, nghĩa là “kiểu đất bươm bướm châm hoa. Vì hồ này xưa kia phạm vi đất rộng, và có hai phần đối nhau như hai cánh bướm xòe ra. Phần trên vào khoảng từ Hàng Đào, Hàng Dầu trở ra Hàng Khay; phần dưới từ đó trở xuống Hàng Chuối bây giờ. Chỗ hai phần giáp nhau một khoảng đất dài tức là làng Cựu Lâu, tức khoảng Hàng Khay xuống gần Nhà Hát Lớn, khoảng đất ấy như hình thân con bướm.

Từ thế kỷ 16 trở về sau, Trịnh Tùng sau khi đã đánh đuổi được họ nhà Mạc, lấy lại giang sơn cho nhà Lê, cậy công, bắt vua Lê phải phong cho mình và con cháu nối nghiệp về sau đều làm vương, (người bấy giờ gọi là chúa).

Họ Trịnh đã được làm chúa rồi, lập phủ đệ riêng một khu chiếm suốt cả phường Báo Thiên. Phủ đệ của chúa Trịnh cũng không kém gì cung điện của vua Lê, nơi làm việc cũng không gọi là triều đình, chỉ gọi là phủ liêu, nhưng cũng có đủ văn võ bách quan, quân lính thị vệ, nghi thức lại còn oai hơn vua Lê nữa.

Phủ chúa suốt một dãy có 52 tòa lâu đài dinh thự, đều ngoảnh mặt ra hồ Hoàn Kiếm. Theo hướng ấy, các đời chúa Trịnh mới gọi phần hồ trên là Tả Vọng, phần hồ dưới là Hữu Vọng. Gọi là “vọng” theo ý riêng của họ Trịnh là cả hai bên hồ đều trông vào phủ chúa. Và bên hồ Tả Vọng, các đời chúa Trịnh xây những nguyệt đài, thủy tạ bên bờ để làm nơi ngự chơi, đặc biệt là xây một cái đình ở trên gò Rùa, tức là tầng dưới của tháp Rùa ngày nay.

Lại nhân tình thế hồ có hai phần đối nhau như thế, chúa Trịnh liền dùng làm nơi luyện tập thủy quân, dựng một đài cao ở khoảng đất giữa, gọi là duyệt võ đài, hai bên hồ làm trận địa của đôi bên, cùng nhau biểu diễn các chiến pháp thủy công. Chúa Trịnh ngồi trên đài cao xem xét để định thắng thua, hơn kém. Cũng vì vậy mà đời ấy gọi là hồ Thủy quân.

Ho Luc Thuy anh 2

Sách Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện. Ảnh: Quỳnh Anh.

Tất cả lâu đài dinh thự và kiến trúc vật ở bờ hồ, về sau đều bị Lê Chiêu Thống đốt hết, duy chỉ có Tả Vọng đình ở ngoài hồ, nên may mà còn lại.

Về phía đông nam hồ này, vào đời Hồng Đức có đào một ngòi nhỏ thông ra sông Cái, các thuyền nhỏ ở ngoài sông có thể vào trong hồ được, nhưng về sau hàng năm mùa nước sông lên, không cách chắn giữ, nước sông tràn vào ngập cả nội thành, nên đã phải lấp bỏ.

Về phần hồ này, nhất là Hữu Vọng, cứ bị lấp dần dần, hồi thực dân Pháp mới chiếm cứ Hà Nội, vẫn còn khá rộng, người ta gọi riêng là hồ Thủy quân, sau đó thực dân Pháp cho lấp hẳn, không còn lại dấu vết.

Còn phần hồ Tả Vọng về phía Bắc và phía Đông là khoảng từ Hàng Đào đến Hàng Dầu, bảy mươi năm trước vẫn là một làn nước không sâu lắm, người ta bắc những cái cầu gỗ nối nhau để làm lối đi lại giao thông, rồi thực dân Pháp cũng lấp dần để làm đường và mở một phố gọi là phố Cầu Gỗ; ngoài ra các phía bờ hồ kia cũng bị lấp mất nhiều, chỉ còn lại một phần nhỏ như chúng ta thấy ngày nay.

[...]

Tự tin bước vào thế giới nghệ thuật

Bộ sách “Công cụ thưởng ngoạn nghệ thuật” ra đời nhằm trao cho độc giả sự tự tin để bước vào thế giới nghệ thuật một cách đơn giản.

Hiểu thêm lịch sử dân tộc qua 20 bảo vật ở Bảo tàng lịch sử quốc gia

20 bảo vật này có khung niên đại từ hơn 2.000 năm trước cho đến giữa thế kỷ 20. Ðây đều là những hiện vật tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử dân tộc.

Doãn Kế Thiện/ NXB Kim Đồng

SÁCH HAY