Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên, những người âm thầm mang công nghệ hạt nhân về Triều Tiên

Bất chấp lệnh trừng phạt, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn tiến bộ nhanh chóng nhờ lực lượng các nhà khoa học được cử đi du học ở nước ngoài.

Khi Triều Tiên thử nghiệm bom hydro vào ngày 3/9, một tuần sau vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 18 trong năm, thế giới lại một lần nữa hoài nghi về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm giữ các công nghệ vũ khí tránh xa tầm với của Triều Tiên, bằng cách nào chương trình hạt nhân của họ vẫn tiến bộ nhanh đến vậy?

Theo Wall Street Journal, câu trả lời có thể nằm ở những kiến thức mà các nhà khoa học Triều Tiên mang về nước sau khi du học nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc, dù lệnh trừng phạt năm 2016 của Liên Hợp Quốc đã cấm dạy một số môn học nhất định cho người Triều Tiên.

Lách luật để đem công nghệ về nước

Trong những năm gần đây, hàng trăm nhà khoa học Triều Tiên đã ra nước ngoài tu nghiệp. Theo các số liệu chính thức, các tài liệu nghiên cứu và dữ liệu từ các trường đại học được Wall Street Journal khảo sát, nhiều lĩnh vực nghiên cứu của họ nằm trong danh mục cấm của Liên Hợp Quốc và có thể giúp phát triển các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Hơn 50 năm trước, khi bắt đầu theo đuổi mục tiêu xây dựng kho vũ khí hạt nhân, Triều Tiên còn dựa vào công nghệ và các chuyên gia từ Liên Xô, Iran và Pakistan. Giờ đây, khi Triều Tiên có thể dựa vào nguồn nhân lực khoa học của riêng mình, việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của nước này sẽ trở nên khó khăn hơn.

hat nhan Trieu Tien anh 1
Các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật Triều Tiên tổ chức một cuộc họp ở Bình Nhưỡng thảo luận về công nghệ vũ trụ, ngày 22/11/2016. Ảnh: Kyodo/Getty.

"Chúng ta nên lo lắng về các nhà khoa học Triều Tiên ở nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc", Katsuhisa Furukawa, cựu thành viên nhóm chuyên gia giám sát thực thi lệnh trừng phạt ở Triều Tiên, nói với Wall Street Journal.

Trong số các nhà khoa học này có Kim Kyong Sol, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kỹ thuật cơ điện tử, ngành kết hợp giữa kỹ thuật cơ khí, điện tử và lập trình. Kim vẫn làm việc ở Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc hơn 1 năm sau khi Liên Hợp Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Tháng 3 năm nay, ông và một kỹ sư cao cấp thuộc chương trình vũ trụ quân sự của Bắc Kinh đã cùng xuất bản bài báo khoa học tại Trung Quốc.

Sau khi xem xét bài báo khoa học của ông Kim theo yêu cầu của Wall Street Journal, ông Furukawa kết luận rằng nó rơi vào một danh mục bị cấm trong các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Theo ông Furukawa, các nhà khoa học Triều Tiên được đào tạo ở nước ngoài và làm việc trong nhiều lĩnh vực "chắc chắn đã góp phần tích lũy công nghệ và thông tin liên quan đến chương trình vũ khí của nước này".

hat nhan Trieu Tien anh 2
Hình ảnh của Kim Kyong Sol trong sổ đăng ký của khu nhà ở thuộc Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Ảnh: WSJ.

Theo các chuyên gia, công nghệ mà ông Kim nghiên cứu, được gọi là giảm chấn từ trường (MR damping), có thể được sử dụng để ổn định tàu vũ trụ, hấp thụ chấn động trong hệ thống phóng tên lửa, bao gồm tàu ngầm. Công nghệ này cũng được áp dụng cho thiết bị giảm chấn trong ôtô, các tòa nhà và máy bay trực thăng.

Nhân viên trường đại học cho biết ông Kim đã về nước hồi tháng 6. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh "thực hiện đúng" tất cả nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên.

Niềm tự hào về bom 'sản xuất trong nước'

Điều khiến các quan chức Mỹ lo ngại là Bình Nhưỡng đã tận dụng kẽ hở trong lệnh trừng phạt về giáo dục trước khi Liên Hợp Quốc ban hành lệnh cấm Triều Tiên gửi các nhà khoa học ra nước ngoài để mang về các chuyên gia có thể hoạt động trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự. Ngoài ra, Triều Tiên có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc thi hành lỏng lẻo lệnh cấm.

Ông Kim Jong Un từng tự hào tuyên bố về nguồn gốc quả bom hydro. "Tất cả thành phần của quả bom H này đều được tự chế, cũng như tất cả các quy trình khác nhau từ sản xuất vật liệu hạt nhân đến chế tạo chính xác các bộ phận và lắp ráp", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo nước này.

hat nhan Trieu Tien anh 3
Người dân Triều Tiên theo dõi thông báo thử thành công bom hydro từ màn hình lớn trên đường phố của thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 3/9. Ảnh: AFP/Getty.

Sau vụ thử hạt nhân lần 2 của Triều Tiên vào năm 2009, Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia "ngăn chặn việc giảng dạy và đào tạo chuyên sâu" có thể giúp phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong báo cáo hồi tháng 2, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết họ đã phát hiện một số người Triều Tiên nghiên cứu vật lý ở Italy, 4 người nghiên cứu về khoa học vật liệu, kỹ thuật điện tử và truyền thông tại Rumani năm ngoái sau lệnh cấm.

Năm 2016, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết 2 người Triều Tiên đang được đào tạo tại một trung tâm công nghệ vũ trụ của Ấn Độ, nơi có 32 người khác từng tham dự từ năm 1996, bao gồm người hiện đứng đầu trung tâm điều khiển vệ tinh của Bình Nhưỡng. Trung tâm Ấn Độ nói họ không còn nhận người Triều Tiên.

Năm 2015, số cử nhân Triều Tiên học tập tại Trung Quốc là 1.086, tăng từ 354 người vào năm 2009 theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

60% các bài báo nghiên cứu của Triều Tiên trên tạp chí nước ngoài từ năm 2011 đến 2016 được tiến hành ở Trung Quốc. Phần lớn nghiên cứu thuộc lĩnh vực vật lý, kỹ thuật, toán học, luyện kim và khoa học vật liệu theo dữ liệu nghiên cứu từ Đại học Hallym của Hàn Quốc.

Sau khi Liên Hợp Quốc ban hành lệnh cấm vào năm ngoái, những nghiên cứu được các nhà khoa học Triều Tiên xuất bản ở Trung Quốc đã chuyển hướng sang các lĩnh vực dân sự như y học và khai thác mỏ nhưng cũng bao gồm một số lĩnh vực bị cấm như bọt kim loại có khả năng chống bức xạ.

Lối sống tách biệt của sinh viên Triều Tiên

Gửi thêm nhiều nhà khoa học ra nước ngoài, trao cho họ đặc quyền ở quê nhà là trọng tâm trong chính sách "Tịnh tiến" (Byungjin) nhằm thúc đẩy phát triển song hành cả kinh tế và quốc phòng của ông Kim Jong Un.

Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, được gọi là HIT, là một trong những trường kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc, nơi tiến hành các nghiên cứu liên quan đến quốc phòng, vũ trụ cũng như các nghiên cứu dân sự.

Theo trang web của HIT, trường này có thỏa thuận hợp tác với Đại học Công nghệ Kim Chaek và Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Năm 2013, 2 trường này đã cử nhóm đầu tiên trong 12 nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ tới ghi danh tại đây. Năm 2015, con số tăng lên 28 người.

hat nhan Trieu Tien anh 4
Các sinh viên của Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân chào mừng Ngày Không gian Trung Quốc ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, ngày 24/4/2016. Ảnh: Getty.

Nhân viên tại HIT cho biết người Triều Tiên thường ở chung với nhau, họ sống kín đáo và ít giao lưu. Tất cả đều có học bổng của chính phủ Trung Quốc, được cung cấp chỗ ở miễn phí, không phải đóng tiền học và được nhận trợ cấp 3.000 nhân dân tệ (574 USD) một tháng.

"Rất dễ nhận ra họ qua trang phục và ngoại hình. Họ dường như được giám sát bởi một người trong nhóm", một nghiên cứu sinh ở HIT cho biết.

Ít nhất 11 nghiên cứu sinh người Triều Tiên đã rời trường vào tháng 6 trong khi những người khác chuyển sang học các môn như khoa học quản lý. Một số người có thể đã mang về không chỉ kiến thức của nhà trường.

Người Triều Tiên bị nghi ngờ vi phạm quy định của thư viện bằng cách tải xuống hàng nghìn cơ sở dữ liệu tính phí trong vài tháng gần đây tại ít nhất 2 trường đại học của Trung Quốc, bao gồm HIT. 

Theo thông báo của thư viện, ngày 16/5, 9 sinh viên nước ngoài của khoa cơ điện tử và các khoa khác ở HIT đã tải về 57.000 tài liệu khoa học. Các nhân viên và sinh viên của trường nói rằng thủ phạm là người Triều Tiên.

Người Triều Tiên ăn mừng thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch Hàng trăm nghìn người dân Bình Nhưỡng tham gia diễu hành, nhảy múa và bắn pháo hoa trong buổi mít tinh hôm 6/9, ăn mừng vụ thử bom nhiệt hạch thành công mới đây của Triều Tiên.

Thử bom H: Bàn cờ thay đổi, Triều Tiên có nguy hiểm hơn?

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên trở nên nguy hiểm hơn với vụ thử hạt nhân lần thứ 6, nhưng điều này liệu có thể tạo ra bước ngoặt làm thay đổi toàn cục chính trị quốc tế?

Mỹ dọa cấm vận bất cứ quốc gia nào hợp tác với Triều Tiên

Quan chức cấp cao của Washington cho biết Mỹ sẵn sàng cấm vận kinh tế bất cứ quốc gia nào có mối quan hệ làm ăn với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6.







Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm