Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa "đánh dấu sự khởi đầu của một nỗ lực lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ để xóa bỏ bóng ma quá khứ còn đeo bám".
|
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, đã có mặt tại sân bay Biên Hòa sáng 20/4 cùng 8 thượng nghị sĩ khác. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đón ông Leahy tại cửa xe. Ảnh: USAID Việt Nam. |
|
Ông Leahy cùng đoàn thượng nghị sĩ, trợ lý thượng nghị sĩ Mỹ đã đến Việt Nam từ ngày 17/4. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của vị thượng nghị sĩ có thâm niên nhất quốc hội Mỹ với 30 năm theo đuổi việc khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam. Ảnh: USAID Việt Nam. |
|
Lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm sân bay Biên Hòa là một trong những hoạt động cuối cùng trước khi đoàn thượng nghị sĩ Mỹ kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Phát biểu tại sự kiện, ông Leahy nói dự án Biên Hòa là "kết quả của 30 năm hợp tác nhân đạo giữa nước cựu thù". Ảnh: USAID Việt Nam. |
|
Đi cùng ông Leahy là 8 thượng nghị sĩ khác từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nổi bật là Thượng nghị sĩ Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ trong mùa bầu cử 2016. Đây là một trong những phái đoàn nghị sĩ lớn nhất từng đến Việt Nam. Trong ảnh, 9 nghị sĩ Mỹ cùng các quan chức chính phủ Việt Nam, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)... cắt băng khởi động dự án. Ảnh: USAID Việt Nam. |
|
Sự kiện có sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình. Dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm với phương pháp xử lý tương tự dự án tại sân bay Đà Nẵng, kết thúc vào cuối năm ngoái. Ảnh: ĐP. |
|
Tuy nhiên, quy mô dự án Biên Hòa, nơi từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam trong chiến tranh, lớn hơn rất nhiều so với dự án tại Đà Nẵng, về phạm vi xử lý lẫn kinh phí. Ước tính khối lượng đất cần làm sạch là 500.000 m3, gấp bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: ĐP. |
|
Mỹ đã viện trợ 110 triệu USD cho dự án Đà Nẵng. Trong khi đó, giai đoạn đầu của dự án Biên Hòa kéo dài 5 năm đã được USAID cam kết hỗ trợ kinh phí 183 triệu USD. Ảnh: USAID Việt Nam. |
|
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (trái) nói đây "sẽ là một trong những dự án khôi phục môi trường lớn nhất trên thế giới và đòi hỏi những bộ óc và công nghệ tốt nhất mà Mỹ và Việt Nam có thể tập hợp được". Ảnh: USAID Việt Nam. |
|
"Hôm nay chúng ta đánh dấu sự khởi đầu của một nỗ lực lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ để xóa bỏ bóng ma quá khứ còn đeo bám", ông Kritenbrink nói về việc khởi động dự án Biên Hòa. Ảnh: USAID Việt Nam. |
|
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói những nỗ lực khắc phục hậu quả chất độc hóa học những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Ông bày tỏ mong muốn các nghị sĩ Mỹ tiếp tục ủng hộ, vận động cho các chính sách giải quyết di sản chiến tranh. Ảnh: ĐP. |
|
Cũng trong sáng 20/4, hai bên đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhận Ý định về hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam giữa USAID và chính phủ Việt Nam. Ảnh: ĐP. |
|
Chương trình này dự kiến hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật tại 7 tỉnh thành ưu tiên. Ảnh: ĐP. |
dự án tẩy độc sân bay biên hòa
Mỹ
xử lý ô nhiễm dioxin sân bay biên hòa
thượng nghị sĩ Mỹ
patrick leahy
đại sứ Mỹ tại Việt Nam
chất độc da cam