Các ngân hàng sẽ ngừng giao dịch điện tử đối với khách hàng chưa bổ sung sinh trắc học từ ngày 1/1/2025. Ảnh: TCB. |
Nhà băng này cho biết việc ngừng giao dịch với các tài khoản không chính chủ là tuân thủ theo Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Techcombank khuyến nghị khách hàng bổ sung thông tin sinh trắc học qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip trên ứng dụng ngân hàng Techcombank Mobile hoặc mang theo thẻ CCCD gắn chip tới các chi nhánh/phòng giao dịch gần nhất để được hỗ trợ cập nhật.
Trước Techcombank, SHB cũng đã gửi khuyến nghị khách hàng nhanh chóng hoàn tất thông tin sinh trắc học. SHB cho biết từ ngày 1/1/2025, nhà băng này sẽ ngừng các giao dịch thanh toán, rút tiền cho những khách hàng cá nhân, tổ chức có giấy tờ tùy thân hết hạn.
Đồng thời, ngân hàng yêu cầu khách hàng hoàn thành đối chiếu CCCD gắn chip hoặc thẻ căn cước và thông tin sinh trắc học với dữ liệu của Bộ Công an để tiếp tục sử dụng dịch vụ.
SHB cho biết theo Luật Căn cước 2023, từ đầu năm 2025, chứng minh nhân dân 9 số sẽ không còn hiệu lực, khách hàng sẽ không thể giao dịch bằng giấy tờ này. Do đó, SHB khuyến nghị khách hàng kiểm tra thời hạn giấy tờ tùy thân và bổ sung thông tin sinh trắc học trước ngày 31/12.
Trong thông báo mới nhất, OCB cho biết sẽ tạm ngưng giao dịch đối với khách hàng hết hạn giấy tờ tùy thân hoặc chưa đăng ký sinh trắc học khuôn mặt trước ngày 1/1/2025.
TPBank cũng thông báo đến các khách hàng đã sử dụng CMND còn thời hạn cần tiến hành thay thế bằng giấy tờ tùy thân mới theo quy định của pháp luật hiện hành và bổ sung trước ngày 1/1/2025.
Đến ngày đó, dù khách hàng có CCCD, giấy tờ tùy thân mới nhưng chưa cập nhật với ngân hàng thì TPBank vẫn sẽ từ chối giao dịch.
Các ngân hàng thương mại khác như VPBank, Nam A Bank cũng đã yêu cầu khách hàng nhanh chóng thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học để không bị gián đoạn trong giao dịch.
Tại họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết sau hơn 3 tháng triển khai xác thực sinh trắc học, biện pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo.
Hiện có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công và số lượng vụ lừa đảo giảm đến 50%. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm ngoái. Một số đơn vị không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.
Về Thông tư 17 của NHNN, nhà điều hành đã đưa ra một số quy định liên quan đến việc xác thực dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Cụ thể, khách hàng chỉ được rút tiền và giao dịch thanh toán qua phương tiện điện tử (như chuyển tiền online) khi đã hoàn tất việc đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học. Tức là tất cả chủ tài khoản ngân hàng đều phải đăng ký sinh trắc học nếu muốn thực hiện giao dịch online.
Những tài khoản chưa thu thập thông tin sinh trắc học chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy. Điều này khiến các đối tượng lừa đảo không thể lợi dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để giao dịch.
Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.