Được điều khiển từ Trái Đất, Thiên Châu 1 bắt đầu tiếp cận Thiên Cung 2 vào lúc 17h24 chiều 12/9 (giờ địa phương) và phải mất 6 tiếng rưỡi để hoàn thành ghép nối với phòng thí nghiệm không gian.
Xinhua cho biết đây là lần ghép nối thứ 3 giữa 2 phi thuyền sử dụng công nghệ ghép nối nhanh. Trước đây, việc ghép nối thường kéo dài tới 2 ngày.
Thí nghiệm nhằm kiểm tra khả năng ghép nối nhanh của tàu chở hàng, đặt nền móng cho việc xây dựng trạm vũ trụ trong tương lai.
Ảnh minh họa Thiên Châu 1 ghép nối với Thiên Cung 2. Ảnh: China Manned Space Engineering. |
Thiên Châu 1 được phóng vào ngày 20/4 từ tỉnh Hải Nam, miền Nam của Trung Quốc và đã hoàn thành 2 lần lắp ghép với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 vào ngày 22/4 và 19/6.
Tàu vũ trụ chở hàng sẽ tiến hành lần tiếp nhiên liệu thứ 3 cho phòng thí nghiệm không gian trước khi quay trở lại Trái Đất.
Trung Quốc là nước thứ 3, sau Nga và Mỹ, làm chủ các kỹ thuật tiếp nhiên liệu trong vũ trụ. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng một trạm không gian cố định.
Thiên Cung 2 được đưa vào vũ trụ vào ngày 15/9/2016. Nó đóng vai trò quan trọng trong dự án xây dựng trạm vũ trụ hoạt động thường trực của Trung Quốc, dự kiến hoàn thành năm 2022.