Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giàn khoan Nam Hải số 9 làm tình hình thêm phức tạp

Ngay khi ông Dương Khiết Trì vừa lên máy bay rời Việt Nam, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Nam Hải số 9 vào vùng biển chưa phân định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, làm gia tăng căng thẳng.

15h ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo quốc tế thường kỳ, với sự tham dự của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, khi giàn khoan Hải Dương 981 cùng lượng lớn máy bay, tàu của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc lại làm tình hình thêm phức tạp khi thông báo đưa giàn khoan Nam Hải số 9 đến vị trí mới.

Theo ông Hải Bình, 13h ngày 21/6, các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan Nam Hải số 9 đã đến vị trí Trung Quốc thông báo. Tiếp đó, Cục Hải sự Trung Quốc đưa tàu khảo sát vật lý địa cầu hoạt động tại Biển Đông. Khu vực giàn khoan Nam Hải số 9 và tàu khảo sát hoạt động là thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa phân định.

Theo luật pháp quốc tế, không bên nào được thăm dò, khai thác ở vùng chưa phân định. Hành động này diễn ra khi ông Dương Khiết Trì vừa sang thăm Việt Nam. Điều này làm dư luận quốc tế và Việt Nam lo ngại. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phát hành bản đồ địa hình Trung Quốc trong đó có đường lưỡi bò, tiếp tục mở rộng, xây dựng trái phép trên một số hòn đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nói trên, không có hành động tương tự trong thời gian tới, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ngày 23/6, tàu kiểm ngư Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách giàn khoan 981 khoảng 11,5 hải lý thì bị tàu Trung Quốc vây ép, đâm húc gây thiệt hại nặng.

"Đây là hành vi hết sức nghiêm trọng, đe dọa tàu của Việt Nam hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm công ước quốc tế về Luật biển 1982. Việt Nam lên án mạnh mẽ hành động này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động gây hư hại cho tàu Việt Nam, đồng thời bồi thường cho tàu Kiểm ngư cũng như các tàu khác của Việt Nam đã bị gây hư hại", ông Hải Bình nói.

Việt Nam đã có phương án phòng bị với 'Nam Hải số 9'

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đơn vị này đã nhận chỉ đạo từ cấp trên về việc theo dõi sát sao giàn khoan “Nam Hải số 9”.

Thông báo tình hình thực địa 10 ngày qua, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 109 đến 125 tàu thuyền các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, trong đó có 4-6 tàu chiến (tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu quét mìn), cùng nhiều tàu hải tuần, tàu kéo phục vụ, bảo vệ giàn khoan và các tàu cá.

Trung Quốc đang áp dụng thủ đoạn dùng tàu kéo kèm chặt hai mạn, tạo điều kiện để tàu khác đâm tàu Việt Nam. Trước, Trung Quốc dùng tàu Hải cảnh đâm khiến tàu này cũng bị móp méo nên giờ họ dùng tàu kéo đâm để không bị hư hại. Các máy bay trinh sát, tiêm kích, trực thăng của Trung Quốc cũng bay ở độ cao thấp để uy hiếp tàu Việt Nam.

Theo ông Thu, tàu cá Trung Quốc tiếp tục ngăn cản, buộc ngư dân Việt Nam đánh cá trong ngư trường truyền thống cách giàn khoan 981 khoảng 30 hải lý phải rời ngư trường.

"Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không dùng tàu quân sự bảo vệ giàn khoan, nhưng xin khẳng định tàu quân sự Trung Quốc thường xuyên có mặt ở hiện trường. Chúng tôi đã chụp được hình ảnh, đăng ký được tọa độ và không riêng phía Việt Nam mà các phóng viên quốc tế cũng ghi được hình ảnh. Nên Trung Quốc nói không dùng tàu quân sự mà tàu này chỉ đi qua là sai sự thật, lời nói của họ không đi đôi với việc làm", ông Thu nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên AP về quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan mới ra Biển Đông, Người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Vị trí Nam Hải số 9 là vùng chồng lấn, đang được phân định. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, khi đang phân định, không được thăm dò, khai thác". 

Theo ông Bình, có thông tin Trung Quốc đưa tiếp những giàn khoan khác, Việt Nam sẽ theo sát hành động này. Không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế sẽ lo ngại nếu các giàn khoan này xâm phạm vùng chủ quyền của các nước.



Giàn khoan Nam Hải số 9 mới được Trung Quốc đưa vào khu vực cửa vịnh Bắc Bộ - nơi chưa phân định.

Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Dương Khiết Trì, hai bên đã nhất trí sớm ổn định tình hình biển Đông, nhưng sau đó Trung Quốc vẫn ngang ngược trên Biển Đông. Bình luận về động thái này, ông Hải Bình chia sẻ: "Tôi đã khẳng định để giải quyết vấn đề phải có thiện chí từ hai phía. Nếu chỉ có một phía thì vấn đề không thể được giải quyết. Với hành động ngang ngược thì vấn đề còn có thể nghiêm trọng hơn".

"Việt Nam có đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế không? Nếu có thì bao giờ?", phóng viên AFP đặt câu hỏi. Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đã và đang sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền. Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình văn minh được thế giới ủng hộ. 

"Việt Nam đang nghiên cứu, cân nhắc kỹ thời điểm áp dụng biện pháp này", ông Hải Bình nói.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm