Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NASA mất 2 vệ tinh do tên lửa phóng thất bại

Hợp tác với công ty vũ trụ tư nhân để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên NASA đã mất tổng cộng 6 vệ tinh sau 2 lần phóng tên lửa thất bại.

Lúc 13h43 ngày 12/6 (giờ Mỹ), tên lửa Launch Vehicle 0010 (LV0010) của công ty vũ trụ tư nhân Astra được phóng từ Trạm Không quân Cape Canaveral tại Florida (Mỹ).

Theo Gizmodo, tên lửa mang theo 2 vệ tinh TROPICS CubeSats của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), dùng để nghiên cứu các xoáy thuận nhiệt đới. Đó là những hệ thống bão quay quanh khu vực có áp suất thấp và gió mạnh, thường hình thành trên vùng biển ấm gần xích đạo.

NASA mat 2 ve tinh do ten lua phong that bai anh 1

Khoảnh khắc tên lửa LV0010 chứa 2 vệ tinh của NASA được phóng lên quỹ đạo. Ảnh: NASA.

Vài phút sau khi phóng, động cơ thuộc tầng trên của LV0010 ngừng hoạt động sớm hơn tính toán, khiến tên lửa không thể đưa các vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất. Theo Gizmodo, nhiều khả năng các vệ tinh đã rơi xuống biển.

"Dù đợt phóng hôm nay của Astra không diễn ra như kế hoạch, sứ mệnh đã tạo ra cơ hội tốt cho những tiến bộ khoa học và kế hoạch phóng tên lửa tiếp theo", Thomas Zurbuchen, đại diện các sứ mệnh khoa học của NASA chia sẻ.

NASA mat 2 ve tinh do ten lua phong that bai anh 2

Vệ tinh TROPICS CubeSats. Ảnh: NASA.

Thời điểm phóng LV0010 đã bị dời 2 tiếng để đội ngũ kỹ thuật đảm bảo nhiên liệu phóng tên lửa đạt nhiệt độ phù hợp. Dù 2 vệ tinh đầu tiên không thể hoàn thành nhiệm vụ, NASA hy vọng vẫn có thể phóng suôn sẻ 4 vệ tinh còn lại.

"Những sứ mệnh mạo hiểm trên Trái Đất như thế này tạo cơ hội đưa các dự án #NASAScience lên không gian mà không tốn nhiều chi phí. Nó cũng mở ra cơ hội để các nhà nghiên cứu thu thập các dữ liệu về không gian", Zurbuchen cho biết.

CubeSats là một phần trong sứ mệnh TROPICS (Time-Resolved Observations of Precipitation structure and storm Intensity with a Constellation of Smallsats, tạm dịch: Những quan sát được phân tích theo thời gian về cấu trúc mưa, cường độ bão với một chòm sao vệ tinh cỡ nhỏ). Vệ tinh này dùng để nghiên cứu sự hình thành của các cơn bão nhiệt đới.

NASA đặt mục tiêu phóng các vệ tinh thuộc dự án TROPICS trải dài khắp 3 mặt phẳng quỹ đạo Trái Đất, nhằm thu thập dữ liệu trên phạm vi rộng, tần suất cao hơn những vệ tinh thời tiết hiện nay.

NASA mat 2 ve tinh do ten lua phong that bai anh 3

Động cơ tầng trên của LV0010 ngừng hoạt động và tách khỏi tên lửa sớm hơn tính toán. Ảnh: NASA.

Để tiết kiệm chi phí, NASA liên doanh với các công ty tư nhân để phóng tên lửa chứa vệ tinh, nhưng cũng chịu rủi ro lớn. Astra được thành lập năm 2016 với mục đích phóng các tên lửa nhỏ, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Theo SpaceFlightNow, công ty tại California đã thất bại 5 trên 7 lần phóng tên lửa.

Vào tháng 2, lần phóng đầu tiên của Astra hợp tác với NASA cũng thất bại khi tên lửa gặp trục trặc trước khi lên quỹ đạo, làm mất 4 vệ tinh. Sự cố mới nhất ngày 12/6 khiến NASA mất tổng cộng 6 vệ tinh trong 2 lần hợp tác với Astra.

4 vệ tinh TROPICS CubeSats còn lại được lên kế hoạch phóng vào tháng 7, tuy nhiên NASA tuyên bố sẽ tạm dừng hợp tác với Astra trong lúc điều tra nguyên nhân sự cố. "Bất chấp để mất 2 trong số 6 vệ tinh đầu tiên, 'chòm sao vệ tinh' TROPICS vẫn sẽ đáp ứng các sứ mệnh khoa học với 4 vệ tinh CubeSats còn lại", NASA cho biết.

Âm thanh rùng rợn từ lỗ đen khổng lồ Các nhà khoa học từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã "âm thanh hóa" dữ liệu sóng áp suất trong tia X phát ra từ lỗ đen khổng lồ, thuộc cụm thiên hà trong chòm sao Perseus.

Con người có thể thở trên Hỏa tinh không?

Con người sẽ chết vì ngạt khí nếu thở trên Hỏa tinh mà không mặc đồ phi hành gia, tuy nhiên mọi thứ có thể thay đổi trong tương lai nhờ thiết bị chế tạo oxy của NASA.

Máy ảnh cháy rụi sau khi chụp vụ phóng tên lửa

Khi chụp ảnh cho một đợt phóng tên lửa của SpaceX, nhiếp ảnh gia NASA đã trải qua sự cố lần đầu xảy ra trong 30 năm làm việc.

NASA công bố âm thanh rùng rợn của lỗ đen

Sau khi nâng tông và tăng tần số, các nhà khoa học đã chuyển đổi sóng áp suất từ một lỗ đen thành âm thanh có thể nghe bằng tai người.

Phúc Thịnh

Theo Gizmodo

Bạn có thể quan tâm