Theo Scientific American, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tắt một số hệ thống tiêu thụ năng lượng trên Voyager 1 và 2 trong năm nay, mở đường cho kế hoạch chấm dứt sứ mệnh của 2 tàu thăm dò vào năm 2030.
Được phóng từ năm 1977, Voyager chủ yếu thu nhận tín hiệu từ các vùng xa xôi của Hệ Mặt Trời dùng cho nghiên cứu. Sau hơn 40 năm, Voyager đã vươn tới không gian giữa các vì sao, cách Trái Đất xa hơn tất cả vật thể nhân tạo khác. Không vật thể nào có thể phá vỡ kỷ lục này trong nhiều thập kỷ tới, Business Insider cho biết.
Tàu vũ trụ Voyager 1 và 2 chuẩn bị dừng hoạt động đến năm 2030. Ảnh: NASA. |
Hệ thống máy tính của Voyager 1 và 2 được cung cấp năng lượng bởi plutonium, nguyên tố phóng xạ với khả năng tạo ra năng lượng hạt nhân thông qua các phản ứng phân hạch.
Theo Scientific American, công suất năng lượng tạo ra bởi plutonium trên Voyager 1 và 2 giảm khoảng 4 W mỗi năm. Đó là lý do NASA cần tắt một số hệ thống tiêu hao năng lượng trên tàu vũ trụ để đảm bảo kéo dài tuổi thọ hoạt động thêm vài năm, đến thập niên 2030.
"Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, chúng ta có thể kéo dài các sứ mệnh đến thập niên 2030. Điều đó phụ thuộc vào năng lượng, một thứ giới hạn", Linda Spilker, nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực NASA cho biết.
Ban đầu, mục đích của Voyager là bay theo Mộc tinh và Thổ tinh để chụp ảnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu vũ trụ tiếp tục đi sâu hơn, gửi loạt ảnh của Hệ Mặt Trời. Năm 1990, Voyager 1 chụp lại Trái Đất khi nhìn ở khoảng cách gần 6 tỷ km. Được gọi là Pale Blue Dot, đây là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất của Voyager.
Vành đai Thổ tinh và chấm trắng Trái Đất được Voyager chụp lần lượt năm 1981 và 1990. Ảnh: NASA. |
Năm 1998, Voyager trở thành vật thể nhân tạo xa Trái Đất nhất (10,4 tỷ km). Theo dữ liệu của NASA, các tàu Voyager đang lần lượt cách Trái Đất 19,3 tỷ và 23,3 tỷ km. Năm 2012 và 2018, Voyager 1 và 2 lần lượt trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên chạm đến không gian giữa các sao (interstellar space).
Dù đã 45 năm, những thiết bị điện tử của Voyager vẫn hoạt động bình thường. Hệ thống máy tính trên Voyager không yêu cầu nhiều năng lượng. Thông tin thu thập bởi tàu vũ trụ được ghi lên cuộn băng từ 8 rãnh, sau đó gửi về Trái Đất bằng chiếc máy với năng lượng tiêu thụ ngang bóng đèn tủ lạnh.
"Bộ nhớ của chúng còn ít hơn chìa khóa từ xa để mở cửa xe hơi của bạn", Spilker cho biết.
Khi năng lượng của Voyager cạn kiệt, NASA cần cho ngừng hoạt động một số bộ phận trên tàu để cung cấp đủ năng lượng.
Đĩa mạ vàng chứa "quà kỷ niệm" của Trái Đất cho Voyager. Ảnh: NASA. |
Dự kiến sau năm 2030, Voyager sẽ không còn khả năng liên lạc với Trái Đất. Tuy nhiên, tàu vũ trụ vẫn còn sứ mệnh cuối cùng khi mang theo tấm đĩa mạ vàng 12 inch, chứa các thông tin về Trái Đất gồm 115 bức ảnh, lời chào bằng 55 ngôn ngữ, hiệu ứng âm thanh của gió, mưa, nhịp tim con người và bản nhạc 90 phút.
Trong 20.000 năm tiếp theo, Voyager 1 và 2 sẽ đi qua Proxima Centauri, ngôi sao gần chúng ta nhất. Tiếp theo, 2 tàu vũ trụ sẽ quay quanh thiên hà suốt hàng triệu năm trong trạng thái gần như nguyên vẹn ngay cả khi Mặt Trời sụp đổ.