Cục Kiểm ngư hôm nay cho biết, Trung Quốc thường xuyên duy trì khoảng từ 116 – 122 tàu các loại, trong đó có 45 – 47 tàu Hải cảnh; 14 – 16 tàu vận tải; 17 – 19 tàu kéo; 34 tàu cá vỏ sắt và 6 tàu quân sự.
Chiến thuật của nước này đã thay đổi trong ngày hôm nay. Trung Quốc đã chia các tàu trên hiện trường giàn khoan thành 2 vòng: Vòng ngoài gồm 7 – 11 tàu loại lớn, được bố trí trên các hướng tiếp cận giàn khoan 981 của tàu Việt Nam; vòng trong gồm các loại tàu nhỏ, bố trí cách giàn khoan khoảng 6 – 8 hải lý.
Hôm nay 29/6, Trung Quốc đã chia các tàu làm 2 vòng để ngăn cản các tàu Việt Nam quyết liệt hơn. Ảnh: Tiền Phong |
Trong khi đó, các tàu kiểm ngư của Việt Nam vẫn thực hiện các đợt tiếp cận giàn khoan đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phạm vi cách giàn khoan từ 10 – 11 hải lý.
Khi các tàu kiểm ngư tiếp cận giàn khoan 10 – 11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật thì các tàu của Trung Quốc đều tăng tốc độ, tập trung ngăn cản. Các tàu vòng ngoài của Trung Quốc bao vây 2 bên; vòng trong áp sát ngăn cản phối hợp với vòng ngoài sẵn sàng ủi đẩy, đâm va. Lúc gần nhất, các tàu này chỉ cách tàu Việt Nam khoảng 100m. Tàu Trung Quốc sẵn sàng manh động đâm va, kiên quyết không cho tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan.
Dưới sự ngăn cản của các tàu Trung Quốc, các tàu kiểm ngư đã vòng tránh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, kiên trì bám trụ để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật.
Các tàu cá của ngư dân Việt Nam trên ngư trường tuyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt cách giàn khoan 42 – 44 hải lý. Ở khu vực này, khoảng 34 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh số hiệu 46102, 46106 của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, ép hướng, không cho tàu cá của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Cục Kiểm ngư khẳng định, giàn khoan 981 vẫn không có sự dịch chuyển vị trí.