Tên lửa của sứ mệnh DART rời Trái Đất vào chiều 24/11 (giờ Việt Nam) có một nhiệm vụ đơn giản: va chạm vào một tiểu hành tinh với tốc độ khoảng 24.000 km/h (15.000 dặm một giờ).
Thử nghiệm này có mục đích kiểm tra liệu một tiểu hành tinh bị tàu vũ trụ đâm vào có thể bị thay đổi quỹ đạo hay không. Nếu thành công, sứ mệnh sẽ rất có ích cho NASA và các cơ quan không gian khi cần làm chệch hướng một tiểu hành tinh, từ đó loại bỏ khả năng tạo nên vụ va chạm thảm khốc với Trái Đất.
Tàu vũ trụ DART sẽ được mang lên không gian với tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Ảnh: NASA. |
Theo Giám đốc NASA Bill Nelson, có thể hình dung DART (viết tắt của Thử nghiệm điều chỉnh hướng 2 hành tinh) hoạt động như trong kịch bản bộ phim Armageddon, dù rằng phim đó hoàn toàn là giả tưởng.
Sau khi được phóng lên không gian, tàu vũ trụ sẽ thực hiện gần hết một quỹ đạo quanh Mặt Trời trước khi gặp Dimorphos, vệ tinh của một tiểu hành tinh lớn hơn là Didymos. Dimorphos không phải mối đe dọa với Trái Đất, nó được chọn đơn thuần là mục tiêu thực hành sứ mệnh.
Dự kiến, vụ va chạm của DART sẽ xảy ra vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2022, khi các tiểu hành tinh ở điểm gần Trái Đất nhất, cách khoảng 11 triệu km.
Bốn giờ trước vụ nổ, tàu vũ trụ DART sẽ tự động lái thẳng về phía Dimorphos để thực hiện va chạm trực diện với tốc độ 24.000 km/h.
Một máy ảnh trên bo mạch sẽ chụp và gửi lại ảnh về Trái Đất trong thời gian thực trước khoảng 20 giây vụ va chạm xảy ra. Một vệ tinh nhỏ khác của Cơ quan Vũ trụ Italy, được triển khai 10 ngày trước vụ va chạm, sẽ tiếp cận trong phạm vi 55 km từ tiểu hành tinh để chụp nhanh hình ảnh sau mỗi 6 giây, lưu lại khoảnh khắc trước và sau sự kiện.
Để đánh giá liệu DART có làm thay đổi quỹ đạo của Dimorphos xung quanh Didymos hay không, các nhà thiên văn học sẽ theo dõi thời gian phản chiếu ánh sáng Mặt Trời của tiểu hành tinh.
Nếu quỹ đạo của Dimorphos kéo dài thêm ít nhất 73 giây, DART sẽ chứng minh sứ mệnh của mình thành công. Nhưng những người điều hành hy vọng vụ va chạm sẽ kéo dài thêm quỹ đạo của tiểu hành tinh trong khoảng 10-20 phút.
Hình ảnh minh họa tàu vũ trụ DART trước vụ va chạm với tiểu hành tinh. Ảnh: NASA. |
Trước đó, nhiều kỹ sư và chuyên gia đã thực hiện các mô phỏng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm thay đổi quỹ đạo của vật thể không gian. Đây cũng là một trong số ít vũ khí để phòng thủ hành tinh của NASA.
Tuy nhiên, nếu không vận hành đúng cách, vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và vũ khí hạt nhân có thể tạo ra nhiều mảnh vỡ, khiến mối nguy hiểm gia tăng cấp theo cấp số nhân.
Theo Brent Barbee, một kỹ sư hàng không tại NASA, sứ mệnh DART “có khả năng hoàn thành công việc khá tốt” với bất kỳ tiểu hành tinh nhỏ và xa xôi nào có thể đe dọa Trái Đất trong vài thập kỷ tới.
“Nhưng nếu tiểu hành tinh lớn hơn hoặc thời gian cảnh báo ngắn hơn, đó là lúc bạn chuyển việc xem xét tác động lực học sang các thiết bị hạt nhân”, Barbee nói.
Dù vậy, việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong không gian là không dễ dàng. Các hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hạt nhân và Hiệp ước ngoài không gian, nền tảng của luật không gian quốc tế được ký kết vào những năm 1960 đã cấm việc bố trí hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân trong không gian.