Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết hệ thống MARSIS trên Mars Express vừa được cập nhật phần mềm. Bản nâng cấp tăng khả năng phát hiện các chi tiết bên dưới bề mặt Hỏa tinh và Mặt Trăng Phobos, giúp các kỹ sư nghiên cứu dấu hiệu của nước lỏng trên bề mặt "hành tinh đỏ" một cách dễ dàng hơn.
Carlo Nenna, kỹ sư phần mềm của MARSIS cho biết gặp nhiều khó khăn khi cải thiện hiệu suất cho thiết bị. "Đặc biệt bởi phần mềm ban đầu của MARSIS được thiết kế hơn 20 năm trước, sử dụng môi trường phát triển dựa trên Microsoft Windows 98", Nenna chia sẻ.
Theo ESA, bản cập nhật phần mềm cải thiện việc tiếp nhận tín hiệu, xử lý dữ liệu trên Mars Express để tăng số lượng, chất lượng dữ liệu gửi về Trái Đất.
Tàu thăm dò Mars Express bay quanh quỹ đạo Hỏa tinh. Ảnh: ESA. |
"Trước đây, để nghiên cứu các đặc điểm quan trọng trên Hỏa tinh và Mặt Trăng Phobos, chúng tôi dựa vào kỹ thuật phức tạp để lưu các dữ liệu độ phân giải cao, khiến bộ nhớ thiết bị rất nhanh đầy.
Bằng cách loại bỏ dữ liệu không cần thiết, phần mềm mới giúp chúng tôi bật MARSIS trong thời gian nhanh gấp 5 lần, hỗ trợ khám phá khu vực rộng lớn hơn sau mỗi lần tàu thăm dò đi ngang qua", Andrea Cicchetti, đại diện nhóm phát triển bản cập nhật cho biết.
Colin Wilson, nhà khoa học phụ trách Mars Express của ESA chia sẻ đội ngũ của ông đã phát hiện một số dấu hiệu chỉ ra nước lỏng tồn tại trên cực nam Hỏa tinh trong các dữ liệu trước đây. Bản cập nhật sẽ giúp phân tích các khu vực này một cách chi tiết hơn. "Nó giống như thiết bị hoàn toàn mới trên Mars Express sau gần 20 năm", Wilson cho biết.
Được phóng từ năm 2003, Mars Express liên tục bay quanh Hỏa tinh, trang bị một số máy ảnh độ phân giải cao để chụp bề mặt của "hành tinh đỏ". Trong gần 20 năm hoạt động, Mars Express đã gửi về nhiều dữ liệu giá trị, chủ yếu liên quan đến dấu hiệu nước lỏng từng tồn tại trên Hỏa tinh.
Thiết bị quan trọng cho sứ mệnh này là MARSIS, viết tắt của Mars Advanced Radar for Subsurface and Ionospheric Sounding (Radar nâng cao để đo âm thanh dưới bề mặt và tầng điện ly của Hỏa tinh).
MARSIS gửi các sóng vô tuyến tần số thấp xuống bề mặt Hỏa tinh thông qua ăng-ten dài 40 m. Bằng cách kiểm tra tín hiệu phản xạ, các nhà khoa học có thể lập bản đồ cấu trúc bên dưới bề mặt ở độ sâu hàng km, giúp nghiên cứu các đặc tính như độ dày, các lớp vật liệu, đá núi lửa và trầm tích.
Tháng 7/2018, các nhà khoa học đã phân tích khối băng phía nam Hỏa tinh bằng Mars Express, phát hiện khối băng có thể chứa một hồ nước mặn ở dạng lỏng. Đến tháng 2/2019, một nhóm nghiên cứu khác cho rằng hồ nước mặn có thể được tạo bởi hoạt động núi lửa từ trong lớp vỏ của Hỏa tinh.
Cực nam của Hỏa tinh nhìn từ Mars Express. Ảnh: ESA. |
Tháng 11/2018, Mars Express đã chụp được khung cảnh thung lũng khô cằn của Hỏa tinh. Các nhà khoa học cho rằng đó là “bằng chứng không thể chối cãi rằng Hỏa tinh từng có rất nhiều nước”. Hệ thống các thung lũng này nằm trên cao nguyên phía đông hố thiên thạch Huygens.
Năm 2021, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã khởi động chiến dịch Mars 2020 với tàu thăm dò Hỏa tinh Perseverance. Là một trong những cỗ máy hiện đại nhất từng hạ cánh trên Hỏa tinh, tuy nhiên Perseverance chạy trên PowerPC 750, chip xử lý đơn nhân cũ kỹ của Motorola với xung nhịp 233 MHz. Đây cũng là chip xử lý trang bị trên máy tính iMac 1998.
Đối với tàu thăm dò Spirit và Opportunity (phóng năm 2003), chúng chỉ trang bị chip 20 MHz và bộ nhớ 256 MB. Trong khi đó, Perseverance có bộ nhớ 2 GB và RAM 256 MB. Chip PowerPC 750 cũng được trang bị trên tàu thăm dò Curiosity, phóng năm 2011.
Bình luận