Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đoàn Tử Huyến ra mắt sách mừng thắng thần chết

Bảy tác phẩm văn học Nga qua bản dịch của Đoàn Tử Huyến được tái xuất và giới thiệu vào tối 14/5 tại không gian Văn hóa Đông Tây, Hà Nội.

Bảy đầu sách tái bản đều là những tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga: tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita (M.Bulgakov), tập tản văn Giọt rừng (Mikhail Prisvin), tiểu thuyết Trái tim chó (Mikhail Bulgacov), truyện dài Đêm sau lễ ra trường (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết Đấng cứu thế (Miguel Otero Silva), tập truyện ngắn Những ô cửa màu xanh (Nhiều tác giả), tập truyện ngắn Khóm hoa tử đinh hương (Nhiều tác giả).

Doan Tu Huyen,  Van hoc Nga anh 1
Từ trái qua: Nhà giáo Phạm Toàn, vợ chồng dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà thơ Thụy Anh, đạo diễn Quốc Trọng trong buổi gặp mặt bạn bè tối 14/5.

Không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm văn học Nga do Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ được tái xuất cùng lúc. Đây là việc làm có chủ đích của gia đình mừng ông đã chiến thắng thần chết.

Ông Đoàn Tử Hoan – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – đồng thời là em trai của dịch giả kể lại, đúng 4h giờ sáng đêm giao thừa Bính Thân, gia đình đang trên đường về quê ăn Tết thì Đoàn Tử Huyến bị tai biến mạch máu não.

Từ Hà Tĩnh, ông được đưa ra Hà Nội, bệnh tình nguy kịch tưởng chừng khó qua nổi. Như một phép màu, Đoàn Tử Huyến trải qua ca mổ não, đã chiến thắng được thần chết và dần dần hồi phục.

Trước đây, Đoàn Tử Huyến vốn có nhiều bạn nhưng không thích những sự kiện ồn ào. Bởi thế buổi giới thiệu bảy cuốn sách tái bản không phải để lăng xê sách, mà được gia đình thực hiện đơn giản, thân mật với mong muốn bạn hữu ông quây quần.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vốn là người bạn thân của Đoàn Tử Huyến. Trong vai trò người dẫn chương trình, Phạm Xuân Nguyên ôn lại những chặng đường, sự nghiệp của dịch giả tiếng Nga.

Đoàn Tử Huyến từng đi học ở Nga, về nước giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao động. Có thời gian ông làm Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, tập hợp đội ngũ dịch văn học, rồi tổ chức hội thảo dịch thuật. Sau đó, Đoàn Tử Huyến sáng lập ra Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – trung tâm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản phát hành sách.

Tới nay, Trung tâm Đông Tây không chỉ là điểm hẹn của những người dịch thuật, mà trở thành điểm đến yêu thích của người yêu văn hóa tại Hà Nội. “Những việc anh làm được đều gắn với tài tổ chức, tận tâm chí thú công việc” – Phạm Xuân Nguyên nói.

Doan Tu Huyen,  Van hoc Nga anh 2
Một số cuốn sách dịch của Đoàn Tử Huyến mới được tái bản.

Không chỉ là một dịch giả, một người làm việc tận tâm, Đoàn Tử Huyến nổi tiếng bởi là một “tay chơi” hết mình với bè bạn, với văn hóa. Bạn bè của ông ngoài giới văn chương còn có nhiều lĩnh vực như hội họa, điện ảnh, âm nhạc. Bởi thế, khi Đoàn Tử Huyến ngã bệnh, nhiều lời chia sẻ, động viên được viết thành thơ chia sẻ trên mạng xã hội.

Trong buổi giới thiệu sách, Giáo sư Chương Thâu nhớ tới công ơn Đoàn Tử Huyến mà gia đình ông luôn tâm niệm “sống thì Tết, chết thì lễ”: “Đoàn Tử Huyến là một mạnh thường quân của văn hóa Việt. Tôi nghiên cứu Phan Bội Châu, đã mang công trình của mình đi nhiều nơi, thậm chí có một nhà xuất bản lớn còn nói muốn in công trình này gia đình phải có tấn tiền. anh Đoàn Tử Huyến đã giúp đỡ tôi in được bộ sách, tới nay đã được 15 cuốn. Anh ấy là người nuôi dưỡng, giúp chúng tôi để ra được bộ sách”.

Dịch giả Lê Bá Thự - người chuyên chuyển ngữ văn học Ba Lan – đánh giá Đoàn Tử Huyến là một dịch giả tài năng. Theo ông, cuốn Nghệ nhân và Margarita mà Hội Nhà văn đã vinh danh là minh chứng cho tài năng của Đoàn Tử Huyến.

“Trước đây có ngày anh dịch tới 40, 50 trang. Tác phẩm anh chọn dịch đều thành công, chất lượng”. Theo Lê Bá Thự, Đoàn Tử Huyến dịch thành công không chỉ bởi am hiểu tiếng Nga mà ông còn là người giàu có vốn tiếng Việt, vốn văn hóa, và niềm đam mê với văn chương.

Nhà giáo Phạm Toàn – người chủ trương bộ sách Giáo khoa Cánh Buồm – cho rằng Đoàn Tử Huyến là người làm văn hóa với sự tử tế, trong sáng. Ông nói: “Thế hệ của chúng tôi luôn tìm cách đóng góp cho xã hội để xứng đáng với ước muốn của mình. Có lẽ chúng ta ở đây chơi thân với anh Huyến vì chúng ta tin rằng mình thật sự trong sáng như anh ấy”.

Nhà thơ, dịch giả Thụy Anh cũng cho rằng, sự tận tâm với công việc, văn hóa của Đoàn Tử Huyến là tấm gương cho chị noi theo. Thụy Anh nói: “Những người như dịch giả Đoàn Tử Huyến và những việc làm âm thầm, cần mẫn của chú khiến chúng cháu có thêm sức mạnh”.


Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm