Ezanullah, một trong hàng nghìn chiến binh Taliban trẻ tuổi từ vùng nông thôn đã tiến vào thủ đô của Afghanistan vào cuối tuần qua, chưa từng thấy khung cảnh giống như vậy trước đây.
Những con đường lát đá của Kabul hài hòa với những khu chung cư cao chót vót, các tòa nhà văn phòng kính và các trung tâm mua sắm. Nội thất sang trọng bên trong Bộ Nội vụ giống như “thứ mà tôi nghĩ đến trong một giấc mơ”, chiến binh 22 tuổi đến từ miền núi phía đông chia sẻ.
Ezanullah cho biết anh định hỏi chỉ huy của mình xem bản thân có thể ở lại hay không. “Tôi không muốn rời khỏi đây", Ezanullah chia sẻ.
Điều này cho thấy Kabul và các thành phố khác của Afghanistan đã "thay da đổi thịt" như thế nào trong 20 năm kể từ lần cuối Taliban, lực lượng chủ yếu đến từ các vùng nông thôn hiểm trở, kiểm soát đất nước. Cả một thế hệ người Afghanistan đã trưởng thành dưới một chính phủ hiện đại hóa được phương Tây hậu thuẫn, theo AP.
Thủ đô Kabul sầm uất của Afghanistan vào tháng 3/2019. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người lo ngại rằng những thành tựu đó sẽ bị đảo ngược khi Taliban đã trở lại nắm quyền và những binh lính cuối cùng của Mỹ đang trên đường rút khỏi.
Hàng nghìn người đã đổ đến sân bay để cố gắng tháo chạy, hầu hết trong số họ là nam giới không có gia đình đi cùng. Những người Afghanistan trẻ hơn không còn nhớ gì về sự cai trị của Taliban nhưng lo ngại sự trở lại của họ sẽ đồng nghĩa với việc mất đi các quyền tự do.
Ngờ vực sâu sắc
Taliban đã áp đặt những giáo lý hà khắc của luật Hồi giáo từ năm 1996 đến 2001, cho đến khi bị lật đổ trong cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu.
Lực lượng này, với phần lớn thành viên đến từ vùng nông thôn bảo thủ của Afghanistan, đã thể hiện dấu hiệu ôn hòa trong những ngày gần đây. Họ công bố việc ân xá cho những người chống đối, mời phụ nữ trở lại làm việc và cam kết khôi phục cuộc sống bình thường sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Nhưng nhiều người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, vẫn nghi ngờ sâu sắc về mục đích của Taliban.
Việc Taliban trở lại nắm quyền đã dấy lên nhiều lo ngại cho phụ nữ ở quốc gia này. Ảnh: CNN. |
Ezanullah rất ngạc nhiên khi có 2 người phụ nữ chào anh trên phố.
“Họ nói rằng chúng tôi sợ anh và anh thật xấu xa”, Ezanullah kể lại. "Nhưng tôi đã nói với họ rằng hai người giống như chị em của tôi, và chúng tôi sẽ cho bạn đến trường, tiếp tục học tập, đồng thời đảm bảo an toàn cho bạn".
“Chỉ cần đảm bảo đeo khăn hijab (khăn trùm đầu)", anh nói thêm, đề cập đến khăn trùm đầu Hồi giáo che tóc nhưng không che mặt.
Sự thay đổi rõ rệt
Dù Taliban có thực sự thay đổi hay không, đất nước mà họ kiểm soát hiện nay vẫn phát triển vượt bậc so với thời điểm họ chiếm đóng năm 1996 sau 4 năm nội chiến.
Dưới sự cai trị của Taliban lúc đó, truyền hình và âm nhạc bị cấm. Phụ nữ bị cấm đi học hoặc làm việc bên ngoài phạm vi ngôi nhà của mình. Ngoài ra, họ phải mặc burqa che kín cơ thể bất cứ khi nào xuất hiện ở nơi công cộng.
Ngày nay, đất nước này có 4 công ty di động và một số đài truyền hình vệ tinh với các nhân viên nữ. Một trong số họ đã phỏng vấn một quan chức Taliban hôm 16/8.
Bản thân các chiến binh Taliban đã sử dụng điện thoại thông minh và bị bắt gặp đang chụp ảnh selfie trước sự ngạc nhiên về việc thủ đô mà họ đã tới.
Phát ngôn viên Taliban lần đầu lên sóng với phóng viên nữ đài truyền hình tư nhân Tolo. Ảnh: Newsweek. |
Các video lan truyền trên mạng đã cho thấy các chiến binh Taliban cười vui vẻ, cưỡi ngựa xung quanh công viên giải trí và trong một phòng gym trong nhà.
Một số vấn đề nổi cộm
Tuy nhiên, một số vấn đề đang nổi lên vốn chưa xuất hiện dưới thời Taliban 1.0.
Thành phố đã nằm trong tầm ngắm của làn sóng tội phạm trong nhiều năm. Một số người lo sợ rằng tình hình sẽ trở nên tệ hơn sau khi các nhà tù và vũ khí của chính phủ tuồn ra ngoài trong cuộc tiến công của Taliban.
Hành khách Afghanistan ngồi chờ rời sân bay Kabul ở Kabul vào ngày 16/8. Ảnh: NBC News. |
Một trong số ít thành công của quy tắc Hồi giáo hà khắc của Taliban là xóa sổ tội phạm. Với những quy tắc đó, tội phạm trộm cắp bị chặt đứt cánh tay, những tội phạm khác đã bị hành quyết trước công chúng.
Taliban đã cam kết khôi phục luật pháp và trật tự, nhưng điều này có thể mất thời gian và có thể khiến họ phải dùng đến các biện pháp tàn bạo. Dân số của thành phố đã tăng lên 5 triệu người trong 2 thập kỷ qua. Taliban, lực lượng đã không hiện diện nhiều ở Kabul kể từ năm 2001, đã liên tục đánh dấu tên tuổi và thu thập vũ khí trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, nhiều người Afghanistan lo sợ những kẻ cướp bóc giả dạng Taliban hơn là chính các chiến binh, Saad Mohseni, chủ sở hữu của đài truyền hình Tolo nổi tiếng cho biết. Ông đã quyết định ở lại thủ đô sau khi Taliban tiếp quản.
“Những người giả dạng Taliban này có thể rất nguy hiểm, bởi chúng chỉ là những kẻ lưu manh", ông cho biết.