Nói về anh, người đồng hương, “đồng hao” (theo nghĩa ngoại hình hao hao nhau), đồng nghiệp (dịch văn), tôi gọi anh là một "Tay chơi". Đoàn Tử Huyến đã sống một đời 70 năm với một chữ "chơi" phóng túng và đẹp đẽ.
Chơi "chữ" văn chương
Anh chơi "chữ". Những con chữ có hình hài và số phận. Những con chữ làm nên những bản thảo không cháy. Những con chữ sống lâu hơn con người viết ra chúng. Những con chữ lưu giữ ký ức văn hóa lịch sử của một đời người, đời dân tộc, đời nhân loại. Những con chữ Nga và chữ Việt.
Anh giỏi thứ tiếng của nước người bên dòng Volga và giỏi thứ tiếng của nước mình bên dòng Hồng Hà. Anh có khí chất xứ Nghệ và tâm hồn người Thăng Long.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến và nhà giáo Văn Như Cương chơi cờ ở Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Tất cả hòa chảy trong anh thành một mạch dịch văn chương để hiện ra trên trang giấy những con chữ Việt chở hồn Nga qua những tác phẩm của A. Ivanov (Tiếng gọi vĩnh cửu, 1986), V. Tendryakov (Nguyệt thực, 1986; Sáu mươi ngọn nến, 1987; Đêm sau lễ ra trường, 1994), M. Bulgakov (Nghệ nhân và Margarita, 1988; Trái tim chó, 1988), M. Prishvin (Giọt rừng, 2011)… Và không chỉ văn chương Nga.
Nhưng các bản dịch văn chương Nga đã làm nên tên tuổi Đoàn Tử Huyến dịch giả. Bản dịch Nghệ nhân và Margarita của anh đã được nhận giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam (1990) và Giải Sách Hay là một sự chứng thực cuộc chơi chữ của anh.
Văn anh dịch kỹ lưỡng và tinh tế, đọc nó thấy sự dụng công của người dịch trên từng câu chữ. Anh biết nâng niu, quý trọng chữ, biết nâng lên đặt xuống những ý nghĩa hàm ẩn trong từ, trong câu.
Khi anh dịch là vậy. Khi anh làm biên tập bản thảo của những người khác cũng vậy. Điều này thấy rõ khi anh làm tờ tạp chí Văn Học Nước Ngoài tái lập năm 1995 của Hội Nhà Văn Việt Nam. Một cuốn tạp chí dày vài ba trăm trang khổ to in nhiều thơ, văn, tiểu luận, phê bình của nhiều nhà văn thuộc nhiều nền văn học, nhiều phong cách bút pháp khác nhau.
Để làm rõ ra được sự đa dạng phong phú của các cây bút qua các bản dịch khác nhau thì sự chăm chút câu chữ không hề là chuyện nhỏ nhặt và đơn giản. Những ngày tháng đó, tôi đã biết một Đoàn Tử Huyến chơi ra chơi, làm ra làm.
Có những bản thảo anh và tôi đã vật lộn đúng nghĩa đen từ này khi nhắc lên đặt xuống một từ, một câu dịch sao cho đúng nghĩa nhất có thể so với bản gốc. “Nghề chơi cũng lắm công phu” mà, huống nữa đây là chơi với "chữ", lại là "chữ văn chương"!
Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Nguồn ảnh: Fb Huyến Tử Đoàn. |
Chơi sách
Anh chơi sách. Giã từ nghề đứng lớp dạy tiếng Nga ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Đoàn Tử Huyến ra làm ở nhà xuất bản Lao Động. Từ đó anh bước vào lĩnh vực làm sách, làm xuất bản.
Chơi sách với anh nghĩa là tìm được những cuốn sách đích đáng để dịch, để in ra cho bạn đọc thưởng thức. Làm những cuốn sách đẹp, sách hay, sách sang trọng, sách bình dân phục vụ từng lớp độc giả riêng biệt và cho chung cả nhiều người là điều anh theo đuổi thực hiện.
Anh đã làm những bộ sách riêng về các nhà văn nhà thơ được giải Nobel dày dặn. Anh cũng làm những tập thơ mỏng gọn nhẹ 36 bài thơ của từng tác giả.
Một thời Trung tâm Đông Tây đã trở thành mái nhà đi về của nhiều người học thức và quần chúng. Tinh thần cuộc chơi này hiện nay vẫn đang được cố gắng duy trì.
Phạm Xuân Nguyên
Thương hiệu “Nhà sách Đông Tây” và sau này là “Trung tâm Đông Tây” một thời đã được bảo chứng trong lòng người đọc và trên thị trường sách bằng tên tuổi của tay chơi Đoàn Tử Huyến.
Anh chơi 'Văn hóa". Cùng những người đồng chí hướng lập ra Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (trực thuộc Hội khoa học Nghiên cứu Đông Nam Á) đầu thế kỷ XXI anh muốn xây dựng một địa chỉ cho trí thức, văn nghệ sĩ và những ai ham hiểu biết có một nơi gặp gỡ trò chuyện trao đổi giao lưu.
Từ Trung tâm đã lan ra những cuộc nói chuyện về lịch sử, về văn hóa văn chương, về những vấn đề hôm qua và hôm nay. Từ Trung tâm đã in ra những cuốn sách có chất lượng cao. Từ Trung tâm đã lan tỏa những hoạt động kết nối văn hóa với các nước đúng như tên gọi của nó. Đoàn Tử Huyến làm các việc đó của Trung tâm chu đáo, cẩn thận, mà cũng nhẹ nhàng, thoải mái như chơi.
Một thời Trung tâm Đông Tây đã trở thành mái nhà đi về của nhiều người học thức và quần chúng. Tinh thần cuộc chơi này hiện nay vẫn đang được cố gắng duy trì và phát huy ở Không gian văn hóa Đông Tây do người em anh, Đoàn Tử Hoan, tiếp nối.
Anh chơi "bạn". Tay chơi Đoàn Tử Huyến ngoài đời trông thực tay chơi khi thường ngao du đây đó với dáng người cao tóc râu xõa dài điệu phong trần, với ai cũng có thể ngồi bia rượu chịu trận, dù anh không phải người ưa nói ở chốn đông người và thường rất lặng trầm bên trong.
Bìa sách Nghệ nhân và Margarita. |
Bạn bè quý anh, trọng anh, thích chơi với anh. Anh và tôi cùng với nhà sử học Dương Trung Quốc được gọi là “ba gã đầu bạc” vì tóc trắng mặt nhìn nhang nhác nhau. Nhưng với thầy Văn Như Cương thì anh và tôi lại kết thành ba gã “bạch phát tu” (râu tóc trắng).
Trưa 19/11/2020 tôi mời Đoàn Tử Huyến đến nhà chơi dự cuộc gặp mặt một số người “quê choa” nhân nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh ra tập thơ mới Tằm tơ. Chị Khanh quê Hà Nội quý người quê tôi vì hồi trẻ chị có bài thơ Gửi sông La gửi gắm một tình yêu sau này được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng.
Anh đến ngồi vui cùng mọi người, nghe vợ chồng nhạc sĩ ca sĩ Ngọc Thịnh - Thái Bảo hát về quê mình, đi lại chụp ảnh. Cầm hai tập thơ của Bùi Minh Quốc và Hoàng Thị Minh Khanh tặng anh còn bảo là mình giờ còn đọc được đâu mà lấy sách. Tôi bảo ai cũng có phần sách mang về cả, anh cứ cầm về cho tủ sách ở nhà sau này con cháu đọc.
Đó có lẽ là hai cuốn sách cuối cùng mà người yêu sách, chơi sách Đoàn Tử Huyến cầm trong tay. Khi chở anh về nhà tôi còn hẹn lần sau đón anh đi chơi nữa. Nào có ngờ ba hôm sau tay chơi đã lặng lẽ làm một chuyến chơi xa vô cùng sau một giấc ngủ lại vào buổi sáng chủ nhật đầu ngày.
Cuộc chơi của Đoàn Tử Huyến ở cõi nhân gian đã dừng lại. Nhưng cái tinh thần chơi, văn hóa chơi của anh thì còn mãi trong cõi nhân sinh. Tôi và bạn bè hay tin anh mất có tiếc thương nhưng vẫn tự hào có được một tay chơi như anh và sẽ chơi tiếp cuộc chơi văn hóa văn chương của anh. Vậy thì anh Huyến ạ, về trời vẫn cứ là một tay chơi nhé!