Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt - Mỹ ‘bấm nút’ dự án lớn nhất tẩy độc dioxin sân bay Biên Hòa

Dự án môi trường vào hàng "lớn nhất thế giới" tại sân bay Biên Hòa vừa được khởi động, sau rất nhiều nỗ lực của cả Mỹ và Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.

Mỹ và Việt Nam đã chính thức khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, nơi từng là căn cứ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh và nay là điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy, người đã có hơn 30 năm theo đuổi việc giải quyết hậu quả chiến tranh Việt Nam, dẫn đầu đoàn thượng nghị sĩ Mỹ bấm nút khởi động dự án tại sân bay quân sự thuộc tỉnh Đồng Nai vào sáng 20/4.

"Đây sẽ là dự án lớn hơn nhiều so với dự án tại Đà Nẵng và là một trong những dự án khắc phục môi trường lớn nhất thế giới", ông Leahy phát biểu tại sự kiện.

Viet-My bat dau du an tay dioxin san bay Bien Hoa anh 1
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (giữa) mở băng phủ tấm bảng giới thiệu dự án cùng Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: ĐP.

Tháng 11/2018, hai nước đã hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sau 6 năm thực hiện, bàn giao hơn 30 ha đất sạch phục vụ việc mở rộng sân bay. Đây là nỗ lực lớn của cả hai bên trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, vấn đề vẫn được xem là nhạy cảm trong quan hệ song phương.

Mỹ đã viện trợ không hoàn lại 110 triệu USD để thực hiện dự án tại Đà Nẵng. Tại Biên Hòa, nơi "một thời là sân bay bận rộn nhất thế giới" theo ông Leahy, con số này dự kiến lớn hơn nhiều vì phạm vi ô nhiễm tại đây ước tính rộng hơn gấp 4 lần so với Đà Nẵng.

"Mặt đất bên dưới và xung quanh chúng ta là điểm nóng ô nhiễm (dioxin) còn tồn tại lớn nhất Việt Nam", ông Leahy nói. "Chúng ta sẽ làm sạch đất bị ô nhiễm để ngăn chặn những tổn hại trong tương lai".

Dự án Biên Hòa dự kiến hoàn thành trong 10 năm, theo các quan chức có mặt tại buổi lễ. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã ký thỏa thuận đóng góp kinh phí dự kiến 183 triệu USD để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu.

Thượng nghị sĩ có thâm niên nhất của Mỹ khẳng định dự án Biên Hòa là kết quả của "30 năm hợp tác về nhân đạo giữa hai cựu thù", bắt đầu bằng việc Việt Nam giúp Lầu Năm Góc tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ trong chiến tranh.

"44 năm sau, tại Mỹ cũng như tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang đấu tranh với sự chia rẽ gây ra bởi chiến tranh. Nhưng từ năm này qua năm khác, chúng ta đã cùng nhau nỗ lực để vượt qua di sản của cuộc chiến", ông Leahy nói.

Viet-My bat dau du an tay dioxin san bay Bien Hoa anh 2
Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa được khởi động sáng 20/4. Ảnh: ĐP.

Đi cùng ông Leahy, phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, là 8 thượng nghị sĩ khác từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nổi bật là Thượng nghị sĩ Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ trong mùa bầu cử 2016. Đây là một trong những phái đoàn nghị sĩ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Ông Patrick Leahy được bầu làm thượng nghị sỹ từ năm 1974, hiện là người có thâm niên nhất tại Thượng viện Mỹ. Ông là một trong những chính trị gia đi đầu vận động, thúc đẩy việc giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam cũng như phát triển quan hệ Việt - Mỹ.

Ở Thượng viện Mỹ, ông Leahy đã khởi xướng các chương trình hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam. Ông sáng lập Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy vào năm 1989, nhằm hỗ trợ xe lăn, tay chân giả cho thương binh và những người khuyết tật do bom mìn ở Việt Nam.

Vũ Mạnh

Bạn có thể quan tâm