Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ khởi động dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa

Phái đoàn Mỹ, do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn đầu, sẽ cùng đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam bấm nút khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cùng đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đã đến Việt Nam từ ngày 17/4, gặp gỡ một số lãnh đạo tại Hà Nội trước khi bay vào TP.HCM để tham dự lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa vào sáng 20/4.

Giải quyết hậu quả chiến tranh, bao gồm chất độc da cam, là một trong những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt - Mỹ. Song với nỗ lực từ cả hai phía, trong đó có đóng góp của những người như thượng nghị sĩ Leahy, hai nước đã đạt được một số thành tựu, bao gồm việc hoàn thành dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào cuối năm 2018.

tay doc dioxin tai san bay Bien Hoa anh 1
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy tham dự lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa vào sáng 20/4. Ảnh: Vũ Mạnh.

Đi cùng ông Leahy, phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, là 8 thượng nghị sĩ khác từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nổi bật là Thượng nghị sĩ Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ trong mùa bầu cử 2016.

Trong ngày 18/4 tại Hà Nội, đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đã tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Từ năm 2000, Mỹ đã hợp tác với Việt Nam giải quyết những vấn đề về nhân đạo và khắc phục các hậu quả chiến tranh. Các hoạt động này bao gồm hoạt động tháo gỡ bom, mìn, vật nổ, tìm kiếm hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh và xử lý ô nhiễm dioxin.

Bắt đầu được triển khai từ tháng 8/2012, dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, được coi là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương và giúp cải thiện môi trường sạch và an toàn cho người dân Đà Nẵng.

Dự án đã xử lý thành công hơn 90.000 m3 đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp. Dự án hoàn thành sau 6 năm triển khai, bàn giao hơn 30 ha đất sạch cho cơ quan chức năng Việt Nam.

Khu vực sân bay Biên Hòa, thuộc tỉnh Đồng Nai, là điểm nóng dioxin lớn nhất tại Việt Nam sau chiến tranh. Dự án tẩy độc tại đây dự kiến có quy mô lớn hơn rất nhiều so với dự án được thực hiện tại sân bay Đà Nẵng, mà theo lời ông Leahy, là một trong những dự án môi trường xử lý lớn nhất thế giới.

Tháng 5/2018, USAID ký thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam cho khoản đóng góp kinh phí dự kiến 183 triệu USD để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu.

Tại Biên Hòa, ngoài việc khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin, ông Leahy cùng các thượng nghị sĩ Mỹ cũng sẽ dự lễ ký kết bản ghi nhận ý định về hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.

Ông Patrick Leahy được bầu làm thượng nghị sỹ từ năm 1974, hiện là người có thâm niên nhất tại Thượng viện Mỹ. Ông là một trong những chính trị gia đi đầu vận động, thúc đẩy việc giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam cũng như phát triển quan hệ Việt - Mỹ.

Ở Thượng viện Mỹ, ông Leahy đã khởi xướng các chương trình hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam. Ông sáng lập Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy vào năm 1989, nhằm hỗ trợ xe lăn, tay chân giả cho thương binh và những người khuyết tật do bom mìn ở Việt Nam.

VN yêu cầu Monsanto 'có trách nhiệm khắc phục hậu quả chất độc da cam'

Việt Nam muốn chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất tiếp tục nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có tác động của chất độc da cam dioxin.

Việt Nam - biểu tượng cho nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh

Việt Nam là biểu tượng cho những nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân, chính phủ, của sự hợp tác quốc tế trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Vũ Mạnh

Bạn có thể quan tâm