Sĩ luận đối với ông nhất là đối với đời tư của ông, thường có nhiều điều chỉ nghị quá đáng. Theo ý tôi thì dù sao, ông Ngô Thời Nhiệm cũng là một nhân tài hiếm có trong lịch sử nước nhà.
Quê ông ở làng Tả Thanh Oai, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông là con giai cả cụ Ngô Thời Sĩ, hiệu Ngọ Phong một nhà sử học rất có giá trị ở đời Hậu Lê.
Ông tư chất rất thông minh, từ bé đã có những khiếu và cử chỉ khác người. Tục truyền khi ông chừng 5, 6 tuổi cụ Ngọ Phong làm lễ mệnh danh, (tức là đặt tên) cho ông. Cụ muốn gợi khiếu và thử chí con xem thế nào, bèn hỏi:
- Con muốn dùng chữ gì để đặt tên?
- Thưa thầy, xin thầy tha lỗi cho con được nói thực, con muốn được theo chữ tên húy của thầy và thêm vào một nét phảy, tức là chữ “Nhiệm”.
Mỉm cười, cụ Ngọ Phong lại hỏi:
- Cũng được, nhưng theo lẽ “cố danh tư nghĩa”, nghĩa là nhìn cái tên của mình phải nghĩ đến cái nghĩa của chữ tên ấy, chữ “Nhiệm” có nghĩa là gánh vác, vậy sau này con gánh vác được những việc gì?
Ông cung kính đáp:
- Thưa thầy, tài lực của con mai sau được thế nào, còn nhờ ở công dạy dỗ, gây dựng của thầy. Nhưng dù được lớn nhỏ thế nào, đối với việc quốc gia sau này, con cũng xin tự ghé vai chịu gánh một phần.
Ngô Thời Nhiệm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của Vua Quang Trung. Ảnh minh họa: baobinhphuoc. |
Sau khi đã được cụ Ngọ Phong cho đặt cái tên theo ý muốn, ông lại muốn tỏ hẳn cái chỉ định ấy, liền đặt biển tự là Hy Doãn (希尹) nghĩa là mong được như ông Hy Doãn một vị thánh đã giúp vua Thang nhà Thương, trừ được vua Kiệt là bạo quân nhà Hạ, lập nên công nghiệp phi thường.
[...]
Người ta nói, lúc ông còn bé, thường có những sự nghịch ngợm ngang ngược như thế. Ông đã thông minh, lại sinh vào một nhà có một nền gia học uyên nguyên nên học lực rất yêm bác, văn tài rất hoạt bát. Khoa thi năm Ất Vị đời vua Hiển Tôn nhà Lê, ông thi đậu tiến sĩ, chúa Trịnh Sâm cử làm quan tùy giản để dạy thế tử là Trịnh Tông tức Khải. Được ít lâu, Trịnh Sâm quá yêu Đặng Tuyên phi, ghét Trịnh Khải, phong cho con bé của Tuyên phi là Trịnh Cán làm thế tử, truất Trịnh Khải đi.
Bị mất ngôi, Trịnh Khải đem lòng oán giận mẹ con Tuyên phi. Giữa lúc ấy Trịnh Sâm bị bệnh nặng. Khải sợ Sâm chết, Cán tất được thay làm chúa, liền mật mưu với bọn gia thần cùng mấy vị đại thần tâm phúc có binh quyền ở mấy tỉnh ngoài, thừa lúc đêm khuya đem quân vào vây phủ chúa, giết mẹ con Tuyên phi đi, cướp lại lấy ngôi chúa. Bấy giờ ông Nhiệm làm chức đốc đồng tỉnh Kinh Bắc (tức Bắc Ninh bây giờ), có người nói cho ông biết. Thấy Khải chực làm một việc rất nguy hiểm, lỡ ra không thành sẽ mất mạng và hại lây đến nhiều người, vội vàng đi bảo mấy người trọng yếu trong đảng ấy nên kíp thôi và ngăn Khải đi. Nhưng không ai nghe. Quả nhiên việc âm mưu ấy vỡ lỡ. Khải lại bị truất làm con út, mấy vị đại thần dự mưu, người bị giam, người bị cách, còn mấy người phải uống thuốc độc tự tử và bị tử hình, về việc này sĩ luận hồi bấy giờ đều thâm trách và buộc tội ông Nhiệm là cáo giác việc ấy để lấy công.