Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga xả thêm rác trong vũ trụ sau khi phóng tên lửa bắn nổ vệ tinh

Các chuyên gia cho rằng vụ thử tên lửa phá hủy vệ tinh của Nga vừa qua không chỉ gây nguy hiểm cho ISS mà còn khiến vấn đề rác thải trong không gian thêm trầm trọng.

Vài ngày sau khi các quốc gia trên thế giới đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, một vấn đề môi trường khẩn cấp khác xảy ra - nhưng lần này ở trong vũ trụ, theo CNN.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/11 thông báo thực hiện thành công cuộc thử nghiệm (tên lửa), với kết quả là vệ tinh Tselina-D, nằm trong quỹ đạo từ năm 1982, bị phá hủy. Bộ trưởng Shoigu cho biết vụ phóng sử dụng hệ thống "hứa ​​hẹn" có khả năng tấn công chính xác mục tiêu, AFP đưa tin.

Trong khi đó, quân đội Mỹ nói họ không được thông báo về cuộc thử nghiệm nhắm vào vệ tinh lần này.

Vụ phá hủy vệ tinh tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ trong quỹ đạo. Quan chức và cộng đồng khoa học Mỹ gọi đây là cuộc tấn công “nguy hiểm và vô trách nhiệm”, buộc phi hành đoàn của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải tìm nơi ẩn nấp.

Chỉ một số quốc gia - bao gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - thực hiện thành công các vụ thử nghiệm vũ khí nhằm vào vệ tinh. Đây cũng không phải lần đầu tiên Nga thực hiện những cuộc thử nghiệm tương tự. Nhưng vụ việc lần này nhận lời chỉ trích từ các nước khác do nó có khả năng gây nguy hiểm cho ISS và phi hành đoàn.

Nga phủ nhận vụ thử nghiệm gây nguy hiểm

CNN nhận định các mảnh vỡ gây nguy hiểm không chỉ cho phi hành đoàn 7 người - trong đó có 2 người Nga, 4 người Mỹ và một người Đức - mà còn cho cả các vệ tinh cung cấp dịch vụ liên lạc quan trọng tới Trái Đất.

Theo Reuters, các phi hành gia trên ISS phải vào trú trong phi thuyền dùng cho chuyến bay trở về trong 2 giờ. Đây là quy trình đề phòng cho trường hợp khẩn cấp buộc phải sơ tán.

Quân đội Nga cho biết đây chỉ là hoạt động tiến hành theo kế hoạch nhằm tăng cường khả năng quốc phòng. Họ nói phía Mỹ biết chắc chắn các mảnh vỡ, dựa vào thời gian thử nghiệm và thông số quỹ đạo, sẽ không gây ra mối đe dọa cho trạm, tàu vũ trụ và hoạt động không gian.

"Tuyên bố rằng Nga gây rủi ro đến hoạt động trong không gian vũ trụ một cách hòa bình là đạo đức giả", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, đồng thời phủ nhận Moscow gây nguy hiểm cho ISS. Ông khẳng định "không có sự thật nào" củng cố cho những cáo buộc như vậy.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó nhấn mạnh vụ thử vũ khí "tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế" và "không nhằm vào bất kỳ ai".

nga pha huy ve tinh trong vu thu ten lua anh 1

Nga thừa nhận phá hủy vệ tinh trong vụ thử tên lửa. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết mối nguy hiểm vẫn chưa chấm dứt, các mảnh vỡ sẽ tiếp tục đe dọa vệ tinh và hoạt động trên ISS.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói vụ thử nghiệm là hành động "liều lĩnh và đáng lo ngại". “Điều này chứng tỏ Nga đang phát triển hệ thống vũ khí mới có khả năng bắn hạ vệ tinh”, ông nói tại cuộc họp với các bộ trưởng Quốc phòng EU.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly chỉ trích "những người phá hoại không gian" đang tạo ra hàng loạt mảnh vỡ nguy hiểm. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức "rất lo ngại" về vụ thử nghiệm, đồng thời kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để "củng cố an ninh và lòng tin".

Hugh Lewis, giáo sư kỹ thuật và khoa học vật lý tại Đại học Southampton của Anh, cho rằng câu hỏi tại sao Nga lại thử nghiệm vào lúc này "đáng giá tỷ USD".

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (ROSCOSMOS) cho biết phi hành đoàn phải nhanh chóng mặc bộ đồ vũ trụ và nhảy lên tàu trong trường hợp trạm ISS va phải bởi một số mảnh vỡ.

Nhưng trong thông báo đăng trên Twitter, ROSCOSMOS hạ thấp sự nguy hiểm của tình huống: "Quỹ đạo của các mảnh vỡ, thứ buộc phi hành đoàn hôm nay phải di chuyển vào tàu vũ trụ theo quy trình tiêu chuẩn, đã đi ra khỏi quỹ đạo ISS".

"Bãi phế liệu" bay lơ lửng trên trời

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, số lượng rác thải mới được tạo ra tăng thêm hơn 9.600 tấn mảnh vụn bay lơ lửng trong không gian. Các mảnh vụn này đến từ bộ phận của vệ tinh cũ hay thân tên lửa.

Hơn 6 thập niên sau khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên - Sputnik 1, bãi phế liệu trên bầu trời ngày càng lớn. Các chuyên gia cảnh báo giống như cuộc khủng hoảng khí hậu mà Trái đất phải đối mặt, không gian cũng đang chịu tác động từ hoạt động của con người.

"Sự tích tụ nhựa trong đại dương giống với số rác trong quỹ đạo xung quanh Trái Đất", giáo sư Hugh Lewis nói.

nga pha huy ve tinh trong vu thu ten lua anh 2

"Bãi phế liệu" trong không gian có kích thước ngày càng lớn. Ảnh: iStock.

Theo báo cáo hồi tháng 1 của NASA, ít nhất 26.000 mảnh rác thải vũ trụ quay quanh Trái Đất có kích thước bằng một quả bóng mềm - đủ lớn để phá hủy một vệ tinh. Hơn 500.000 mảnh vỡ lớn bằng đá cẩm thạch - có khả năng làm hỏng tàu vũ trụ, trong khi "hơn 100 triệu mảnh bé có thể làm thủng bộ đồ bảo hộ trong không gian".

Khi va vào nhau, những mảnh vụn này càng nhỏ hơn nữa.

Các mảnh vỡ tạo ra từ vụ thử tên lửa của Nga ở độ cao từ 440-520 km. Với độ cao này, ông Lewis giải thích các mảnh vụn, về cơ bản, sẽ rơi xuống và bốc cháy khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.

Tim Flohrer, chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nói rằng mặc dù loài người chưa cảm nhận ngay lập tức tác động của rác thải vũ trụ trong cuộc sống hàng ngày, xã hội sẽ ngày càng "phụ thuộc vào không gian để phục vụ cho rất nhiều dịch vụ trên mặt đất", như viễn thông, dự báo thời tiết hay GPS.

"Môi trường, dù ở Trái Đất và hay trong không gian, đều cần bảo vệ", giáo sư Lewis nói. Ông cho biết dù có nhiều nỗ lực để cải thiện tính bền vững của không gian, chính phủ cần bắt tay giải quyết nhiều trở ngại về ngoại giao đi kèm.

Tuy nhiên, lĩnh vực không gian vũ trụ không được đưa ra bàn luận tại hội nghị COP26 vừa qua.

Pháp cảnh báo Nga, EU chuẩn bị trừng phạt Belarus

Pháp cảnh báo Nga về tình hình Ukraine, trong khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí tăng cường biện pháp trừng phạt Belarus giữa lúc người di cư kẹt ở khu vực biên giới.

Taliban diễu binh, khoe xe bọc thép và vũ khí Mỹ

Những chiếc xe bọc thép do Mỹ sản xuất cùng trực thăng của Nga đã xuất hiện trong cuộc diễu binh của Taliban ở Kabul, Afghanistan vào hôm 14/11.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm